Tình hình kinh tế tám tháng qua của Việt Nam tuy có phần nào khởi sắc nhưng vẫn có những điểm vướng mắc cần tiếp tục xử lý, theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thông báo của Văn phòng Chính phủ tuần qua nói rằng giai đoạn 2018-2020, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của chúng ta.
Do vậy, song song với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò các động lực về thể chế, chính sách, pháp luật; kinh tế tư nhân; hội nhập kinh tế quốc tế; cách mạng công nghệ 4.0 và động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, các đô thị, đầu tàu kinh tế của đất nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành để triển khai thực chất, hiệu quả hơn, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa.
Thủ tướng phân công Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ đã được giao.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bộ Công thương có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019, thí điểm hình thành một số cụm ngành công nghiệp với các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm trường quốc doanh, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường lao động, đánh giá tình trạng thất nghiệp, xử lý vấn đề lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, kiến nghị giải pháp xử lý.
Các nội dung trên đây sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng trước ngày 15-10-2018.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tám tháng đầu năm là 2,56 triệu tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 878.627 tỉ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 1,68 triệu tỉ đồng thông qua 28.672 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Tuy vậy, có đến 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong tám tháng đầu năm, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về hiện tượng này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ tháng 4-2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về doanh nghiệp nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.
- Xem thêm: Tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nổi bật là ngành kinh doanh bất động sản tăng 42%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 25,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 24,5% và sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 19,4%.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy có 29.646 doanh nghiệp, chiếm 33,9%; xây dựng có 11.486 doanh nghiệp, chiếm 13,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 10.877 doanh nghiệp, chiếm 12,4%.
Bảy ngành nghề có số doanh nghiệp đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước là: nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 14,6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 9,6%; thông tin và truyền thông giảm 9,0%; khai khoáng giảm 5,4%; vận tải kho bãi giảm 4,9%; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy giảm 3,5% và công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,9%.
Trên lĩnh vực đầu tư nước ngoài, diễn biến tám tháng qua được xem là tích cực với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỉ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 736 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỉ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 20-8-2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỉ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,16 tỉ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,47 tỉ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.
Về xuất khẩu thì một trong những vướng mắc cụ thể là thời gian qua thị trường rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa, nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.
Vấn đề là do Cục Bảo vệ thực vật chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Muốn làm được điều này cần phải kiểm soát triệt để các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là những loại nghiêm cấm sử dụng, có như vậy chất lượng và giá trị xuất khẩu rau quả mới được nâng lên cao hơn nữa.
Nếu tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả vẫn như hiện nay thì cho dù kim ngạch rau quả năm nay có đạt được 4 tỉ USD cũng không thể gọi là xuất khẩu bền vững được.
Sở dĩ ngành rau quả chưa quan tâm lắm đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là do phần lớn nông dân và doanh nghiệp chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, mỗi khi thị trường này cần thì không quan tâm đến chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng và giá cả. Cho nên, phần lớn người nông dân chạy theo lợi nhuận và sự dễ tính của thị trường Trung Quốc.
Nhưng thị trường Trung Quốc lại khá bấp bênh, không đều đặn và ổn định như các thị trường nhập khẩu khác, khi thì mua ồ ạt, khi thì ngưng không mua, nên đã có nhiều doanh nghiệp ví von “buôn bán với thị trường Trung Quốc như đi đu dây, không biết rơi xuống lúc nào. Chính vì vậy mà phải thường xuyên giải cứu nông sản Việt!”.
Tám tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam với 1,72 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 74 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, rau quả của Việt Nam còn xuất khẩu sang một số thị trường khác với tốc độ tăng trưởng rất cao như Thái Lan, Úc, Pháp, Canada, Đức, Ý, Campuchia, Kuwait.
Theo các chuyên gia, rau quả còn rất nhiều dư địa nhưng làm thế nào để xuất khẩu rau quả phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhất là tại châu Âu, Mỹ… vì các thị trường này kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả.
Để rau quả của Việt Nam có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường khác nhau và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ngành nông nghiệp cần chú trọng đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của rau quả Việt Nam.