Những gì diễn ra trong tuần cuối tháng 5 với cả năm phiên giao dịch của tuần đều tăng điểm có thể xem là cái kết có hậu cho một tháng nhiều biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù điểm số mỗi phiên tăng không nhiều, nhưng 20,53 điểm có thêm trong tuần này cũng giúp VN-Index dừng ở 562,02 điểm khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng. So với con số 578 điểm vào cuối tháng 4, VN-Index chỉ giảm 2,76%, mức giảm có thể chấp nhận được trong bối cảnh khó khăn như thế. Điểm trừ của thị trường trong tháng này là tính thanh khoản, khi khối lượng giao dịch giảm tới 22,92% so với tháng trước. Tháng 5 cũng chứng khiến sự hoang mang của nhiều nhà đầu tư nội trong nhiều phiên và sự tích cực cần thiết của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính hoạt động mua ròng của khối ngoại là cái neo quan trọng giúp cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước yên tâm hơn và thị trường dần đi vào ổn định. Cụ thể, trong tháng 5, khối ngoại mua vào gần 240 triệu cổ phiếu, trị giá hơn sáu ngàn tỉ đồng, trong khi chỉ bán ra gần 105 triệu cổ phiếu, trị giá gần 3.500 tỉ đồng. Đây cũng là tháng mua ròng nhiều nhất của khối ngoại trong 16 tháng qua, chỉ sau tháng 1-2013 (2.831 tỉ đồng).
Tình hình kinh tế thế giới hiện khá khả quan, các thị trường chứng khoán lớn đều tăng điểm, trong khi xu thế của vàng đang là giảm giá. Giới đầu tư quốc tế đang lạc quan về mức tăng trưởng của chứng khoán trong dài hạn, vì vậy từ nay đến cuối năm dòng vốn ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đổ vào Việt Nam – vốn là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng tiền đầu tư gián tiếp. Chẳng hạn từ đầu năm đến hết tháng 5-2014, quỹ VNM ETF huy động được 110,93 triệu USD (2.329 tỉ đồng), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013. Niềm tin vào khả năng tăng trưởng trong dài hạn là động lực cho dòng vốn ngoại tiếp tục giải ngân vào thị trường nước ta.
Tuần đầu tiên của tháng 6 cũng là thời điểm quỹ FTSE Vietnam công bố kết quả đảo danh mục và tuần sau đó là quỹ VNM ETF. Sẽ có những biến động về giá ở một số cổ phiếu đủ điều kiện lọt vào danh mục đầu tư của hai quỹ này cũng như với những cổ phiếu lọt ra ngoài danh mục, song song đó là hoạt động “ăn theo” của các nhà đầu tư cá nhân. Thanh khoản của thị trường, đặc biệt là khối ngoại, vì vậy có thể tăng trong thời gian tới, tuy nhiên chưa chắc họ đã duy trì vị thế mua ròng mạnh như thời gian qua. Những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 đã cho thấy điều này, khi khối ngoại chỉ duy trì lực mua ở mức vừa phải. Hiện mặt bằng giá của các cổ phiếu nhìn chung đã trở về mức cân bằng, không còn quá hấp dẫn như trước. Sự tăng điểm của thị trường nếu có chủ yếu do sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp khiến cho kênh gửi tiết kiệm không còn là chọn lựa ưu tiên của nhiều người và đây sẽ là yếu tố tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Dòng vốn khi tìm kiếm kênh sinh lời cao hơn có khả năng sẽ đổ vào thị trường chứng khoán bởi các kênh đầu tư khác chưa có sự đột biến, còn vàng và ngoại tệ thì đã có dấu hiệu bình ổn sau những biến động thời gian qua. Kênh chứng khoán vẫn có một độ hấp dẫn nhất định.
Tuy nhiên, không nên loại trừ khả năng thời gian tới dòng vốn ngoại sẽ chốt lời, chuyển sang trạng thái bán ròng. Trong những năm trước, tháng 6 cũng là tháng bán ròng của khối ngoại. Nếu điều này xảy ra, tâm lý của các nhà đầu tư trong nước sẽ đứng trước thử thách không nhỏ. Liệu họ đã thực sựổn định về tâm lý để giao dịch chủ động theo danh mục và khẩu vị đầu tư của mình, hay vẫn chạy theo tâm lý đám đông?
Trong tháng 6, bên cạnh hoạt động đảo danh mục của hai quỹ ETF, thị trường bắt đầu đón nhận những thông tin dự đoán về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Dù vậy, những thông tin này không có nhiều tác động đến chỉ số chung, mà chỉảnh hưởng đến những mã cổ phiếu riêng biệt. Nếu tình hình về Biển Đông không có biến động lớn, thời gian tới sẽ là giai đoạn không có nhiều thông tin kinh tế vĩ mô có thể tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Thị trường vì vậy sẽ tiếp tục đi tìm mặt bằng giá mới và chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 (2-6), thị trường đi vào vùng điều chỉnh một cách thận trọng. Hàng loạt cổ phiếu trụ cột và cả các cổ phiếu vừa và nhỏ đều giảm điểm trong khi lực cầu tỏ ra khá thận trọng khiến cho diễn tiến giao dịch khá buồn tẻ. VN-Index mất hơn năm điểm, dừng lại ở 556,80 điểm, tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 80 triệu đơn vị, giảm mạnh so với mức trung bình tuần trước.
Thành Huân