Lâu nay trên thị trường kim cương, người mua dựa vào giấy chứng nhận GIA để nhận biết chất lượng sản phẩm. Thế nhưng theo các chuyên gia, hiện nay tại Việt Nam không phải giấy GIA nào cũng phản ánh đúng chất lượng của viên kim cương đó. Vừa qua, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ đã phát hiện một số trường hợp kim cương có biên độ dao động về tiêu chuẩn màu sắc, độ tinh khiết và cắt mài ở các phòng lab GIA đặt tại Bangkok (Thái Lan), Mumbai (Ấn Độ) và Tokyo (Nhật)… thấp hơn so với tiêu chuẩn GIA và PNJLab, đặc biệt là màu sắc và độ tinh khiết.
Đầu tháng 10-2018, một khách hàng mang viên kim cương có giấy chứng nhận của GIA đến kiểm tra tại PNJ. Sau khi xác định viên kim cương này có những thông số sai lệch so với giấy, PNJ đã tiếp tục sử dụng các phương pháp kiểm tra khác thì phát hiện đây là viên kim cương CVD (nhân tạo). Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về đá quý do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh (SJA) tổ chức chiều ngày 10-10 vừa qua. Tại hội thảo, các chuyên viên PNJLab cho biết trong hai năm qua, thống kê các mẫu kim cương được khách hàng mang đến giám định tại PNJLab cho thấy có hơn 500 mẫu kim cương trên 4 li được phát hiện là kim cương nhân tạo.
Trong đó, các mẫu lớn nhất có kích thước 7,3 đến 10 li. Riêng đối với kim cương dưới 4 li thì có đến hàng ngàn trường hợp phát hiện là kim cương tổng hợp. Nhiều lô hàng (trên 1.000 viên kim cương tấm) của các doanh nghiệp gửi đến giám định thì có đến 90% và thậm chí có những lô hàng 100% là kim cương tổng hợp. Đáng lưu ý, giá kim cương nhân tạo CVD và HPHT bằng khoảng 20% giá kim cương tự nhiên. Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kim cương tổng hợp có kích thước nhỏ dưới 4 li rất dễ trộn lẫn trong kim cương tự nhiên ở lô hàng lớn, hoặc gắn trên nữ trang.
Các chuyên gia PNJLab cũng cho biết, có nhiều loại kim cương tự nhiên chất lượng thấp được khắc mã số cạnh trùng với giấy giám định của nước ngoài cho kim cương có chất lượng cao (hai loại kim cương này có giá chênh lệch khá lớn) đã được phát hiện ra tại PNJLab. Ngoài ra, PNJLab cũng đưa ra cảnh báo, hiện có hàng ngàn viên kim cương, phần lớn có kích thước trên 1 carat, được phân cấp tại phòng thí nghiệm GIA tại Israel đã bị thay đổi cơ sở dữ liệu về cấp độ màu để đánh lừa người tiêu dùng.
Bên cạnh kim cương, thị trường ngọc trai Việt Nam cũng đang bị xem là vàng thau lẫn lộn. Ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty PNJ cho biết trên thị trường có những loại ngọc trai nước ngọt (giá trị khoảng 25% so với ngọc trai nước mặn) nhưng được bao phủ một lớp xà cừ bên ngoài, được chuyển từ trong đất liền ra một số đảo và được bán với giá bằng ngọc trai nước mặn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Có những chuỗi ngọc trai một số doanh nghiệp bán cho khách với giá từ 20.000-30.000 USD nhưng không cho đổi, trả và không thu lại.