Mỗi người chúng ta đều có một nỗi sợ nhất định. Đó có thể là sợ đám đông, rắn, nhện, độ cao… Tuy nhiên, có một thực tế là với hầu hết những nhà điều hành quản lý các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), nỗi ám ảnh mang tên “thất bại” mới là điều khiến họ cảm thấy căng thẳng và khó xóa bỏ nhất.
“Có lẽ bạn đã nghe rất nhiều lần những lời khuyên kiểu thất bại điều cần thiết để có được thành công, cứ thoải mái thất bại đi, hay thất bại là món quà để học hỏi… Tôi không biết chắc có bao nhiêu nhà điều hành dám tự nhận mình sợ thất bại, nhưng tôi biết chắc một điều, nói không quan tâm tới thất bại, là nói dối. Bởi đối mặt với thất bại, với những quyết định sai lầm của bản thân, với những trách nhiệm chưa được hoàn thành, với những niềm tin, kỳ vọng chưa được đền đáp… thực sự không phải là một cảm giác dễ chịu và không phải ai cũng muốn trải qua thường xuyên” – Brian Sutter (chuyên gia quản trị nhân sự với hơn 15 năm kinh nghiệm, cố vấn cao cấp cho các trang như Forbes, Entrepreneur, Huffington Post…) cho biết như vậy.
Và để nhà điều hành thêm tự tin cũng như hạn chế được phần nào những thất bại có thể xảy ra, dưới đây là ba sai lầm mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm.
Thiếu sự chia sẻ tầm nhìn
Theo một nghiên cứu mới đây được CBInsights thực hiện thông qua việc khảo sát trực tiếp 253 doanh nghiệp khởi nghiệp đã thất bại, một trong những lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng này là bởi doanh nghiệp không có khả năng tuyển dụng cũng như giữ chân các nhân sự tài năng.
Lý do khiến nhà điều hành không thể khắc phục được điểm yếu đó là bởi doanh nghiệp không có tầm nhìn cũng như không có đủ cơ sở để cho nhân sự tin vào tầm nhìn ấy.
- Xem thêm: Thành công bắt đầu từ thay đổi suy nghĩ
“Khi tuyển dụng hay bắt đầu làm việc với một nhân sự giỏi, tài năng, không phải chỉ có bạn đang thử thách anh ta, mà chính anh ta cũng đang thử thách bạn. Anh ta sẽ đánh giá kế hoạch, mục tiêu, tầm nhìn của bạn, sau đó sẽ tự âm thầm quyết định có gắn bó với bạn hay không. Quá nhiều doanh nghiệp bỏ quên việc chia sẻ tầm nhìn với nhân viên, vì thế mà quá nhiều nhân sự giỏi đã ra đi một cách đáng tiếc” – Brian Sutter đánh giá.
Do đó, cách tốt nhất mà doanh nghiệp cần để giải quyết vấn đề, chính là tạo ra một tầm nhìn, một lộ trình thật rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao, sau đó chia sẻ và phổ biến với bộ máy nhân sự. Có như vậy, doanh nghiệp mới giúp nhân viên hiểu được tương lai của họ sẽ ra sao và họ sẽ nhận được điều gì khi tiếp tục “chiến đấu” bên cạnh bạn.
Năng suất làm việc thấp
Điểm sai lầm thứ hai mà nhà điều hành các doanh nghiệp nhỏ hay gặp phải dẫn tới việc thất bại, đó là họ thường có năng suất làm việc không cao. Họ thiếu sự tập trung cần thiết cho những việc quan trọng, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian, nhưng mức độ giải quyết công việc lại chậm và không hiệu quả.
“Nếu nhà điều hành làm việc thiếu hiệu quả, thì cả doanh nghiệp sẽ sớm rơi vào mớ bòng bong. Bởi ở doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, nhà điều hành có thể quyết định tới 60% việc thành bại của doanh nghiệp” – Jack Zenger (Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Zenger Folkman, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, nhân sự) chia sẻ.
Và để cải thiện được năng suất làm việc, Jack Zenger kiến nghị nhà điều hành thực hiện ba điểm quan trọng:
Đầu tiên, nhà điều hành cần xác định rõ ràng những việc quan trọng nhất cần làm trong ngày. Bằng cách suy nghĩ và tập trung vào những việc này, nhà điều hành có thể loại bỏ bớt các hoạt động gây phiền nhiễu, tránh việc phân tán tư tưởng cũng như hoàn thành mục tiêu đề ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thứ hai, nhà điều hành phải có được sự nhất quán tuyệt đối trong các quyết định. Bởi hành động của nhà điều hành chính là trọng tâm của doanh nghiệp, nên sự nhất quán của nhà điều hành sẽ giúp không chỉ công việc của anh ta tiến triển nhanh hơn, mà còn giúp các nhân viên xung quanh anh ta hiểu và hành động hiệu quả hơn.
Cuối cùng, nhà điều hành nên giữ sự chủ động ở mức tối đa. Vì sự chủ động không chỉ giúp nhà điều hành giải quyết mọi việc nhanh chóng, hiệu quả, mà còn giúp hạn chế việc trì hoãn, việc liên tục chuyển dời công việc hết lần này tới lần khác, gây trì trệ công việc của bản thân nhà điều hành và của các nhân sự dưới quyền.
Không thấu hiểu khách hàng
Điểm cuối cùng mà nhà điều hành cần ghi nhớ để tránh những thất bại đáng tiếc, theo Brian Sutter đó chính là khách hàng. Bởi dù ở bất cứ hoàn cảnh, bất cứ chiến dịch, kế hoạch nào, thì khách hàng luôn phải là ưu tiên trọng tâm mà doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp cần hướng tới.
Thấu hiểu khách hàng cũng chính là một trong những bí quyết thành công hàng đầu của Amazon. Cụ thể, trong giai đoạn khi Amazon mới thành lập, triết lý mà Jeff Bezos đã nỗ lực để theo đuổi, chính là hướng mọi thứ vào khách hàng. Một hình tượng thường được sử dụng để bắt đầu các cuộc họp của Jeff Bezos trong giai đoạn này chính là những “chiếc ghế trống” – thứ tượng trưng cho sự có mặt của khách hàng trong tất cả các cuộc họp. Chính sự xuất hiện của nhân vật quan trọng nhất trong phòng này khiến mọi quyết định của Jeff Bezos và đội ngũ đều phải được xem xét thật kỹ lưỡng, chi tiết, tỉ mỉ.
- Xem thêm: Những phương pháp quản trị đặc biệt
“Bạn có thể bán tất cả mọi thứ, thậm chí là kem đánh răng cho thú cưng. Chỉ cần có người mua, bạn sẽ tồn tại. Đừng suy nghĩ những thứ quá lớn, quá cao siêu. Hãy nhắm tới khách hàng của bạn. Càng hiểu họ, thì cơ hội để bạn thành công sẽ càng cao” – Brian Sutter kết luận.