Bạn hỏi tôi nghĩ gì vềNgười thầy thuốc hôm nay ư? Tôi nghĩ đơn giản thôi bạn ạ: không có Người thầy thuốc hôm nay hay hôm qua, ngày mai gì cả. Người thầy thuốc là người thầy thuốc vậy thôi. Dù xã hội có nhiều biến động, y học tiến bộ không ngừng, quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân có nhiều thay đổi nhưng Người thầy thuốc vẫn là người thầy thuốc. Anh ta được sinh ra, được làm nghề y vì cái nghiệp của mình, cái mà ngày nay gọi là “vocation”, thiên hướng, cái “Trời cho” đó! Cho nên Người thầy thuốc dù ngày xưa được coi là phù thủy, quan đốc, đại phu hay ngày nay được coi là người cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe” (health care provider) gì đi nữa thì anh ta cũng phải luôn đứng trước lương tâm. Dân gian mình có câu hay bạn nhớ không? “Làm nghề thuốc mà ác đức thì đẻ con không có lỗ đít”!
Bạn thấy đó, trong tên gọi Người thầy thuốc gồm có cả ba: Người + Thầy + Thuốc. Người thì có Nhân đạo. Thầy thì có Nhân đức. Thuốc thì có Nhân thuật. Nhân đạo, nhân đức, nhân thuật hợp lại mới thành cái gọi là… “Y đức”. Không có nhân đạo, nhân đức thì còn lâu mới có Y đức. Cho nên Y đức là chuyện không dễ. Không chỉ được đào tạo, dạy dỗở trường Y mà phải “gieo trồng” từ hồi niên thiếu, từ trong gia đình, từ môi trường xã hội. Đó là lý do tại sao bà mẹ thầy Mạnh Tử phải ba lần dời nhà! Dĩ nhiên trường Y có trách nhiệm lớn. Cho nên khi ra trường, hành nghề, người thầy thuốc bị ràng buộc bởi những luật lệ rất nghiêm gọi là Nghĩa vụ luận y khoa (déontologie médicale), có tổ chức để “quản lý” nghề nghiệp về mặt y đức cũng như bảo vệ uy tín cho ngành y gọi là Y sĩ đoàn. Nhưng nói cho cùng, kẻ “quản lý” chặt chẽ nhất vẫn là lương tâm nghề nghiệp. Bạn hẳn còn nhớ những bài học hồi nhỏ xíu của bọn mình: “Thấy người hoạn nạn thì thương / Thấy người tàn tật lại càng trông nom / Thấy người già yếu ốm mòn / Thuốc thang cứu giúp cháo cơm đỡ đần / Trời nào phụ kẻ có nhân / Người mà có đức muôn phần vinh hoa” (Quốc văn Giáo khoa Thư, lớp đồng ấu)… Thật ngạc nhiên ngày nay “lớp trẻ” không còn học những bài học thuộc lòng này nữa! Cũng vậy, những bài như “Cha sinh, mẹ dưỡng / Đức cù lao lấy lượng nào đong / Thờ cha mẹở hết lòng…”; rồi Anh em nhà họ Điền; Lưu Bình Dương Lễ; Đừng phá tổ chim v.v… đều là những bài học thuộc lòng từ tấm bé.
Bây giờ khi mà y khoa hướng về đồng tiền (Money-Driven Medicine, một phim tài liệu gần đây của Mỹ) thì người ta đã đưa lại lời thề Hippocrater vào trường Y, lập ra Hiến chương Y nghiệp (Professionalism Charter) và đề ra những y luật chặt chẽ, chọn “đầu vào” rất kỹ – như có trường buộc sinh viên muốn học y phải qua một cuộc phỏng vấn bởi hội đồng gồm một giáo sư, một sinh viên đàn anh, một điều dưỡng và có nơi thêm một đại diện… bệnh nhân!
Bởi, trong suốt “hành trình” của kiếp nhân sinh: Sinh lão bệnh tử, giai đoạn nào mà chẳng cần có mặt “người + thầy + thuốc” phải không?
Chắc bạn cũng còn nhớ chuyện này chứ? Chuyện kể ông Biển Thước (401-310 trước Công nguyên), một thầy thuốc người nước Triệu thời Đông Chu liệt quốc nổi tiếng là “thần y”, một hôm Ngụy vương hỏi Biển Thước: “Ta nghe nói ba anh em nhà Thầy đều giỏi y thuật, thử nói ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?”.
Biển Thước đáp: “Anh cả của thần y thuật cao minh nhất, anh hai của thần thứ nhì, còn thần kém nhất trong ba anh em”.
Ngụy vương ngạc nhiên: “Vậy sao Thầy nổi tiếng trong thiên hạ còn hai anh Thầy không ai biết đến?”.
Biển Thước đáp: “Vì anh cả thần chữa bệnh cho người khi bệnh chưa xảy ra, người bệnh trông như không có bệnh gì cả cho nên người ta không ai biết anh thần đã phòng bệnh cho họ từ trước; còn anh hai của thần trị bệnh ngay khi người ta mới phát bệnh, nên người ta cho rằng anh hai thần chỉ chữa được bệnh vặt mà không biết rằng nếu để bệnh trầm trọng thì nguy hiểm tính mạng nên chỉ nổi tiếng ở vùng quê, còn thần thì chữa khi bệnh tình người ta đã nguy ngập, tính mạng bị đe dọa… Điều thần làm là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc, những việc dính đến máu me, nên thần mới vang danh thiên hạ, nhưng dù bệnh có cứu được cũng thường để lại di chứng… Thần thua xa hai anh thần nhưng thiên hạ ít người biết vậy!” (Trang Tử tâm đắc, NXB Trẻ 2011).
Có thể nói Y đức… cao nhất chính là phòng bệnh, giúp cho người ta khỏe mạnh, ít đau ốm hoặc nếu có bệnh thì được chữa sớm khi bệnh chưa nặng vậy. Dĩ nhiên thứ “Y đức” này đừng mong người ta biết đến làm chi! Hải Thượng Lãn Ông cũng tự xưng mình là “ông già lười” (Lãn Ông) vì ước mong không còn ai bệnh tật để mình được rảnh rang làm thơ uống rượu ngoạn cảnh đó thôi…
Thân mến
BS Đỗ Hồng Ngọc