Hiện nay giá bình quân một ngôi nhà tại thành phố San Francisco khoảng 1,3 triệu USD và giá thuê bình quân 3.300 USD một phòng ở đã đẩy địa ốc tại thành phố này lên đắt đỏ nhất nước Mỹ.
Khi một ngôi nhà nhỏ tại Thung lũng Silicon thuộc bang California có giá bán 2,6 triệu USD và một acre đất trống tại Bay Area ở Bắc California có giá 15 triệu USD thì việc có 30 người tham gia phong trào WePark của doanh nhân Victor Pontis sau vài ngày phát động là điều dễ hiểu. Bãi đậu xe của họ nằm gần Tòa thị chính (City Hall) San Francisco nên rất thuận tiện.
Sáng kiến của doanh nhân trẻ Victor Pontis
Pontis được xem là người đi tiên phong của WePark khi anh thử đặt một chiếc bàn và một chiếc ghế tại điểm đậu xe của mình. “Tôi nảy ra sáng kiến về WePark thông qua mạng xã hội Twitter. Có ai đó đưa lên mạng ảnh chiếc xe tải mà bên trên là bãi đậu xe đạp.
Nhìn bức ảnh, tôi tự hỏi: nếu xe đạp đậu được trên nóc xe tải được thì tại sao văn phòng làm việc không đặt được tại điểm đậu xe hơi? Đây là một câu hỏi thú vị. Tôi quyết định làm thử xem sao và thấy thành công.
Không hề có bất tiện khi bạn làm việc tại nơi đậu xe với điều kiện là gần đó phải có đầy đủ phương tiện vệ sinh cá nhân như toilet, nước. Pin laptop có thể giúp bạn làm việc vài tiếng, còn kết nối internet đã có hotspot.
Dĩ nhiên, làm việc tại bãi đậu xe chỉ phù hợp với những công việc có thể làm trên máy tính và không cần các trợ thủ khác” – Pontis nói.
Sau khi thử nghiệm thành công, anh quyết định mời những người khác tham gia phong trào WePark tại bãi đậu xe nằm gần Tòa thị chính (City Hall) của thành phố. Không ngờ lời mời được hưởng ứng nồng nhiệt.
“Thành phố có nhiều khoảng đất trống có phong cảnh đẹp, ấm áp dưới ánh mặt trời, gần với trạm vận chuyển công cộng, gần mall rất thuận lợi cho việc mở văn phòng làm việc di động” – anh nói. Nhưng trước mắt mô hình này đang được thử nghiệm tại các bãi đậu xe với giá thuê 2-3 USD/giờ.
Pontis nhận định: “Đường phố là nơi để lưu thông xe cộ, nhưng bãi đậu xe có thể tận dụng vào công việc khác khi giá thuê không gian văn phòng quá đắt. Làm việc tại các bãi đậu xe và tại không gian chung nằm gần trạm xe điện, xe buýt và mall có một số ưu thế hơn làm việc ở nhà” – anh nói.
Victor Pontis chỉ thử nghiệm WePark sau khi đã kinh qua các phương thức làm việc “tiết kiệm” khác, từ căn hộ dùng chung đến thư viện và quán cà phê.
Nhưng tất cả đều có những bất cập khác nhau, cái thì quá ồn, cái quá tốn kém, bất tiện. Nay, với văn phòng mở anh chỉ mất 2,25 USD/giờ thuê chỗ đậu xe thanh toàn bằng “parking meter” do chính quyền lắp đặt.
Những hạn chế và ưu điểm
WePark là xu hướng mới đang rộ lên ở Mỹ và lan dần sang một số nước châu Âu khi ngày càng có nhiều người biến nơi đậu xe (có trả phí theo thời gian) thành văn phòng làm việc mở.
Họ đặt bàn làm việc ngoài trời, ngay tại điểm đậu xe đã thuê của mình và khi cần có thể chuyển sang bãi đậu xe khác nếu thích.
Không gian làm việc sáng tạo này đang thu hút được nhiều sự chú ý vì vừa đỡ tốn tiền thuê văn phòng làm việc cố định vừa thuận lợi.
Tuy nhiên sáng kiến này chỉ có thể áp dụng được ở những nơi có khí hậu ôn đới, mát mẻ không mưa nắng thất thường và đặc biệt là ít ô nhiễm.
Thật khó áp dụng tại xứ nóng đông đúc xe cộ với bãi đậu xe hẹp, tù túng. Dĩ nhiên là trừ trường hợp bãi đậu xe rộng thoáng, có mái che và có trang bị máy điều hòa không khí.
Những người đang vận dụng thành công không gian làm việc WePark đã lan truyền lên mạng xã hội “văn phòng mở” của họ kèm nhận xét về ưu, nhược điểm của nó và biến nó thành phong trào mang tính toàn cầu.
Tất cả đều đồng ý là sáng kiến mới giúp tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Trên Twitter có trang hashtag #WePark dành cho những người đang vận dụng hình thức làm việc này tại thành phố San Francisco của nước Mỹ.
Họ trả tiền thuê bãi đậu xe dài hạn và tạo nên một văn phòng làm việc cơ động ở đó với wifi miễn phí hay wifi lấy từ điểm truy cập Internet (hotspot) trên điện thoại di động. Phong trào WePark đã lan đến Pháp.
Chị Jean Walsh thuộc số người đến làm việc tại WePark đầu tiên của Pontis. Chị cho biết sáng kiến này vừa tăng công năng cho các bãi đậu xe vừa giúp những người không cần một không gian làm việc quá rộng.
“Thị trường địa ốc tại San Francisco rất nóng. Phí thuê nhà chiếm tỷ lệ lớn tiền lương. Thuê văn phòng làm việc là thứ xa xỉ nếu bạn không thật sự cần một nơi làm việc rộng rãi.
Chi phí cho văn phòng mở tại bãi đậu xe được xem là rẻ nhất trong các chọn lựa khác, kể cả chia sẻ văn phòng làm việc chung.
Bạn có thể trả phí theo giờ giống như phí đậu xe để mua không gian. Ghế và bàn được mang sẵn theo xe nên không có gì trở ngại. Không nhất thiết là bãi đậu xe mà có thể là công viên, là khoảng đất trống cho phép nào đó.
Thuận tiện và gần mall, restroom là ưu tiên hàng đầu. Làm việc ngoài trời còn cho ta cảm giác gần gũi với cộng đồng khi chung quanh bạn bao giờ cũng có người mà còn được hưởng không khí trong lành.
Người khác dễ dàng đến trò chuyện với bạn nếu bạn đồng ý. Chúng tôi chia sẻ với nhau những món ăn nhẹ nhưng bánh doughnut, ly rượu vang.
Thật thú vị khi có 12 người làm việc gần nhau trong bãi đậu xe thay vì chỉ có những chiếc xe vô hồn ở đó. Một không gian khô cứng bỗng trở thành linh động với nhiều tiếng cười” – Walsh nhận định.
Theo Cushman & Wakefield, một công ty địa ốc thương mại tãi Mỹ, giá thuê nhà ở San Francisco đã đạt kỷ lục 84,16 USD/feet vuông, tăng 9,7% so với năm ngoái.
Lan sang Pháp
Tại Pháp, doanh nhân trẻ Valentin Décarpentrie 21 tuổi là người đi đầu trong phong trào dùng bãi đậu xe làm văn phòng làm việc tại thành phố Toulouse.
Anh biết về WePark qua chia sẻ trên Twitter từ San Francisco trước khi quyết định tham gia phong trào và làm “tấm gương” cho bạn bè.
“Có lần một người định đưa xe vào văn phòng mở của tôi vì thấy nó để trống nhưng sau khi biết nó đã được thuê trước, ông ta lái xe đi chỗ khác.
Lúc quay trở lại, hình ảnh tôi đang ngồi làm việc đã gây ấn tượng mạnh cho ông. Ngày hôm sau, ông quyết định làm tương tự.
Sau đó, chúng tôi trở thành bạn của nhau. Chính văn phòng mở đã kết nối chúng tôi và tạo ra mối quan hệ mới. Chúng tôi chia sẻ nhiều thứ, kể cả wifi” – Décarpentrie kể lại.
Văn phòng mở công ty khởi nghiệp (startup) của anh vẫn tồn tại đến hôm nay. Theo anh, phong trào văn phòng mở sẽ lan nhanh sang nhiều nước khác trong tình hình loài người phải đối phó với vấn nạn biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
“Văn phòng mở chắc chắn sẽ tiêu tốn ít năng lượng và phát thải khí nhà kính hơn văn phòng truyền thống. Người ta cũng thấy ở đây sự thoải mái và tiết kiệm chi phí. Văn phòng mở có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào bạn thấy thuận tiện. Loại văn phòng này đặc biệt thích hợp với những công ty khởi nghiệp chỉ có vài nhân viên và không cần những trang bị cồng kềnh ngoài laptop và internet” – Décarpentrie nói.
Anh cho biết giá thuê văn phòng làm việc tại Pháp hiện nay cũng rất đắt, nhất là đối với các công ty khởi nghiệp hoặc mới thành lập chưa có doanh thu cao.
“Nhiều chủ cho thuê văn phòng không muốn cho bạn thuê dù bạn có thế chân vì họ thấy sự bấp bênh. Sáng kiến văn phòng mở đã giúp giải quyết được bài toán về nơi làm việc cho những người ít tiền và không muốn làm việc trong một không gian tù túng. Làm việc từ xa có thể giải được bài toán thiếu không gian văn phòng, nhưng làm việc trong văn phòng mở có thể giúp vào việc giảm ô nhiễm đô thị” – anh nói.