Các chỉ số kinh tế được công bố trong những tháng đầu năm 2013 cho thấy những dự báo về một năm 2013 khó khăn hơn đang dần trở nên hiện thực. Số doanh nghiệp giải thể trong ba tháng đầu năm 2013 lên đến trên 15.300 doanh nghiệp, và theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, con số doanh nghiệp “chết” trong thời gian qua trên thực tế có thể đến con số một trăm ngàn, trong khi có đến 69% doanh nghiệp đang hoạt động không có lãi. Doanh nghiệp phá sản kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thống kê năm 2012 cho thấy trong chín tháng của năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị là 3,3%, tại nông thôn là 1,42%, đưa con số lao động muốn làm việc nhưng không có công ăn việc làm – và không có thu nhập – lên đến trên 2 triệu người, chưa kể số lượng lao động thất nghiệp trá hình chỉ có việc làm tạm bợ và thu nhập cực kỳ thấp. TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực đô thị (3,92%), Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực nông thôn (4,6%). Sang năm 2013, tình trạng thất nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện. Thất nghiệp tăng, triển vọng kinh tếảm đạm khiến người dân phải tự thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Tổng cầu xã hội giảm, sức mua giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm rõ rệt. Trong ba tháng 3, 4, 5 của năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh liên tục giảm, bình quân giảm 0,26%/tháng. Sức mua toàn xã hội giảm, hàng hóa không tiêu thụ được khiến cho tồn kho hàng hóa các doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, sa thải lao động, đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy thoái đáng báo động. Cho đến cuối tháng 4-2013, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp xây dựng, một ngành công nghiệp dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế, tiếp tục bị lao đao vì sản phẩm tồn đọng: giá trị tồn kho thép tại các doanh nghiệp lên đến trên 9 ngàn tỉ đồng, tồn kho gạch trên 3 ngàn tỉ đồng, tồn kho xi măng của riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng là 1,38 triệu tấn.
Điều may mắn là tình hình kinh tế khó khăn đang được công khai thừa nhận bởi Quốc hội, Chính phủ và được truyền thông rộng rãi, cho thấy đã có một quyết tâm chính trị cao trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp thích hợp đưa nền kinh tế vượt qua vũng lầy suy thoái, một quyết tâm tuy khá chậm nhưng có còn hơn không. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải trả một cái giá nhất định cho sự chậm trễ. Những liều thuốc cần thiết, lẽ ra đã có thể hiệu nghiệm nếu được sử dụng sớm, thì nay đã không còn tác dụng như mong đợi. Chẳng hạn, biện pháp giảm lãi suất để hỗ trợ nguồn tín dụng giá thấp cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp tư doanh – nếu được triển khai ngay từ năm 2010 theo gương của Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực và các nước công nghiệp phát triển trong sách lược đối phó với khủng hoảng kinh tế, đã có thể ngăn chặn được sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp trong khu vực tư và đã không đưa nền kinh tế lún sâu vào suy thoái kéo dài.
Hiện nay, biện pháp giảm lãi suất và cởi mở tín dụng đã không còn tác dụng nhiều nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, khi quá nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang hấp hối và số lao động mất việc gia tăng. Trong năm tháng đầu năm 2013, tín dụng trong hệ thống ngân hàng chỉ tăng hơn 2%, cho thấy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đề ra trong năm 2013 là 12% là rất khó đạt được. Không phải doanh nghiệp của chúng ta không cần vốn, nhưng họ đang trong tình trạng không còn khả năng hấp thu đồng vốn, giống như một bệnh nhân đường ruột. Nợ xấu doanh nghiệp tăng cao đặt họ vào hoàn cảnh pháp lý không thể tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để qua cơn hoạn nạn, mặt khác họ cũng không đủ sức thuyết phục các ngân hàng tin rằng sẽ có thể cùng họ vượt qua vực thẳm mà không bị kéo xuống theo. Đối với những doanh nghiệp còn hoạt động, xu hướng “co cụm” hoạt động sản xuất kinh doanh để giữ an toàn trở thành chiến lược phòng thân khôn ngoan trong thời điểm khó khăn, khiến cho nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm hẳn. Bên cạnh đó, tuy lãi suất huy động đang giảm dần, lượng tiền gởi tiết kiệm của khu vực hộ gia đình vẫn tiếp tục gia tăng cho thấy tâm lý tiết kiệm phòng xa đang tăng lên trong đại bộ phận người tiêu dùng. Toàn xã hội đang bị tác động bởi kỳ vọng suy thoái, một kỳ vọng sẽảnh hưởng tiêu cực đến các biện pháp kinh tế vĩ mô được đề ra nhằm phục hồi tăng trưởng. Thêm vào đó, nỗi e sợ thâm căn cố đế về bóng ma lạm phát vẫn còn vương vấn trong đầu những nhà lãnh đạo tiền tệ, càng khiến cho các biện pháp tiền tệ vốn dĩ rất dè dặt và thận trọng sẽ dễ dàng trở thành nửa vời và không phát huy tác dụng, nhất là đối với những biện pháp có thể dẫn đến việc làm tăng cung tiền, như mua lại các tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại qua việc Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu, cho vay lại…, dù rằng đó là những biện pháp hết sức cần thiết. Cần vượt qua tâm thế này để xây dựng một chính sách tiền tệ năng động hơn, tích cực hơn qua việc giảm sâu hơn lãi suất cơ bản, mở ra các chương trình tài trợ xuất khẩu, tài trợ công nghiệp then chốt, tài trợ nông ngư nghiệp với lãi suất ưu đãi. Cấu trúc lại các khoản nợ của doanh nghiệp, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi… cho những doanh nghiệp còn có thể tiếp tục hoạt động, xử lý các doanh nghiệp vô phương cứu chữa… là những biện pháp cần làm ngay để mở ra con đường sáng sủa, lành mạnh hơn. Cần thấy rằng, chỉ tiêu kế hoạch tăng khối tiền tệ trong năm 2013 là 14% đến 16% so 2012 không phải là lớn và sẽ không tạo áp lực lạm phát, vì trong điều kiện kinh tế suy thoái, vòng quay thu nhập của tiền tệ chắc chắn giảm đáng kể, thể hiện qua các tín hiệu rõ rệt như sức mua giảm, tồn kho hàng hóa tăng, khiến cho cung tiền dù có tăng, tăng trưởng vẫn thấp và chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng không đáng kể trong năm 2013.
Tuy nhiên, chỉ riêng các biện pháp tiền tệ không thể tạo được tác động đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phục hồi nền kinh tế, cần phải có sự hợp đồng với chính sách thuế và tài khóa mới có thể hoàn thành trọng trách này. Trong những ngày gần đây, giải pháp giảm thuế để vực dậy doanh nghiệp đang được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị. Nhưng trong điều kiện suy thoái kéo dài, giảm thuế chỉ có tác dụng như một liều thuốc bổ, không phải là liều thuốc trị. Khi có đến 69% số doanh nghiệp hoạt động không có lãi và phần lớn doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, việc giảm tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mang tính chất an ủi nhiều hơn là khuyến khích, chưa thể tạo ra động lực. Hiển nhiên là trong lâu dài, một chính sách thuế khoan dưỡng sức dân cùng với việc giảm chi phí vay ngân hàng qua việc giảm lãi suất tín dụng sẽ giúp rất nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí tài chính, giảm giá thành và củng cố năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường nội địa cũng như quốc tế. Nhưng trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, với những liều thuốc có liều lượng cao hơn. Chẳng hạn, cần phải chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm 2013 so với mức kế hoạch hiện nay là 4,8% GDP để thực hiện kích thích tài khóa (Fiscal Stimulus) qua việc tăng đầu tư công, hoàn tất những dự án đầu tư hạ tầng còn dang dở vì thiếu kinh phí. Đầu tư công, tốt nhất là cho các dự án phát triển hạ tầng, vào thời điểm hiện nay sẽ có tác dụng như một đầu tàu lôi kéo sự hồi phục của các ngành kinh tế khác. Đây là giải pháp cấp bách cần thiết của năm 2013 và có thể cả năm 2014 nhằm vượt qua suy thoái.
Tại hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tếở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21-5, lần đầu tiên một báo cáo nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển đã thừa nhận rằng muốn tăng trưởng cao, phải chấp nhận lạm phát ở mức nhất định, chứ không thể tăng trưởng cao, lạm phát thấp như mong muốn khó đạt của những người hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô nước ta từ trước đến nay. Vấn đề thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không chỉ là sự chọn lựa giữa lạm phát và tăng trưởng mà là sự chọn lựa còn thiết thân hơn, sống còn hơn, giữa một bên là sự bảo vệ duy ý chí những chỉ số thống kê kế hoạch vô cảm như chỉ số giá tiêu dùng CPI và một bên là công ăn việc làm, là cuộc sống của người lao động từ thành thị đến nông thôn, là sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trụ cột của nền kinh tế đất nước. Ưu tiên ở đâu đã thấy rõ. Sự chọn lựa nào sẽ đạt được đồng thuận xã hội cao cũng đã thấy rõ. Trên hết, phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, một tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện những hành động cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế quốc dân, của cộng đồng dân tộc.
Huỳnh Bửu Sơn