Hãng thông tấn AFP đưa tin, ngày 19-9, một kết quả nghiên cứu về tác hại của thực phẩm biến đổi gien (OGM) đối với chuột thực nghiệm, vừa được công bố, gây chấn động công luận. Pháp và châu Âu tuyên bố sẽ thẩm định kết quả này và, nếu tác hại là thực, sẽ nhanh chóng có biện pháp thích đáng. Cho đến nay, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên cho thấy tính độc hại của thực phẩm OGM. Một ngày sau đó giáo sư Gilles-Eric Seralini, phụ trách nhóm nghiên cứu về tác động của OGM đã họp báo tại Quốc hội châu Âu, Bruxelles làm rõ kết quả này. Nhóm chuyên gia, do giáo sư Gilles-Eric Séralini (Đại học Caen) lãnh đạo, đã tiến hành nghiên cứu trong vòng hai năm liền một cách bí mật về tác động của bắp OGM NK 603 (là sản phẩm của hãng Monsanto được nhập vào châu Âu) và thuốc diệt cỏ Roundup lên chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nhóm chuột ăn bắp biến đổi gien có tỷ lệ bị u, bướu cao gấp khoảng 2,5 lần và tỷ lệ tử vong cũng cao gấp khoảng 2,5 lần so với nhóm đối chứng ăn bắp thường.
Chi phí cho nghiên cứu kể trên của Đại học Caen là hơn 3 triệu euro do hai quỹ Ceres và Fondation Charles Leopold Meyer vì tiến bộ của con người đài thọ và do Hội đồng Nghiên cứu và thông tin độc lập về công nghệ di truyền (CRIIGEN) quản lý. Ngày 26-9 tới, một bộ phim về nghiên cứu đặc biệt này, mang tên “Tous cobayes”, sẽ ra mắt công chúng, cùng với một cuốn sách do NXB Flammarion phát hành.
Ngay sau khi kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học “Food and Chemical Toxicology” hôm 19-9, Bruxelles đã lập tức yêu cầu EFSA (Cơ quan châu Âu về an toàn thực phẩm) xem xét hồ sơ này và hứa hẹn sẽ sớm có các biện pháp. Cùng ngày Ủy ban châu Âu đã tuyên bố ngưng xem xét yêu cầu gia hạn nhập khẩu hạt giống bắp OGM MON 810, trong khi chờ đợi ý kiến của EFSA. Đây là một trong hai giống OGM duy nhất mà đến nay châu Âu cho phép sử dụng.
Nghiên cứu của đại học Caen, nếu được EFSA công nhận, sẽ lật ngược lại quan niệm cho rằng bắp OGM là vô hại. Đây là luận điểm mà cơ quan này và Ủy ban châu Âu vẫn dùng để biện bạch cho việc cấp phép trồng một số cây biến đổi gien và nhập khẩu các thực phẩm có chứa OGM.
Nghiên cứu kéo dài hai năm nói trên là một trường hợp hy hữu, vì cho đến nay, theo quy định của châu Âu, các nghiên cứu chứng minh tính vô hại của OGM đối với sức khỏe, chỉ được tiến hành trong thời gian tối đa là 90 ngày. Hiện tại, ở châu Âu dù có rất ít cây trồng OGM, nhưng đậu tương Hoa Kỳ, mà phần lớn là đậu tương OGM chiếm từ 25 – 30% trong thức ăn cho chăn nuôi của lục địa này.
Nhân dịp nghiên cứu về OGM gây sốc vừa được công bố, một số nhà chính trị đặt lại nghi vấn về những cản trở ghê gớm đối với các nghiên cứu khoa học độc lập về tác động của OGM từ lâu nay. Các nhà chính trị Pháp thuộc đảng Xanh (EELV) thì yêu cầu đình chỉ việc nhập khẩu tất cả mặt hàng có chứa thực phẩm biến đổi gien.
Nghiên cứu này không chỉ gây chấn động trong giới khoa học mà cả trong giới kinh doanh do thị trường lớn thực phẩm biến đổi gien đang phát triển mạnh và làm lợi cho nhiều tập đoàn phân phối ở châu Âu.
Báo Le Monde của Pháp đã có bài viết mô tả chi tiết về nghiên cứu của giáo sư Seralini. Trong khi đó báo Libération cho rằng chính phủ Pháp và châu Âu vì sức khỏe của người dân cần xem lại chính sách nhập khẩu giống bắp biến đổi gien.
Trân Hồ