Lịch sử của Halloween là gì và được tổ chức lần đầu tiên khi nào? Tại sao chúng ta có trò “cho kẹo hay bị ghẹo”? Tại sao chúng ta lại điêu khắc lên quả bí ngô?
Hàng năm, lễ Halloween đều gây nên những cuộc tranh cãi và bất đồng quan điểm: phần lớn mọi người coi đó chỉ là một trò vui vô hại, trong khi những người khác cho rằng đó là một lễ hội ngoại giáo cổ đại – và một số nhà truyền giáo của Kitô giáo cho rằng đây là một lễ kỷ niệm của các thế lực huyền bí nguy hiểm. Vậy sự thật Halloween là gì? Tiến sĩ David Clarke từ Đại học Sheffield Hallam – một chuyên gia về văn hóa dân gian Anh – điều tra nguồn gốc và truyền thống của Halloween như sau.
Một lễ hội tôn giáo?
Hầu hết mọi người tin rằng 31 tháng 10 là một lễ hội ngoại giáo cổ xưa gắn liền với những thế lực siêu nhiên. Trên thực tế, nó có ý nghĩa tôn giáo – mặc dù có sự bất đồng giữa các nhà sử học về thời điểm bắt đầu. Một số người nói rằng Tuần tam nhật các thánh (Hallowtide) đã được Đức Giáo hoàng Boniface IV công bố là Ngày Lễ Các Thánh (All Saints) vào thế kỷ 7, trong khi những người khác tin rằng nó được lập ra vào thế kỷ 9 để tưởng nhớ các vị tử đạo và các vị thánh của họ.
Ở nước Anh thời Trung cổ, “Halloween” là đêm trước lễ hội Công giáo All Saints hoặc All-Hallows (từ tiếng Anh cổ “Holy Man”) vào ngày 1 tháng 11, và sau đó là lễ Các Đằng Linh Hồn (All Souls) vào ngày 2 tháng 11.
Trước đây chúng ta không điêu khắc bí ngô
Truyền thống khắc khuôn mặt trên củ cải hoặc củ cải Thụy Điển (và gần đây là bí ngô) và sử dụng chúng làm đèn lồng dường như là một truyền thống tương đối hiện đại. Vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 10, trẻ em làng Somerset ở Hinton St George mang theo những chiếc đèn lồng làm bằng củ cải ngọt to. Ánh sáng chiếu qua thiết kế khắc trên vỏ. Chúng được mang đi khắp các đường phố trong khi những đứa trẻ hát thánh ca:“It’s Punky Night tonight, It’s Punky Night tonight, Give us a candle, give us a light, It’s Punky Night tonight”.
Không có nghi lễ “cho kẹo hay bị ghẹo” ở nước Anh cho đến những năm 1970
Phần lớn truyền thuyết siêu nhiên hiện đại xung quanh Halloween được phát minh gần đây vào thế kỷ 19. Người Scotland và những người định cư Ireland đã mang phong tục của Đêm nghịch ngợm (Mischief Night) đến Bắc Mỹ; tại đây, nó đã được biết đến với tên gọi “cho kẹo hay bị ghẹo” (trick or treat). Cho đến khi sự quan tâm dành cho Halloween hồi sinh trong những năm 1970, truyền thống Mỹ này hầu như không được biết đến ở Anh. Trò “cho kẹo hay bị ghẹo” trở thành một phần của nước Anh trong những năm 1980 nhờ các phân cảnh trong chương trình truyền hình Mỹ và bộ phim E.T năm 1982 .
Halloween không liên quan đến siêu nhiên
Không có bằng chứng gì cho thấy người Anglo-Saxons ngoại đạo đã tổ chức lễ hội vào ngày 1 tháng 11, nhưng phó giáo chủ Bede nói rằng đây được gọi là tháng máu (Blod-monath), khi gia súc dư thừa bị giết lấy thịt và làm vật hiến tế. Sự thật là không có bằng chứng bằng văn bản nào cho thấy ngày 31 tháng 10 có liên quan đến thế lực siêu nhiên ở Anh trước thế kỷ 19.
Halloween cũng không đáng sợ
Ý tưởng Halloween như một lễ hội của các thế lực siêu nhiên tàn ác là một phát minh hoàn toàn hiện đại. Truyền thuyết đô thị về lưỡi dao cạo trong táo và cyanure trong đồ ngọt, nỗi ám ảnh bởi những linh hồn không yên nghỉ và việc xem ngày 31 tháng 10 như ngày của những sự kiện xấu xa hoặc không thể tránh khỏi trong các bộ phim kinh dị phản ánh nỗi sợ hãi và kinh hoàng trong thời hiện đại.
Một lễ hội của người chết?
Ở Ireland thời tiền Kitô giáo, ngày 1 tháng 11 được gọi là ‘Samhain’, có nghĩa là “kết thúc mùa hè”. Ngày này đánh dấu sự khởi đầu của mùa đông tại các khu vực nói tiếng Gaelic của Anh. Đó cũng là thời điểm kết thúc năm canh tác mùa vụ, khi gia súc bị làm thịt và các cuộc tụ họp của bộ lạc như Feis of Tara của Ireland được tổ chức. Vào thế kỷ 19, nhà nhân chủng học James Frazer đã phổ biến ý tưởng Samhain như một lễ hội cổ xưa của người chết, khi các nghi lễ tôn giáo ngoại giáo được tổ chức.
Người cầu kinh
Truyền thống Công giáo dâng lời cầu nguyện cho người chết, đổ chuông nhà thờ và thắp nến, đuốc vào ngày 1 tháng 11 tạo mối liên kết với thế giới thần linh. Vào thời Trung cổ, những lời cầu nguyện đã được đọc cho những linh hồn bị mắc kẹt trong luyện ngục vào ngày 1 tháng 11. Đây được cho là một loại “ngôi nhà tá túc” trên đường đến Thiên đường và người ta cho rằng hồn ma có thể trở về trái đất để yêu cầu người thân giúp đỡ trong cuộc hành trình.
“Đi xin đồ ăn và cầu nguyện cho linh hồn”
Phong tục Halloween phổ biến ở Anh bao gồm việc “đi xin đồ ăn và cầu nguyện cho linh hồn”, nơi các nhóm người lớn – và sau này có cả trẻ em mặc trang phục hóa trang – đến những ngôi nhà lớn để hát và xin tiền và thức ăn. Việc đi xin đồ ăn và cầu nguyện cho linh hồn khá phổ biến ở các vùng Cheshire, Shropshire, Lancashire và Yorkshire vào ngày 1 và 2 tháng 11. Ở các vùng phía Bắc nước Anh, những chiếc bánh đặc biệt được nướng và để lại trong nhà thờ để làm lễ cho người chết.
Thắp lửa trong ngày Halloween
Cho đến thế kỷ 19, lửa mừng được thắp sáng vào ngày lễ Halloween ở một số vùng phía Bắc nước Anh và Derbyshire. Một số nhà nghiên cứu dân gian tin rằng tính đại chúng lâu dài của đám cháy Guy Fawkes vào ngày 5 tháng 11 có thể là một ký ức về một lễ hội lửa cũ, nhưng vẫn chưa có đủ bằng chứng văn bản chứng minh những điều này có ở Anh trước cuối thế kỷ 17.
Halloween từng rất lãng mạn
Bói toán tình yêu trong ngày Halloween du nhập vào Anh từ Scotland là nhờ bài thơ nổi tiếng Halloween của Robert Burn trong thời Nữ hoàng Victoria. Bói toán tình yêu được Burns đề cập bao gồm đặt hạt phỉ vào lửa, một hạt cho bản thân và hạt kia cho đối phương. Nếu chúng cháy nhẹ nhàng và sau đó lụi tàn, điều này cho thấy một cuộc sống lâu dài và hài hòa với nhau; nếu chúng bung ra và văng tung tóe hoặc phát nổ, đây là dấu hiệu của những vấn đề trong tương lai.