Từ ngàn xưa, dân gian ta đã có những trò chơi tươi đẹp, thanh cao vừa thể hiện được niềm vui sau những giờ phút lao động, vừa biểu thị tình yêu hòa bình, tinh thần thượng võ, đoàn kết cùng nhiều quan niệm nhân ái. Không chỉ vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, mọi người lại tổ chức thành các hội thi, hòa vào không khí đón xuân và Tết, khiến cho đất trời nơi nào cũng rộn ràng tiếng cười mê say.
Ai nấy đều có thể tham gia trổ tài, vì từng người luôn có những trò chơi riêng của mình. Chẳng hạn như trẻ thơ thì có nhảy cóc, nhảy ngựa, bịt mắt bắt dê, trồng nụ trồng hoa, kéo co – ô ăn quan…, phụ lão có cờ người, cờ vây, thả diều, thả chim, tỉa hoa cây cảnh – tạo hòn non bộ… trong khi nữ nhi có thổi cơm thi, nấu cỗ ngon, cấy lúa giỏi, têm trầu cau, đẽo gọt quả, bắt gà vịt…, còn trai tráng có đấu vật, chèo thuyền, đả cầu, cướp cờ, đi cầu kiều, bắt lợn dê…, đồng thời là nhiều trò chung phồn thực – giao lưu thân thiết như bắt chạch chum, đu tiên, đập niêu, hát hội, chạy hóa trang, đóng sĩ nông công thương… Dù là gì, chúng cũng xả đi những nhọc mệt, mang lại sự tự tin, hoan hỉ, yêu đời và cầu mong quốc thái dân an.
Có cả trăm trò chơi của trẻ thơ được thấy trong dịp Tết, hội xuân do nội dung mỗi trò đều khá nhẹ nhàng, đơn giản phù hợp với suy nghĩ, độ tuổi của trẻ. Cái gì con nít cũng có thể đưa thành trò chơi, từ bắn bi tới đánh đáo, ném lon, nhảy dây, nhảy lò cò, kéo cưa lừa xẻ… và hay thấy nhất là trò nhảy cóc, do cóc là cậu ông trời, và em nhỏ nào cũng thích được chiều chuộng.
Hơn thế, cóc rất gần gũi với dân gian, đi một vòng quanh vườn, đồng ruộng tới đâu cũng thấy sinh vật này ngồi chễm chệ; khi ngồi thì rất vững chãi, kiên cố có thể cho nhau leo bám thành đống, còn lúc di chuyển thì bay nhảy rất xa, ngộ nghĩnh. Lấy cảm hứng từ đây, trẻ em đã có trò nhảy cóc, trong đó hai bé hoặc một nhóm trẻ sẽ thi đua xem ai nhảy về đích trước. Đầu tiên, các em sẽ oẳn tù tì, ai thắng thì nhảy, thế nhưng phải làm điệu bộ của cóc, ấy là ngồi xổm, chụm chân mà nhảy.
Nhảy được một bước, lại oẳn tù tì tiếp và không được để tay, không đụng chạm xuống đất, cũng không được ngã, nếu có sẽ phải trở về vị trí ban đầu. Cuối cùng, người về đích trước sẽ được người thua cõng chạy một vòng. Trò chơi ca ngợi sự hồn nhiên, thích nghịch ngợm, nhí nhảnh của tuổi thơ.
Trong rất nhiều trò vui của người già, tiêu biểu vào xuân là trò cờ người, với hai cụ già chơi một ván cờ tướng, song ngoài bàn cờ tướng, ở sân đình gần đó còn có sự góp mặt của 32 người, gồm 16 nam, 16 nữ vận triều phục, cầm bảng tên và đứng trên sân theo các thứ tự của tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt và chỉ đợi lệnh từ hai cụ thì xung trận. Hai cụ sẽ cầm cờ đỏ, trỏ ra sân chỉ huy từng người tiến lui, đấu đá.
Trò chơi lấy cảm hứng từ một trận đấu long trời lở đất giữa hai nước ngày xưa, và đến nay được rút gọn chỉ còn 32 quân, gồm cả tướng ông và tướng bà. Nó sẽ kết thúc khi một vị tướng bị bắt, nhưng cũng khá lâu vì tướng được sẽ bảo vệ bởi khá nhiều hàng ngũ từ tốt đến sĩ. Cờ người nói chung là một trò chơi trí tuệ cầu kỳ và đủng đỉnh, thường kéo dài tới vài chục phút, tùy theo nước đi hay quyết định của “chủ soái”. Đây cũng là trò chơi được đầu tư hơn cả, do phải cần đến từng ấy người, ăn mặc chỉnh tề quần áo của lính, quan văn, quan võ và nhiều khi còn biết võ thuật, khi đến lượt thì ra đòn, múa may lôi cuốn.
Đa số các trò chơi của nữ giới đều xuất phát từ sự khéo léo, tỉ mỉ, bài trí đặc sắc của phụ nữ. Mà đáng kể là trò thổi cơm thi (xưa để nuôi quân và cần nấu thật nhanh, không bị hao (cháy, khét, khô hay nhão) phục vụ vạn người. Những tưởng thổi cơm như vậy cũng dễ, song thổi cơm thi ở đây các bà, các chị phải gánh nước từ xa, rồi giã thóc, sàng sảy kỹ lưỡng, khi vo gạo xong thì nổi lửa nấu cơm.
Lửa là những bó đuốc bằng rơm cháy rất nhanh, khiến cơm dễ bén, nhưng lại chóng tàn, nên luôn phải nhóm. Có nơi, người ta còn cho thí sinh vừa gánh niêu cơm, vừa nổi lửa bên dưới, gây khó khăn hơn, vì nếu lửa cháy không đều cơm sẽ sượng. Hoặc nấu cơm trên thuyền, nấu cơm từ bã mía trong một thời gian quy định. Chưa hết, cơm phải được xới ra bát đầy đặn, hoặc vê thành nắm xinh xắn và khi ăn phải ngọt ngào, dẻo thơm, mềm dính như xôi, cho thấy nấu một “chút” cơm cũng thật công phu.
- Xem thêm: Cánh diều mơ ước
Nam giới có sức vóc cường tráng, nên thường chọn chơi những trò vui mạnh mẽ, tốc độ, và đơn cử là trò đấu vật khoe diễn thể lực. Trò này đã có từ rất lâu trong các cuộc khai hoang mở đất, khi mọi người phải vật lộn với thú dữ cũng như chiến đấu tay không nhằm bảo vệ gia đình trước kẻ địch. Nội dung của nó là hai đô sĩ sẽ lao vào nhau, dùng tay để trói buộc, lật ngửa hoặc nhấc bổng đối thủ.
Thế nhưng, trước đó mỗi anh phải xe đài, múa những thế võ tinh túy, uyển chuyển để tạ ơn thành hoàng đã dựng lên mảnh đất này, tri ân tổ sư đã dạy võ cho mình và chào đón khán giả tới xem. Sau màn chào hỏi, buổi tỉ thí bắt đầu, có người lao vào ngay để ôm, song có người lại vờn đuổi và dùng các kỹ thuật độc đáo như đánh miếng sườn, ghì nhấc… để loại bỏ người kia, và họ sẽ dành chiến thắng khi một người bị vật ngã ngửa, lấm lưng, hai chân rời khỏi mặt đất.
Để tăng thêm khí thế, thúc giục các anh sớm ra đòn hiểm hóc hay tạo sự gay cấn, hồi hộp, bên sới vật và khán đài luôn vang tiếng trống đánh thình thịch. Do trai tráng phải thể hiện hết mình sự trí dũng, nam tính, nhất là sức khỏe, nên vào xuân và Tết trai trẻ các làng đều rủ nhau đấu vật, trước là để xem ai khỏe hơn ai, sau là thu hút bạn gái.
Trong các trò vui, vật là trò chơi khỏe nhất, nam tính nhất, có ý nghĩa để rèn luyện thể chất, ý chí nhằm lao động và bảo vệ đất nước. Trong trò này, không có trai hèn yếu nên dù thắng hay thua đều thu hút bạn khác giới. Để ai cũng có cơ hội khẳng định mình, mỗi đô sĩ thường được đấu 3 keo (3 hiệp).
Ngoài võ vật, thanh niên cũng có trò đua thuyền, là một môn thi tập thể cần phối hợp rất thuần thục các tay chèo nam. Hoạt động chèo thuyền là hoạt động liên quan tới nước, nên ai nấy còn phải cực giỏi bơi lội, ngụp lặn. Nhằm cảm tạ thủy thần đã ban mưa thuận gió hòa, đi lại an lành trên sông biển, từ xưa, người Việt đã có trò bơi chải, dùng những con thuyền hình thoi dài thòng, gọi là chải để lướt trên sóng. Một thuyền có khoảng 20 người chèo, chưa kể một người lái, cũng có thể là người đánh trống, gõ chiêng điều lái.
Ở miền Nam và Trung, bà con ta có trò đua ghe go, thuyền thúng mà ý nghĩa cũng là thi chèo về đích. Mỗi đội thường mặc hoặc sơn cho thuyền một màu và đợi khi có hiệu lệnh thì phóng đi. Do thuyền có mũi nhọn rẽ sóng và gió rất tốt, cộng với hàng chục tay chèo đều đặn, chỉ sau ít phút chúng đã cán đích. Riêng với thuyền thúng vì là một cái thúng to hay xoay tròn, khó điều khiển nên người thi luôn phải ngồi gập mình một phía mà lái. Bên cạnh bơi chải trên nước, ở nhiều nơi cũng có bơi chải trên cạn, và vì sức ỳ của nước lẫn đất, ai nấy phải hò hay hét, tiếng hát vang lừng nghe thật ấm áp, dễ thương.
Nói đến tiếng động thì phải nhớ tới đả cầu, một trò vui rất quen thuộc ở nhiều làng quê Việt Nam. Vì nhà nông trông vào trời nắng (mặt trời), cũng cậy vào trời mưa (mặt trăng), nên người xưa đã nghĩ ra một quả bóng giả mặt trời, đặt vào một hố sâu (mặt trăng) và cho tung hứng nó để nắm thời tiết. Trò chơi này cũng thuộc về nam giới vì có rất nhiều cú bật, ngã, thúc, xô đẩy mà chỉ phái mạnh chịu nổi.
Đại thể vào ngày tế xuân, sau khi cúng thần, mọi người sẽ kéo ra sân đình hoặc một thửa ruộng của làng, tại đó có một cái chiếu hoặc một cái hố đặt một quả cầu bằng gỗ – quả phết sơn đỏ hay một quả bòng, quả dừa to, đường kính 35cm-50cm. Trai làng sẽ chia làm 2 đội đông – đoài, đứng ở 2 phía sân, khi chủ lễ cầm cờ phất hay hô to: “Cầu cho mùa vụ bội thu, tứ thời tươi tốt, người an vật thịnh thì lao ra giữa sân hẩy quả cầu lên, hứng về.
Đội nào mang được về, đội ấy thắng”. Song đâu có dễ như thế, vì như một trận bóng chuyền, nó luôn bị bật ra khỏi tay các cầu thủ bởi những cú đẩy, giành giật của đối phương, thành thử cứ bay từ chỗ này sang chỗ nọ như bị đá trên không. Với việc đặt nó ở dưới lỗ, tung lên hạ xuống, dân gian muốn nói tới sự giao hòa âm dương, thời tiết giúp cho mọi thứ sinh sôi, nảy nở. Và về ý nghĩa giải trí, thì do chơi ở bãi sình lầy, nên người chơi cứ như được sơn phết bằng bùn, tạo nên những tiếng cười “vui như Tết” cho mọi người có mặt.
Cướp cờ cũng là một trò chơi chủ yếu dành cho nam nhi, với việc hai đội từ hai phía reo hò, cùng xô đẩy lấy một lá cờ – ngày xưa là cờ lệnh có tác dụng hiệu triệu, và hôm nay là biểu tượng của tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Khi một người đã rút được lá cờ ấy ra khỏi cột cờ, những người khác thuộc đội khác sẽ đuổi theo anh giật lại, và để bảo vệ cho anh, đồng đội sẽ phải ngăn cản họ vì nếu bị họ đập vào tay cuộc thi sẽ lại tái diễn từ đầu, cứ thế kéo dài nhiều hiệp.
Đi cầu kiều hay cầu tõm tuy cũng của thanh niên, song lại cần sự tinh tế ở bàn chân, việc đi lại nhẹ nhàng, khôn khéo, lò dò cẩn thận. Để chơi trò này, một thân tre được ngã xuống ao, song chỉ neo giữ một đầu trên bờ, còn đầu kia để trống. Cũng có trường hợp đầu này được buộc vào một sợi dây thòng xuống từ một ba choạc giữa ao, và dù ở dạng nào khi dẫm chân lên đó, cây cầu cũng run bần bật, chòng chành, lắc lẻo. Ở cái đầu lắc lư ấy, người ta cắm một lá cờ hoặc treo một số lễ vật làm phần thưởng, ví dụ như xôi gà, thủ lợn, vịt quay, và những ai muốn chúng thì hãy leo ra đó mang về, miễn là đừng để bị tuột xuống ao. Phần lớn người chơi đều bị ngã ùm khi còn chưa ra tới nửa cây cầu.
Để có cỗ dâng cúng thần thánh, vào xuân, miền Bắc thường có trò chơi bắt lợn, huy động cả làng đuổi theo một con lợn thả rông ngoài đồng, ngõ xóm. Thông thường, chỉ nam giới mới bắt nổi nó vì con vật rất khỏe, húc như điên và nặng tới cả tạ. Dĩ nhiên, phần thưởng chỉ thuộc về một người hoặc một đội biết thu phục nó, nên trai làng tranh nhau đuổi, có lúc tóm được nó rồi, song vì sức giãy dụa của lợn lại bị tuột tay.
Gần giống trên, trò đả sàn tranh heo tại miền Nam lại tranh con vật đã được bắt hoặc một con heo quay chín đỏ đặt trên mâm cỗ. Đây là một trò chơi khá đặc biệt vì thường diễn ra trong võ phường. Cuối năm, đầu xuân, nhân lễ khai trương, người ta sẽ dựng một cái sàn nhốt một con lợn và sau khi cúng tế xong, lấy dao chặt đổ sàn để nó rơi xuống, và nhiều người nhảy ra vồ, song vì biết võ họ còn giao đấu, giành lấy con vật trên tay nhau.
- Xem thêm: Chơi xuân, lo tết
Ở các trò chơi có cả nam lẫn nữ, bắt chạch chum có lẽ là trò chơi gợi nhiều xúc cảm nhất do những con trạch lúc nào cũng trơn tuột, còn thời gian của thí sinh thì gấp gáp. Nhằm có trò này, làng cho chuẩn bị trước sân đình dăm, bảy cái chum thả những con chạch lúc nhúc, và để từng đôi trai gái ôm cổ nhau, mỗi bên chỉ dùng một cánh tay bắt chạch. Đôi nào bắt được nhiều nhất sẽ có trọng thưởng, ví dụ như một xâu bánh chưng, một cái giò luộc ăn mấy ngày Tết.
Các đôi uyên ương do vậy thường dự thi, song cũng có người chẳng quen biết gì vì phần thưởng vui cũng nhắm mắt “đưa tay” vào chơi; chạch chưa bắt được, đã vớ phải tay nhau mà đỏ mặt lên, chưa kể có anh còn cố tình nắm lấy tay bạn hồi lâu. Cô gái càng giãy thì vì ôm cổ chàng trai càng bám dính vào anh, không giấu nổi sự thẹn thùng trước bao người. Qua trò chơi phồn thực này, tựa như một cuộc hôn phối hòa quyện giữa trời và đất – nam lẫn nữ, ai cũng mong rằng, cuộc sống từ đây sẽ đầy tình yêu, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Bây giờ, cuộc sống có khác, vui Tết có nhiều trò mới lạ hơn, hợp với thời đại hơn. Do vậy, nhắc lại dăm ba trò chơi dân gian trong mấy ngày xuân về Tết đến của thời quá vãng để thêm nét vui trong ngày xuân vậy.