Nhiều năm rồi, mỗi khi tả tơi, tôi lại về với phố. Đón tôi là dì của một người bạn hồi cấp ba, một người Hội An từ đầu đến cuối, và hầu như lúc nào cũng có một phòng dành sẵn cho tôi. Có khi tôi đến phố vào giữa trưa hay chiều tối, đặt hành lý xuống rồi lững thững ra sông.
1. Cái eo sông nhỏ xíu, từ bờ bên này nhìn rõ bờ bên kia, nhưng sức mạnh thật thần kỳ. Nó có thể xoa dịu nỗi đau đớn trong lòng, có thể thổi bay những “cái mắc” đè nặng bấy lâu trong ngực. Cái gió hiu hiu từ sông lên vỗ về cơn đau lớn, làm nó nhỏ dần nhỏ dần đi từng chút một, chỉ cần bạn ngồi yên.
Người Hội An buôn bán rất mắc cười. Cái xứ nhỏ, ít người, đường nhỏ, sông nhỏ, hẻm nhỏ nên tiền cũng nhỏ. Mỗi món trên đường đi chỉ năm ngàn, mười ngàn đồng. Cái hoa đăng giấy thả trên sông bốn màu lung linh nến có giá năm ngàn. Một ly chè đậu ngọt lịm mát lòng chỉ mười ngàn. Một dĩa bánh tráng chập giòn rụm thơm lừng mười lăm ngàn. Vỉa hè Hội An bao dung cho tất cả.
Người Hội An giỏi giao tiếp bằng mắt. Họ có cách mời bạn mua bằng mắt, những ánh mắt chân thật trong trẻo. Không đeo theo bạn, không mời mọc thái quá. Cái khoảng cách mà người Hội An giữ giữa mình với du khách có thể ví như trung đạo: không quá gần để du khách thấy phiền, không quá xa để du khách lạc lõng. Người đang đớn đau mà về chốn này thì rất dễ chịu: luôn cảm giác được bảo bọc, mà vẫn cảm thấy được riêng tư. Người Hội An không săn đón, nhưng không để bạn thấy lạc lõng bao giờ.
Hành trình chữa lành của một người thường bắt đầu bằng việc nhận thức về nỗi đau mình đang mang, một cách chân thực. Không từ chối, không trốn chạy, không còn giận dữ, không còn ý niệm dùng cái này để khỏa lấp cái kia. Nhưng câu chuyện nhận thức nghe giản dị vậy mà khó vô cùng, vì người ta chưa kịp thấy mình đau đã phải gồng lên hứng tiếp những trận đau khác, rồi phải gạt cơn đau này qua bên để giả bộ mình trơn tru lành lặn, để lại nhận thêm những cơn đau mới. Cứ thế mà con người gọi đó là cuộc chiến cuộc đời. Họ được dạy không đầu hàng, không thua cuộc, lúc nào cũng phải chiếm thế thượng phong. Họ được dạy phải nhanh hơn người khác, phải “lì đòn” hơn người khác, phải thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt có tên “trường đời”.
Nhưng Hội An thì không.
Phố nhỏ nhưng đủ rộng cho mọi người đi, vì người ta đi bộ. Những chiếc xe đạp cũng đủ duyên cho các cô gái diện váy xòe. Dễ dàng gặp trên đường những du khách đạp xe vài cây số từ đồng ra phố, từ phố ra đồng, rồi từ đồng ra biển. Và vì Hội An đủ chỗ cho sự từ từ, nhẩn nha, nên kẻ cạnh tranh mỏi mệt tha hồ ngồi nghỉ. Ở Hội An, chỗ nào bạn cũng có thể ngồi.
Mùi đặc trưng của rau Hội An khiến những kẻ chai đá nhất cũng phải xúc động. Không có nơi đâu mà mùi rau thơm có thể khiến người ta rưng rưng như vậy: điềm tĩnh, chắc nụi, rõ ràng, vị nào ra vị đó. Cái nốt cao nồng của rau húng quế Hội An sẽ khiến những kẻ ngạo mạn nhất phải im lặng để vị ấy thấm vào từng tế bào khi gặp gỡ.
Rồi đồng. Lang thang ra đồng thì sẽ bị những đám xuyến chi trắng làm cho đứng tim. Chúng nhỏ xíu trắng muốt phơn phớt vàng ở giữa nhụy, rồi lân la rủ nhau nứt chồi, bung nở khắp triền đê. Trên bờ ruộng, dọc bờ đê, bọn xuyến chi chĩa cành, xòe nụ hoa bé xíu ra rồi nghênh ngang soi xuống mặt nước nhỏ men bờ ruộng. Mặt trời chiếu chênh chếch vào hoa của chúng, in bóng dáng trắng muốt mỏng manh của chúng xuống mặt nước, in cả những chiếc lá xanh bé tí của chúng và cả chạc ba cái cành duyên dáng nữa. Chúng làm người ta thốn tim rồi đứng luôn ở đó, chôn chân giữa đồng.
- Xem thêm: Hội An đã có công viên
Rồi mùi lúa, mùi bùn len lỏi tới. Cái ngai ngái mùi bùn làm cho người đớn đau thức tỉnh. Cả đám bùn này cũng đẹp như thế, tại sao cuộc sống này lại khó khăn?
Rồi khói. Có bữa đi ngang một bác đốt đồng, khói vây kín cả quãng đê, bay lên hòa vào nền trời xanh và bảng lảng mây trắng, kẻ đớn đau tưởng lạc vào cõi thiên thanh luôn, chẳng còn chi mà lo nghĩ nữa.
Rồi lúa chín. Cái thảm màu vàng óng ả dập dờn trĩu nặng, loắt choắt lũ chim sâu xoăn xoắt chuyền cành. Đám chim lửa, bìm bịp thì chao liệng từ cành tre này sang ngọn tre khác, đáp ào xuống lúa giỡn bọn chim sâu chơi, rồi lại bay vút lên ngọn tre trở lại. Bọn cò thì bay lả lả khắp nơi, có những con còn cắc cớ đậu chễm chệ trên lưng một chú trâu bự. Chúng chả kiêng nể gì người: cứ thế mà đậu, cứ thế mà bay.
Tâm lý học có khái niệm Trị liệu tự nhiên (Nature Therapy), được biết đến với Thuyết phục hồi sự tập trung (ART) do Kaplan giới thiệu, đề xuất rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên không chỉ thú vị mà còn có thể giúp chúng ta cải thiện sự tập trung trong thời điểm mà công nghệ đã tạo nên “cuộc cách mạng xao nhãng”. Các thiết bị thông minh đẩy con người lên tầng cao của bình đẳng thông tin, tự do thể hiện, nhưng lại “có công” kéo con người xuống đáy của sự giản đơn lành lặn, thứ mà thời ông bà ngày xưa rất giàu. Càng dễ xao nhãng, người ta càng dễ bỏ qua những điều quan trọng. Một trong những điều quan trọng đó là chất lượng của cái ăn.
Khi mua ký dưa gang muối bằng giá gấp đôi ký gạo ở thành phố, tôi cứ ngồi cười mãi. Tôi nhớ bà ngoại tôi, một ngày mưa không đi chợ, bèn dỡ hũ dưa muối ra làm dưa trộn để ăn cơm. Cái sang trọng của bà ngoại tôi bằng cái sự đủng đỉnh vô sự của bà, cái vị ngon của miếng dưa gang muối bà tự tay làm đó, đắt gấp bao nhiêu lần cái tất bật ngựa xe quán xá của tôi?
2. Buổi sáng dậy đạp xe ra biển chơi. Cứ nằm yên đó trên bãi cát dài ngả màu vàng óng ánh. Những đốm mát rượi từ cát len lỏi vào da, mơn man trên da hòa theo gió biển. Chỉ cần nhắm mắt là nghe tiếng sóng, tiếng gió biển hòa vào nhau, vỗ về những mảng đau trong lòng còn sót lại. Cái mênh mông của biển cũng rộng lớn như sự mênh mông của vũ trụ này: kẻ thật lòng muốn được giản dị hạnh phúc, sẽ được giản dị hạnh phúc. Cái giản dị đó ở quá gần: chỉ cần xòe tay ra là có.
- Xem thêm: Di sản Hội An: Con gà đẻ trứng vàng
Đi thăm biển buổi sáng có cái thú vị khác buổi chiều. Bình minh trên biển trong veo và hiền hậu, nhưng hoàng hôn trên biển thì mượt mà quyến rũ. Cái doi cát buổi sáng mát rượi, thì buổi chiều chuyển sang ấm hửng. Cũng nằm trên cát thôi nhưng nằm buổi chiều thì toàn bộ phần lưng được nâng đỡ, sưởi ấm bởi mặt trời: hơi ấm đã hun nóng cát qua trọn ban trưa. Người đau trong tâm thì thường đau trong thân: cũng nhức mỏi, cũng kiệt quệ từng tế bào ở đó. Nhờ có biển mà toàn bộ các giác quan của kẻ đớn đau sẽ phục hồi trở lại, từng chút một.
Cẩn thận với cái gió mơn man dọc đường ra biển. Nó dễ khiến người ta cười tủm tỉm hoặc toét miệng ra cười chẳng vì lý do gì cả. Nó sẽ khiến người đạp xe đối diện tưởng đang trông thấy một kẻ ngố, hoặc là kẻ hạnh phúc nhất thế gian. Mà không chỉ cái gió. Cái sóng, cái hoa xuyến chi, cái đồng lúa chín, những con đường bé xíu màu vàng phủ rêu: tất cả chúng đều có thể là thủ phạm.
Người ở Hội An một tuần thôi sẽ khác. Đừng nói gì xa xôi.
3. Có vùng đất nào mà biển liền đồng, đồng liền phố. Có vùng đất nào mà đi bộ bất kỳ đâu cũng có thể “rụng tim” dọc đường, khoảnh khắc nào cũng có thể là khoảnh khắc tuyệt đẹp. Có vùng đất nào mà người già bắc ghế ra hiên ngồi dưới giàn hoa giấy thôi cũng đủ khiến người ta soi chiếu lại cuộc đời. Có vùng đất nào mà ngay cả trong mùa lũ cũng đẹp tới nao lòng. Có vùng đất nào mà lũ qua rồi người ta vẫn cười hớn hở như thể chuyện thường ngày, chẳng có chi đáng kể. Có vùng đất nào mà ai tới cũng được đối xử như nhau: đã đi bộ rồi thì có tiền trăm, tiền triệu hay tiền tỷ cũng có gì khác nhau?
Họ nói người nào dễ thì người ấy lành. Vùng nào dễ thì vùng ấy cũng lành. Nhưng vùng này mới là lạ nhất: nó làm lành lặn cả những người tổn thương sâu nặng nhất. Đó là lời của một người phụ nữ đến từ bên kia bán cầu, đã đến Hội An nhiều năm trước và ở lại nơi này sau cú rơi nặng nề của cuộc đời, kể cho tôi nghe.
nh bạn tôi hỏi vì sao “anh hùng hào kiệt” tự dưng kéo nhau về Hội An nhiều như vậy? Tôi trộm nghĩ, có thể vì vùng đất này có khả năng chữa lành chăng?