Cải lương là một bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc, có sức hấp dẫn và lan tỏa đến nhiều miền quê của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền Nam ra miền Bắc…
Ra đời vào những thập niên đầu thế kỷ 20, cải lương được cách tân và phát triển xuyên suốt 100 năm, tạo nên một sắc thái văn hóa cải lương độc đáo của Nam bộ; nghệ thuật cải lương khá gắn bó với đời sống xã hội và ngược lại, cũng chịu tác động của xã hội, thăng trầm theo năm tháng…
Vì sao Pháp cổ xúy cho cải lương?
Tình cờ đi tìm tư liệu cho một đề tài, lục lạo trong đống sách báo cũ, tôi lại bắt gặp bài viết Cải lương, một khúc quanh hệ trọng trên chiến tuyến văn hóa của tác giả Phạm Long Điền, đăng trên tạp chí Bách Khoa (liên tiếp hai số 415, 416 của tháng 9 và 10, năm 1974).
Bài viết có một số vấn đề đáng lưu ý về nguồn gốc ban đầu của cải lương; lý giải thêm về cái gọi là “Toàn quyền Albert Sarraut cố tạo bầu không khí chính trị cởi mở, thân thiện giữa giai cấp thống trị và người dân bản xứ”, mục đích của chính quyền thực dân cho phép người dân thuộc địa phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương, không ngoài ý đồ sâu xa là ru ngủ dân An-nam, tha hồ đắm mình trong “giấc mộng canh tân”…
Bài viết điểm qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu từng bàn đến nghệ thuật cải lương, như ông Trần Văn Khải với cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, ông Vương Hồng Sển với Năm mươi năm cải lương (về sau được đổi thành Năm mươi năm mê hát), GS-TS Trần Văn Khê với La musique Vietnamiene tradionnelle để chứng minh các nhà nghiên cứu đều xác định rõ cải lương đã ra đời từ cuối năm 1917, đầu 1918.
Tuy nhiên, Phạm Long Điền còn thu thập thêm một số tư liệu mới để cắt nghĩa, bổ sung thêm nguyên nhân ra đời của cải lương.
Ba nguồn dữ liệu quý giá được tác giả nghiên cứu, phân tích, gồm: thứ nhất là toàn bộ bản phúc trình chính trị suốt năm 1917 của Thống đốc Nam kỳ gởi Toàn quyền Đông dương; thứ hai là bản phúc trình ngày 15-9-1917 của Toàn quyền Đông dương gởi Bộ trưởng Thuộc địa liên hệ đến sự ra đời của tạp chí Nam Phong và cuối cùng là bộ Nông cổ mín đàm năm 1917 (đặc biệt, trong các tập báo Nông cổ mín đàm có bài diễn văn của ông Lương Khắc Ninh đọc đêm 28-3-1917, tại Hội Khuyến học Nam kỳ về Hí nghệ Cải lương).
Sau lần diễn thuyết của ông Lương Khắc Ninh, Hội Khuyến học Long Xuyên đã thành lập Cải lương kịch xã, với không gian biểu diễn là sân khấu và nội dung thiên về “hí kịch”.
Phong trào hát xướng của Cải lương kịch xã trong giới trí thức thân Pháp, ban đầu biểu diễn làm vui lòng chính quyền thực dân, theo tinh thần “Pháp-Việt nhứt gia, đồng tâm đánh đuổi Đức tặc”; nhưng sau đó như một xu thế tất yếu, phong trào này đã gặp gỡ và “giao thoa” cùng phong trào hát xướng của nhạc tài tử đang thịnh hành trong xã hội.
Lúc bấy giờ, phương cách “ca ra bộ” của ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều ở đất Mỹ Tho đã mang lại một luồng gió mới cho phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.
Khi cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga (dựa vào truyện Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu), có sự đối đáp giữa các nhân vật, tạo nên hình thức diễn tấu sinh động, mới mẻ, bỗng nhiên gây được sự chú ý và thích thú cho người thưởng thức. (Cuối cùng, hai ngọn triều hát xướng trên đã gặp nhau vào cuối năm 1917 và được lớn mạnh kể từ năm 1918).
Cũng vào năm 1917, ở Sài Gòn, gánh hát thầy Thận (Lê Văn Thận) ra đời. Để theo kịp với sự đổi mới của phong trào ca hát, diễn tấu đối đáp, ông đã mời nhà nho yêu nước Trương Duy Toản đặt tuồng, soạn bài ca từ truyện Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều.
Gánh hát này đã lưu diễn nhiều nơi, được khán giả đón nhận nồng nhiệt; về sau, vì thiếu thốn kinh phí, gánh hát được sang lại cho thầy Năm Tú ở Mỹ Tho vào năm 1919.
Như vậy, nghiên cứu từ tư liệu của Pháp, tác giả Phạm Long Điền đã xác định rõ hơn mục đích Pháp ủng hộ cải lương qua “ý thức chính trị của các thức giả trong Nam cùng ý đồ đen tối của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ trong sự hình thành và phổ biến lối hát cải lương”.
Nhưng, thật kỳ lạ, vượt lên chính sách mị dân của thực dân Pháp, nghệ thuật cải lương đất phương Nam từ đó trở đi, đã phát triển mạnh mẽ, phong phú và trở thành một bộ môn nghệ thuật mới, hấp dẫn, hết sức gần gũi, gắn bó với đông đảo quần chúng từ trí thức đến bình dân.
“Đây là gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho…”
Về sự ra đời và đưa cải lương lên thành một loại hình sân khấu thực thụ, lâu nay, người ta thường vẫn thường nhắc đến thầy Năm Tú (Châu Văn Tú), người cho xây rạp hát đầu tiên ở Mỹ Tho.
Trong quyển Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, phần III – Nghệ thuật (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1990), GS Hoàng Như Mai viết khá kỹ về chương Sân khấu cải lương, có đoạn đã mô tả thời ấy ngoài hình thức để các đào kép biểu diễn tuồng tích trên sân khấu, thầy Năm Tú còn cho gánh hát lên Sài Gòn thu âm các vở tuồng cải lương vào đĩa nhựa của hãng Pathé.
Các đĩa hát này luôn được mở đầu bằng câu: “Đây là gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, hát tuồng… trên đĩa Pathé nghe chơi”.
Ngoài ra, lúc này, đã có thêm các gánh hát Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban (Mỹ Tho), Tân Phước Nam (Sóc Trăng), Tân Thinh (Sài Gòn). Riêng gánh Tân Thinh được coi là gánh hát quy mô đầu tiên ở Sài Gòn, thành lập vào giữa năm 1920, do ông Trương Văn Thông làm chủ. Đây cũng là gánh hát dùng danh hiệu “Đoàn cải lương” đầu tiên và dưới bảng hiệu có đôi liễn nêu rõ mục đích, tôn chỉ:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sách văn minh
Ở cuối phần viết này, GS Hoàng Như Mai nhận định: “Từ đây cả thực lẫn danh, loại hình sân khấu mới, sân khấu cải lương đã được đăng ký chính thức trong lịch sử nghệ thuật. Gốc gác của cải lương thì không phải bắt đầu từ Sài Gòn nhưng cải lương chính thức mang tên cải lương và phát triển mạnh từ gánh Tân Thinh ở Sài Gòn” (sđd, trang 125).
“Phác thảo chân dung” 100 năm cải lương
Cải lương miền Nam thực sự phát triển từ gốc nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngay từ buổi ban đầu của những thập niên đầu thế kỷ 20, cải lương xuất phát từ hai dữ kiện: vũ đạo mượn ở hát bội và bài ca thì lấy từ nhạc tài tử.
Dần dà, khi cách thức “ca ra bộ” được phát triển nhuần nhuyễn, gợi nhiều cảm hứng cho các tác giả sáng tạo những tuồng tích lịch sử, tâm lý xã hội Việt Nam, hoặc chọn lọc tuồng Tàu, tuồng Tây các tác phẩm tinh hoa “hương xa” Đông, Tây, kim, cổ, để “cải lương hóa” ra tuồng tích mới; mặt khác, nó còn gợi cảm hứng diễn xuất cho nhiều nghệ sĩ phát triển nghệ thuật ca hay, diễn giỏi, thể hiện được tâm lý, tâm trạng, hành động tự nhiên, gần với đời thực nhiều hơn, xa dần tính ước lệ của hát bội…
Cải lương là mảnh đất nghệ thuật mới, màu mỡ, là môi trường nghệ thuật tổng hợp, phong phú, hình thành nên tài năng các thế hệ soạn giả, đạo diễn (thầy tuồng), nhạc sĩ (thầy đờn), nghệ sĩ đào, kép, họa sĩ thiết kế… trên những chặng đường phát triển.
Qua nhiều năm tháng, chứng kiến nhiều đổi thay trong xã hội nhưng khán giả cải lương miền Nam khó quên được tên tuổi của các soạn giả, các thầy tuồng tiêu biểu: Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Lê Hoài Nở, Ba Du, Mộng Vân, Mai Quân, Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc, Trần Tấn Hưng, Yên Ba, Phi Hùng, Huy Trường, Việt Thường, Thu An, Yên Trang, Vân An, Nguyễn Đạt, Hoàng Khâm, Hà Triều – Hoa Phượng, Ngô Hồng Khanh, Lê Duy Hạnh, Hoàng Song Việt…
- Xem thêm: Đi tìm khán thính giả cải lương(*)
Các nghệ sĩ tài danh: Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Phùng Há, Từ Anh, Tư Út, Tư Chơi, Năm Nghĩa, Năm Châu, Bảy Nam, Ba Vân, Tám Danh, Thanh Loan, Duy Lân, Út Trà Ôn, Thanh Hương, Minh Chí, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Hữu Phước, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Hùng Minh, Bạch Tuyết, Bích Thuận, Bích Sơn, Hoài Trúc Phương, Thanh Nguyệt, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Phương Quang, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Trường Xuân, hề Văn Hường, Tấn Tài, Kiều Phượng Loan, Thanh Điền, Tô Kim Hồng, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Thanh Thanh Tâm, Trọng Hữu, Cẩm Thu, Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ, Cẩm Tiên, Quế Trân, Lam Tuyền…
Gắn liền với nghệ thuật cải lương còn là các rạp hát: Nguyễn Văn Hảo, Thành Xương, Aristo, Thuận Thành, Đông Vũ Đài, Đại Đồng, Thủ Đô, Hưng Đạo, Quốc Thanh…; còn là thương hiệu của gánh hát, đoàn hát với các yếu tố tuồng tích đặc sắc, đào kép đẹp, ca hay, diễn giỏi, được khán giả ái mộ như gánh Năm Phỉ, Phụng Hảo, Phước Chung, Kim Chưởng, Út Bạch Lan – Thành Được, Thanh Minh – Thanh Nga, Ngọc Kiều, Thủ Đô, Hương Mùa Thu, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Trăng Mùa Thu, Hoa Sen, Ánh Chiêu Dương…
Trong những năm tháng chiến tranh, dù trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, nhưng nghệ thuật cải lương chính là nơi giúp các nghệ sĩ đã bộc lộ lòng yêu nước, thể hiện tinh thần đấu tranh qua các vở: Máu lệ đồn điền, Lấp sông Gianh, Đêm lạnh trong tù, Nhụy hoa lan, Mặt trời đêm, Gánh cỏ sông Hàn, Con cò trắng,… Hoặc thể hiện tinh thần tiến bộ qua các vở diễn: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Mộng hoa vương, Tội của ai, Vó ngựa truy phong, Khi người điên biết yêu, Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn, Tiếng hạc trong trăng, Trường tương tư, Sân khấu về khuya,… Sau ngày miền Nam giải phóng, có các vở Cây sầu riêng trổ bông, Tìm lại cuộc đời, Người ven đô, Tiếng hò sông Hậu, Lửa phi trường, Bình Tây Đại nguyên soái, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Chiếc áo thiên nga…
Tìm cách đi về phía thế kỷ 21
Năm 1918-2018, một thế kỷ cải lương đã trôi qua. Nghệ thuật cải lương có thời kỳ cực thịnh, sức lan tỏa của nó ở khắp mọi miền đất nước, từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc và dần về sau lan rộng ra cả nước ngoài (theo kiểu “cải lương di dân”).
Vừa qua, nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại đã tổ chức kỷ niệm 100 năm cải lương, như một cách về nguồn, hoài niệm về nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Có lẽ, đối với các nghệ sĩ xa xứ, cải lương luôn nằm trong tâm thức của họ và có lẽ họ đã từng hoài mơ một thời hoàng kim của cải lương đã qua.
Tiêu biểu, tôi muốn nhắc đến hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất của cố nghệ sĩ Việt Hùng khi sống trên đất Mỹ nhưng vẫn nhớ cải lương tha thiết và ông rất ý thức trong việc đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa (đọc Thế giới âm thanh Việt Nam, Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Cau xuất bản, California, Hoa Kỳ, 1989, trang 139-147).
Trường hợp thứ hai của nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân sáng lập chương trình cải lương Về nguồn trên đất Pháp.
Chị cùng bạn bè nghệ sĩ mê nghề hát đã dựng lại các trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga… cho bà con Việt kiều ở Pháp thưởng thức (bài Sông Xuân về lại nguồn xưa, Kim Ửng, Kiến thức ngày nay số Xuân Đinh Dậu, 2017).
Nhìn lại, trước nhiều đổi mới của xã hội, của thời đại công nghệ số, của văn hóa selfie, cải lương không còn đáp ứng được thị hiếu nghệ thuật mới của lớp khán giả hiện đại.
Liên tục, qua các hội thảo chuyên ngành bàn về nghệ thuật cải lương, đã có nhiều bài viết phân tích thực trạng cải lương ở nhiều khía cạnh khác nhau: về sự thiếu vắng đội ngũ kế thừa trên sân khấu, trong môi trường đào tạo, thiếu vắng soạn giả tâm huyết, đạo diễn giỏi, nghệ sĩ tài năng; còn trang thiết bị phục vụ sân khấu thì đã quá lỗi thời…
Cải lương trong thế kỷ 21 có nguy cơ… sẽ biến mất! Mặc dầu, dịp tết vừa qua, Nhà hát Trần Hữu Trang có vẻ khởi sắc hơn, khi biểu diễn một số tuồng tích “ăn khách”; sân khấu Lê Hoàng đang dựng lại vở Thái hậu Dương Vân Nga; hoặc vở diễn Thầy Ba Đợi có sự phối hợp giữa các nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc được ra mắt trong dịp kỷ niệm 100 năm cải lương Việt Nam, ngày 28-4, 1-5, tại Nhà hát Bến Thành…
Thời đại mới đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho cải lương, liệu có cách nào để “giải cứu cải lương”? Nhìn ra thế giới, phải chăng sự thoái trào của cải lương cũng tương tự như sự thoái trào của nhạc kịch (opera) ở phương Tây?
Khôi phục lại vị trí nhạc kịch thời hưng thịnh ở phương Tây cũng như cải lương thời hoàng kim của Việt Nam, chắc chắn là điều khó có thể xảy ra.
Thời đại mới sẽ gắn liền với một loại hình nghệ thuật tương thích. Tuy nhiên, cải lương là loại hình nghệ thuật luôn thích ứng với sự cách tân và bản thân nó cũng có khả năng cách tân.
Thử quan sát câu chuyện đưa nhạc kịch đến gần với công chúng thế kỷ 21, phải chăng, nhìn ở một khía cạnh nào đó, như một sự gợi mở khi bộ phim nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Pháp, Victor Hugo hay phim nhạc kịch La La Land nổi đình đám vừa qua, đã mang đến cho công chúng hiện đại có một cái nhìn mới về nhạc kịch.
Sự thành công ở đây là cách vận dụng nhạc kịch và đầu tư công phu cho đội ngũ diễn viên diễn xuất, song song, luôn có sự kết hợp liên ngành nghệ thuật.
Tất cả những yếu tố này đã tạo nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả qua nhạc kịch, gián tiếp giới thiệu sự cách tân thú vị của nhạc kịch trong thời đại mới.
Suy nghĩ về vấn đề trên cũng chỉ là sự gợi mở. Hy vọng cải lương sẽ tìm được một lối đi mới dưới chân của mình. Cái gì là bản sắc dân tộc cố nhiên là phải giữ; cái gì có thể cách tân cho phù hợp thời đại, cần đầu tư có chiều sâu, có kinh phí, có thời gian và thật chất lượng mới mong phát triển thực sự. Cải lương từ những ưu thế trong tâm thức, phải tìm cách vượt lên, tiếp tục đi về phía thế kỷ 21.