Hầu hết những trường hợp nam thanh niên có tinh hoàn ẩn đều chỉ đi khám ở lứa tuổi trưởng thành. Lúc này, tuy có nhiều biện pháp can thiệp điều trị nhưng nguy cơ bị ung thư và vô sinh rất cao. Cha mẹ của bệnh nhân cho biết, khi trẻ còn nhỏ, họ cũng phát hiện ra “bi” của con “biến mất”. Nhưng cha mẹ thường nghĩ rằng khi trưởng thành tinh hoàn sẽ từ từ xuất hiện nên cố đợi…
Tinh hoàn ẩn là gì?
Có khoảng 21% trẻ sinh thiếu tháng bị tinh hoàn ẩn (với tỷ lệ từ 2 – 4% ở trẻ sơ sinh đủ tháng). Khoảng 10% tinh hoàn ẩn xảy ra cả hai bên tinh hoàn. Khoảng 80% tinh hoàn ẩn sờ thấy được ở ống bẹn, 20% còn lại không thể sờ thấy được.
Trong quá trình phát triển của thai nhi nam, tinh hoàn lúc đầu nằm trong ổ bụng (ngay tại hố thận), sau đó mới di chuyển dần xuống bìu. Trẻ em bị tinh hoàn ẩn (cryptorchidism) là trường hợp tinh hoàn bị sự cố gì đó nên dừng lại trong quá trình di chuyển từ bụng xuống bìu. Các nguyên nhân gây nên tinh hoàn ẩn thường là do tác động của hóa chất ở môi trường gây rối loạn nội tiết gây trở ngại cho sự cân bằng hormone bình thường của thai nhi hoặc các nguyên nhân như: khiếm khuyết bẩm sinh của tinh hoàn, giảm áp lực khoang bụng, không có dây chằng bìu hay dây này quá dài, các bất thường của thần kinh sinh dục đùi. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ cần lưu ý là trẻ sinh thiếu tháng, người mẹ có bệnh tiểu đường và béo phì, tiếp xúc với rượu thường xuyên trong thời gian mang thai, tiền sử gia đình…
Trẻ bị tinh hoàn ẩn một bên thường không có bệnh gì khác đi kèm. Nhưng những trẻ bị tinh hoàn ẩn cả hai bên, nhất là có kèm theo cả lỗ tiểu đóng thấp có thể là biểu hiện của tình trạng giới tính trung gian, hội chứng không nhạy với androgen hay thượng thận – sinh dục. Ngoài ra, tinh hoàn ẩn hai bên còn gặp trong: hội chứng bụng nhão, bàng quang lộ thiên, tinh hoàn nữ hóa… Một số trường hợp “tinh hoàn di động” thì bìu vẫn phát triển bình thường và tinh hoàn có thể đẩy nhẹ được xuống bìu, không cần phải được điều trị và có thể tự hết khi trưởng thành.
Những biến chứng nghiêm trọng của tinh hoàn ẩn
Người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư tinh hoàn gấp 10 lần so với người bình thường và khả năng sinh sản thấp. Khoảng 89% bệnh nhân tinh hoàn ẩn hai bên bị vô sinh. Trẻ bị tinh hoàn ẩn càng được điều trị sớm càng cho hiệu quả khả quan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị sau tuổi 15 thì tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Nếu được điều trị từ 5-8 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 40%, từ 2-3 tuổi là 50% và giữa 1-2 tuổi là 90%.
Như vậy, đối với trẻ trai sinh thiếu cân, sinh non, sinh đôi, cha mẹ cần chú ý kiểm tra xem trẻ có bị ẩn tinh hoàn hay không để đưa trẻ đi điều trị sớm. Nếu trẻ trai còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm tra tại nhà. Ở trẻ lớn hay người lớn, tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên.
Siêu âm và chụp vi tính cắt lớp (CT Scan) có thể giúp phát hiện sự hiện diện và vị trí của tinh hoàn. Nội soi ổ bụng chẩn đoán là phương pháp hiệu quả hơn, giúp xác định chính xác có tinh hoàn trong ổ bụng hay không, vị trí của nó ở đâu, hình dạng như thế nào. Từ đó có thể đề ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Thông thường, tinh hoàn ở trẻ nhỏ có thể tự “xuống” ba tháng sau khi sinh. Một năm sau đó thì tinh hoàn không thể xuống được nữa. Do đó, trẻ nên được theo dõi thật chu đáo trong năm đầu. Việc điều trị tinh hoàn ẩn càng sớm càng tốt nếu có thể, tốt nhất là trong vòng một năm đầu đời. Bắt đầu điều trị cho trẻ thích hợp nhất là từ lúc 6 tháng tuổi, trễ nhất là 18 tháng tuổi.
Ban đầu, bác sĩ điều trị nội khoa cho bé trước nhưng tỷ lệ thành công khi điều trị nội khoa tương đối thấp khoảng 20%. Nếu trong 3-6 tháng không hiệu quả, trẻ sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa là biện pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khả năng sinh tinh trùng về sau này. Sau khi phẫu thuật, gia đình cần theo dõi kích thước tinh hoàn bên mổ đưa xuống bìu teo nhỏ hay to lên dần. Cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và cho trẻ đi tái khám để bác sĩ chuyên khoa đánh giá lại.
- BS Nguyễn Trí Quang