Sau ba triển lãm cá nhân tại Hà Nội, họa sĩ trẻ Đỗ Tuấn Anh lần đầu tiên giới thiệu tranh của anh với công chúng TP. Hồ Chí Minh (tại gallery Craig Thomas, 27i Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Q.1, từ 5 đến 29-9-2012).
Trong triển lãm cá nhân đầu tiên có tên “Cuộc sống trên phố” tại Khách sạn Hilton Hà Nội Opera cuối năm 2001, Tuấn Anh vẽ những bức sơn dầu khổ vuông 80 x 80cm, thể hiện những cảnh đời cơ cực trên phố xá Hà Nội hôm nay: cha con người đàn ông mù hát rong, bà cụ già lượm rác, người vá xe, cậu bé đánh giày…, những thân phận khốn khó mà gần gũi với anh, một kẻ từng làm đủ mọi nghề để kiếm sống sau khi tốt nghiệp khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1998, nhưng vẫn không nguôi ước mơ được sống với hội họa. Sinh năm 1979, Đỗ Tuấn Anh là con út trong một gia đình nghèo, phải vất vả trong cuộc mưu sinh ở Thanh Hóa, và thời thơ ấu đó đã được phản ánh sinh động trong những tác phẩm đầu tay của anh.
Những nỗ lực vươn lên của chàng trai trẻ để đạt được mơ ước sống với sắc màu được sự hỗ trợ hết lòng của Bettina Martin, cô bạn gái thân yêu người Đức, chuyên gia của dự án bảo tồn voọc mũi hếch ở khu bảo tồn Na Hang – Tuyên Quang, nhờ đó Tuấn Anh đã đi được những bước dài trong hành trình nghệ thuật. Sau “Cuộc sống trên phố” là hàng loạt triển lãm nhóm trong và ngoài nước; đến 2009 là triển lãm “Ôi! Thành phố” tại studio Thọ, thể hiện tâm trạng cá nhân và trong chừng mực nào đó cũng là tâm trạng chung của một bộ phận cư dân Hà Nội khi chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của thủ đô. Tiếp tục mạch cảm hứng về cuộc sống đô thị, đến năm 2010 là triển lãm cá nhân thứ ba “Tôi ước…” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội với 12 bức tranh acrylic khổ lớn, qua đó Tuấn Anh đã nhìn về một thời kỳ mà quá trình đô thị hóa và thương mại hóa diễn ra thật khốc liệt bằng cặp mắt của trẻ thơ.
Đến triển lãm cá nhân mới nhất của mình là “Xa”, Đỗ Tuấn Anh mời người xem cùng anh đi vào một hành trình thật xa, đến tận những vùng sâu thẳm nhất của tâm hồn và ký ức, nơi anh phải “dàn xếp” để con người đô thị của anh hôm nay – đã là người chồng và người cha – có thể sống chung với những hoài niệm không ngừng về tuổi thơ khó nhọc ở làng quê. Anh thổ lộ: “Đối với tôi, làng quê là nền tảng tinh thần hình thành nên tâm hồn tôi; chi phối nhận thức và cả cách ứng xử của tôi trong cuộc sống hôm nay. “Xa” có nghĩa là tất cả những gì đã xa, cả về mặt không gian lẫn thời gian, nhưng lại có sức mạnh kéo người ta về gần hơn với những thuộc tính căn bản hình thành nên tâm hồn của mỗi cá nhân”. Anh cho biết, cảm hứng sáng tác loạt tranh “Xa” đến với anh cũng ở một nơi thật xa: nước Đức quê vợ trong chuyến đi dài ngày năm 2010. Khi ngồi trên một chiếc taxi của người tài xế gốc Bangladesh nhớ quê – chiếc xe được ông ta trang trí bằng vô số hình ảnh và đồ lưu niệm của quê hương, Tuấn Anh chợt nhận ra “những cảm xúc của mình, những khao khát và lưu luyến về làng quê là cảm giác chung của những ai xa quê”. Và những ngày đó, anh thường nhớ về quê nhà và nhất là nhớ về thời thơ ấu của mình. Chính qua lăng kính hoài niệm ấy, Tuấn Anh hồi tưởng lại “khoảng thời gian mà bất chấp những nghèo khó, thiếu thốn, cuộc sống ở nông thôn lại mang đến nhiều niềm vui giản dị nhưng đầy ý nghĩa so với cuộc sống hiện tại tương đối sung túc và dư thừa nơi đô thị”.
Trong các câu chuyện kể hôm nay, Tuấn Anh dùng nhiều hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng của nông thôn Việt Nam nhưng đang chịu tác động mãnh liệt của mặt tiêu cực trong phát triển hôm nay, điển hình như cái ao làng – ở đó chính người họa sĩ đang ngụp lặn và cố gắng tránh bị nhấn chìm dưới làn nước tù đọng, tối tăm…
- Ngã Văn