Làm mưa và tuyết nhân tạo trên cao nguyên Tây Tạng
Cao nguyên Tây Tạng là nơi cung ứng nước ngọt lớn nhất châu Á (những con sông chính trong vùng đều bắt nguồn từ đó). Trung Quốc dự tính thiết lập công cụ cấy mây lớn nhất cho thế giới. Trước mắt, mấy chục ngàn phòng đốt (hiện đang thử nghiệm 500 cái) sẽ dùng gió để bắn các hạt iodua bạc lên trời và tạo ra mưa. Mục tiêu là cung cấp mỗi năm 10 tỉ m3 nước, chiếm 7% nhu cầu nước của Trung Quốc. Đó là họa hay phúc cho môi trường? Chẳng ai biết trước được.
Một mạng lưới khổng lồ tại châu Phi
Năm 2015, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Phi nhằm hỗ trợ xây dựng và cung cấp tài chánh cho một mạng lưới hạ tầng khổng lồ bao gồm: đường nhựa, đường sắt cao tốc, đường hàng không giữa 54 thủ đô của các nước châu Phi! Kết quả thấy rõ ngày hôm nay là 6.200km đường sắt đã được huy hoạch hay đang xây dựng tại Tây Phi và Trung Phi như: Soudan, Ethiopia, Kenya, Angola, Nigeria. Mục tiêu là biến châu Phi thành đối tác và con nợ của mình! Kết quả là kinh tế châu Phi được kích thích, ảnh hưởng của các cường quốc thuộc địa cũ bị suy yếu.
Sân chơi mới: Bắc cực
Vệ tinh giám sát chĩa xuống cả vùng, các đoàn thám hiểm khoa học lùng sục, đầu tư khai thác khí đốt. Trung Quốc đang “cắm chốt” vào vùng vòng tròn Bắc cực. Quả vậy, họ dự định mở ra con đường hàng hải mới phía Đông Bắc để tiết giảm 15-20 ngày vận chuyển từ Đông sang Tây, khi khí hậu toàn cầu nóng lên làm cho băng tan chảy. Mục tiêu là tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bắc cực, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa. Gia tăng xung đột với phương Tây và nguy cơ sinh thái.
Hào quang trên con sông dài nhất châu Á
Trung Quốc đã xây dựng 10 đập nước thủy điện với tổng cộng 20 gigawatt trên sông Mekong trong vùng lãnh thổ của mình và còn dự định xây thêm 9 đập nữa! Phía bên dưới, các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam tái mặt trước nguy cơ hết cá và đất cạn kiệt, không còn phù sa bồi đắp, đe dọa an ninh lương thực của 60 triệu cư dân sống bằng nghề làm ruộng và bắt cá trên sông Mekong và các phụ lưu của nó. Mục tiêu là cung cấp điện cho các đại đô thị và nhà máy ở phía Đông Trung Quốc. Nguy cơ: khủng hoảng sinh thái và lương thực, gây căng thẳng với các nước Đông Nam Á.
- Xem thêm: Cấy mưa trên cao nguyên Tây Tạng
Khai thác sao Hỏa
Với tàu thăm dò Hằng Nga 4, Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu thám hiểm mặt tối của mặt trăng vào đầu năm 2019 để đuổi theo Nga, Mỹ và chiến thắng trong không gian. Hơn nữa, họ còn nhắm đến sao Hỏa. Mục tiêu? Chuẩn bị xây dựng một căn cứ thường trực: gởi robot Rover đầu tiên vào năm 2020, thu thập các mẫu đất, đá trong khoảng 2025-2030 và sau cùng gởi người lên đó vào năm 2030. Mục tiêu: chiếm giữ sao Hỏa để khai thác nguyên liệu! Trung Quốc có thể qua mặt các cường quốc không gian khác.
Đạo quân nhà máy điện nguyên tử trên Biển Đông
Lò đầu tiên trong số 20 lò nguyên tử đặt trên tàu vận tải biển mà Trung Quốc dự định cho lưu hành tại Biển Đông sẽ bắt đầu hoạt động từ nay cho đến năm 2020. Một vùng có nhiều bão tố, nơi 1/3 số lượng tàu biển thế giới phải đi qua dưới cái nhìn lườm lườm của Hải quân Mỹ, Philippines và Việt Nam vì lý do tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa. Mục tiêu là cung cấp điện cho các đảo nhỏ được cải biên thành căn cứ quân sự và giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng. Căng thẳng quân sự gay gắt với lân bang và nguy cơ sinh thái.
Con đường tơ lụa tốc độ cao
Khởi động năm 2013, một mạng lưới vòi bạch tuộc hạ tầng cơ sở gồm: đường xa lộ, bến cảng, đường sắt, cầu cống, ống dẫn dầu, vô tuyến viễn thông… ra đời tại châu Á và Trung Á. Đã có 71 nước tham gia, công trường khổng lồ này trải dài đến tận lục địa châu Âu và châu Phi. Giá trị tổng cộng khoảng 1.000 tỉ USD là tối thiểu. Mục tiêu là rút ngắn 2-3 lần thời gian đi từ châu Á sang châu Âu và châu Phi. Cân bằng kinh tế và địa chính trị toàn cầu sẽ bị đảo lộn, nguy cơ sinh thái xuất hiện. Ảnh hưởng của Trung Quốc với thế giới tăng vọt như tên lửa và kinh tế Trung Á bùng phát.
Lá chắn mặt trời khổng lồ trong không gian
Từ năm 2008, các nhà khoa học Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật cho phép thu hồi năng lượng mặt trời từ một trạm trong không gian và chuyển tải liên tục xuống trái đất. Thách thức trước mắt là rất lớn. Trước tiên là phóng một vệ tinh nặng hơn 5 tấn vào không gian. Nhưng ý tưởng này không điên rồ chút nào. Người Mỹ, người Nga và người Nhật cũng có những dự án tương tự. Nếu thành công, trái đất sẽ có một nguồn năng lượng điện vô tận. Mục tiêu từ nay đến năm 2050 là gởi đi một trạm quỹ đạo mặt trời. Một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Eo biển mới tại Thái Lan
Đào một con kênh dài 135km xuyên qua eo đất Kra, chia cách Thái Lan với Malaysia là một ý tưởng điên rồ? Thế nhưng các nhà thầu Trung Quốc lại đang tính chuyện đó bởi nó sẽ rút ngắn được 1.200km đường hàng hải giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương, nơi vận chuyển 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Trị giá khoảng 24 tỉ euro. Mục tiêu là bỏ đi qua eo biển Malacca đang bão hòa và bị Hải quân Mỹ khống chế. Giao lưu hàng hải thế giới thông thoáng hơn, Singapore mất thu nhập và gây căng thẳng chính trị trong vùng.
Bá chủ vô tuyến viễn thông
Trung Quốc đã chiếm lĩnh đa số trong mạng 4G. Về thiết bị viễn thông, các tập đoàn Trung Quốc bỏ xa các đối thủ phương Tây và còn muốn làm như thế với mạng 5G! Lo sợ trước viễn ảnh u ám này, Mỹ dự tính sẽ loại bỏ họ ra khỏi thị trường 5G và kêu gọi các đồng minh của mình tiếp tay. Mục tiêu là khống chế điện thoại trong tương lai. Chiến tranh lạnh kỹ thuật số: thế giới chia làm 2 phe. Một bên là các nước giàu có không xài kỹ thuật Trung Quốc, một bên là các nước đang phát triển ủng hộ nhiệt liệt vì không có nhiều tiền, hay vì lý do chính trị.