Xin được mượn ý của Bộ trưởng Đinh La Thăng “Quản lý nhà nước không thể vô cảm như thế” khi ông phê phán một vị lãnh đạo cấp sở tại Hội nghị ngành Giao thông vận tải đối thoại với doanh nghiệp ngày 5-8-2014 (theo VNEconomy ngày 5-8-2014) để đặt tiêu đề cho bài này, với mong muốn bàn thêm một số ý kiến về quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ những vấn đề thời sự đang gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp: đó là quyền tự do kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế và hải quan. Đây cũng là những vấn đề cần được quan tâm trong cải cách thể chế hiện nay.
Khó quản lý thì “cấm là thượng sách”
Doanh nghiệp nước ta đang gặp nhiều khó khăn trên đường phát triển. Số liệu thống kê cho biết: tính chung bảy tháng đầu năm 2014, cả nước có 42.398 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 262.400 tỉ đồng, giảm 7% về số doanh nghiệp và tăng 17,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2013. Riêng tháng 7-2014, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới là 5.083 với tổng vốn đăng ký là 31.518 tỉ đồng, giảm 16,5% về số doanh nghiệp và giảm 45% về vốn so với tháng trước. Cũng trong sáu tháng đầu năm 2014, có 33.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể và xu hướng này còn tăng. Bức tranh không mấy sáng sủa. Về nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, có những nguyên nhân về môi trường kinh doanh thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Vềquyền tự do kinh doanh, hiện nay, những quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang rất rối rắm, làm khổ doanh nghiệp. Tại cuộc Hội thảo về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 24-7-2014, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung đã đưa ra tập văn bản nặng hơn 1kg giấy khổ A4 gồm các quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang có hiệu lực. Ông nói: “Ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh rối như mạng nhện, tháo thế nào cũng thấy rối. Cá nhân tôi đã làm công việc này mười mấy năm nay mà vẫn thấy tình hình như trước, thậm chí về mức độ rối rắm, thì có vẻ gia tăng” (báo Đầu tư, số 89 ra ngày 25-7-2014). Những quy định này đang làm giảm cơ hội kinh doanh, tạo cơ hội cho tệ nạn xin – cho và quan trọng hơn, đó là làm giảm lòng tin của doanh nghiệp đối với sự quản lý của Nhà nước. Thế nhưng chưa ai lý giải được rõ rằng tại sao lại cấm, tại sao lại cần điều kiện này, nọ? Đáng chú ý là tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, doanh nghiệp đã kêu ca nhiều lần tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, mà nhiều bộ, ngành vẫn chưa sẵn sàng cắt bỏ những quy định bất hợp lý, không khả thi do mình đề ra; câu hỏi đầu tiên của họ thường là “thế thì quản bằng cái gì?”. Vấn đề này đang được bàn bạc, xử lý để trình Quốc hội khi thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong thời gian tới.
Các thủ tục hành chính đang là gánh nặng với các doanh nghiệp
Các thủ tục về thuế và hải quan cũng đang là một gánh nặng đang đè lên vai doanh nghiệp. Hiện nay, thời gian làm thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 lên đến 872 giờ (với 32 lần nộp thuế), gấp hơn năm lần bình quân của ASEAN-6 (171 giờ), gấp hơn bốn lần các nước châu Á – Thái Bình Dương. Còn để xuất khẩu hoặc nhập khẩu một container, doanh nghiệp phải mất chi phí 600-610 USD với 5-8 loại chứng từ và 21 ngày chờ đợi, trong khi bình quân của ASEAN-6 là xuất khẩu 13 ngày và nhập khẩu là 14 ngày (báo Đầu tư, số 93 ra ngày 4-8-2014) và theo tính toán của chuyên gia, nếu mỗi ngày xuất khẩu hoặc nhập khẩu chậm trễ do thủ tục, có thể đã mất đi khoảng 1% kim ngạch xuất nhập khẩu. Rất mừng là để tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cắt giảm 50% số giờ làm thủ tục hành chính thuế và hải quan, đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6. Có thể thấy thời gian này được cắt giảm, cũng tức là giảm được tiền bạc, công sức, nắm bắt được cơ hội kinh doanh, do đó, doanh nghiệp có thể làm được nhiều việc để nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Cũng xin nói thêm là vấn đề không chỉở chỗ thủ tục thuế và hải quan, mà còn cần xem xét về mức thuế suất một cách căn cơ hơn, để tìm ra lý lẽ thuyết phục về thuế suất phù hợp với trình độ, khả năng doanh nghiệp nước ta hiện nay, dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp đã được hạ từ 25% xuống còn 20%, để doanh nghiệp có đủ nội lực thực hiện các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh. Không thể đơn giản so với mức thuế suất của các nước, vì 1% để lại cho doanh nghiệp so với doanh thu của doanh nghiệp nước họ lớn hơn ta rất nhiều. Không những thế, ngoài mức thuế suất quy định, doanh nghiệp nước ta còn phải đóng góp thêm nhiều khoản khác được phân bổ dưới hình thức “tự nguyện” cũng không ít chút nào.
Hãy có trách nhiệm hơn đối với doanh nghiệp
Thực tế cho thấy: quan hệ giữa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và chức năng quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nhà nước cần làm những gì đúng với chức năng của mình, còn những gì khác thì để thị trường tự điều chỉnh hoặc để các tổ chức xã hội tham gia giải quyết. Vấn đề này cần được xem xét một cách hệ thống; dưới đây chỉ xin nêu lên một số nội dung chủ yếu.
Vấn đề đầu tiên vẫn là thay đôi mạnh mẽ hơn nữa tư duy về quản lý nhà nước. Nhà nước phải tập trung vào hoàn chỉnh hệ thống thể chế kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường… Hành lang pháp lý phải hướng dẫn, điều tiết, tạo thuận lợi đến mức cao nhất cho doanh nghiệp kinh doanh, để doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước. Những điều nói trên không mới, nhưng hầu như chưa được thể hiện đầy đủ trong cuộc sống. Phải chăng những ảnh hưởng của tư duy thời kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp vẫn còn nặng nề trong một số cơ quan nhà nước? Điều nguy hại là cùng với loại tư duy cũ kỹ, lỗi thời ấy, đang có sự xâm nhập của những nhóm lợi ích (tổ chức, bộ, ngành, địa phương…) vào chủ trương, chính sách phát triển, được giới nghiên cứu gọi là “tham nhũng cơ chế”, vì họ có thể bẻ cong hướng đầu tư, lái chính sách theo chiều có lợi cho họ. Hậu quả là nền kinh tế chậm phát triển hoặc có tăng được GDP thì cũng với cái giá quá đắt, vì chất lượng kém, giá thành cao, do tham nhũng, lãng phí đã quá rõ.
Chính vì vậy, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Người ký các văn bản trái với thể chế kinh tế thị trường, tác động xấu đến kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan thẩm định văn bản không thể né tránh, càng không thể đồng lõa để cho ra đời những văn bản như thế và cũng phải chịu trách nhiệm, không thể đùn đẩy hoặc nhận trách nhiệm một cách dễ dãi, như “có thiếu sót”, “thiếu chặt chẽ”… như lâu nay. Đối với các ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, để khắc phục tình trạng các bộ, ngành lạm quyền như lâu nay, tốt nhất là quy định ngay trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, cũng có nghĩa là chỉ Quốc hội mới có quyền thay đổi.
Cùng với việc hình thành hệ thống thể chế mang tư duy mới, việc rất cấp bách là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kể cả trình độ, năng lực và phẩm chất, đạo đức. Một thực tế là dù lương công chức còn thấp song vẫn có những trường hợp người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua một vị trí trong cơ quan nhà nước, chỗ ngồi càng dễ kiếm tiền thì giá càng đắt. Cũng có nghĩa là thể chế hiện hành vẫn còn chỗ cho công chức tham nhũng, nhanh chóng làm giàu bất chính. Đây là một hành vi “công khai”, coi như “chuyện thường ngày ở huyện” đang được lan truyền khá rộng – vì mọi người đều biết, thậm chí biết cả giá cả hiện hành của mỗi chức vụ nhưng lại rất “bí mật”, rất “tế nhị” – vì không ai dám nói công khai (có trường hợp ở Hà Nội mấy năm trước, đã lỡ nói chạy một suất công chức mất 100 triệu đồng, sau phải tìm cách rút lại). Khi đã phải bỏ tiền ra mua chỗ ngồi, thì người ta phải tìm cách “thu hồi vốn” và có lãi càng nhanh càng tốt, từ đó nảy sinh tệ nạn đòi “phong bì”, vòi vĩnh, gây khó doanh nghiệp.
Do đó, phải có cơ chế để ngăn chặn đi đến xóa bỏ tệ nạn này, thực hiện công khai, minh bạch, công bố rộng rãi các thủ tục hành chính. Đồng thời, có cơ chế để tuyển chọn được người có tài, có tâm vào bộ máy nhà nước, nhất là bộ phận hoạch định thể chế, chính sách. Tiền lương cũng phải được coi là một giải pháp chủ yếu để công chức sống được bằng lương. Công chức phải coi doanh nghiệp là người nộp thuế để nuôi mình, là đối tác mà mình phải phục vụ, chứ không phải là đối tượng để bòn rút, trục lợi. Công chức phải nhận khó về mình, không thể đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh những công chức gây khó cho doanh nghiệp để thu lợi bất chính.
Xin được kết luận: để nền kinh tế nước ta thực sự độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế thành công, phải cải thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước phải tiếp tục cải cách thể chế, công chức phải có trách nhiệm hơn nữa, không thể “vô cảm” trước những khó khăn của doanh nghiệp. Làm được như vậy sẽ tạo thêm niềm tin của doanh nghiệp, và trong tình hình hiện nay, đây chính là điều kiện tất yếu của phát triển.
Vũ Quốc Tuấn (Chuyên gia Kinh tế)