Trong Cô gái đồ long, Tạ Tốn đã dùng tuyệt chiêu “sư tử hống” để chọc mù mắt và làm điếc tai quần hùng tại vương bàn sơn, đoạt lấy đồ long đao. Có phải đó chỉ là chuyện hư cấu của Kim Dung? Tuyệt đối không! Các chuyên gia quân sự ngày nay đã khai thác loại vũ khí này đến mức kinh thiên động địa: từ giải tán đám đông biểu tình cho đến truy sát các nhà ngoại giao nước ngoài và bắn hạ may bay không người lái vũ trang, đi từng bầy nữa…
Khi cảnh sát dùng vũ khí âm thanh để trừng trị những người biểu tình
Nhà báo Cory Choy đang làm phóng sự về cuộc biểu tình của Phong trào Black Lives Matter (BLM) tại thành phố New York thì lần đầu tiên được “ăn nhừ đòn” từ vũ khí âm thanh của cảnh sát Mỹ. Anh kể lại: “Thật là kinh khủng! Toàn thân đau đớn và nôn mửa! Khi đó, tôi nghĩ là do âm thanh. Thoạt tiên, tôi chỉ tự hỏi: “Điều gì xảy đến với mình?”. Toàn thân đau nhức và kinh hoàng. Có cảm giác giống như nhìn thẳng vào Mặt trời. Dù có mang tai nghe chuyên nghiệp, Thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD) vẫn làm cho anh hoảng loạn, không biết chạy trốn theo hướng nào. Thật may mắn, Choy đã chạy đúng hướng. Người ở trong tầm bắn của nó không thể chạy nổi. Họ ngã quỵ xuống đất và hét lên.
Đụng phải phong trào toàn cầu chống bạo động của cảnh sát và bất công sắc tộc chưa từng thấy, lực lượng an ninh Hoa Kỳ đã phải lôi vũ khí âm thanh ra! Cái giống như một chiếc hộp ampli hay cái loa phóng thanh gắn trên xe cảnh sát hoặc gắn vào ngực của viên sĩ quan là một thiết bị quân sự hiện đại tạo ra sóng âm thanh làm rối loạn và gây chấn thương cho những người nằm trong tầm tác xạ của nó. Chúng có nhiều dáng vẻ và kích cỡ khác nhau, nhưng đều có chung hai khả năng: một là như chiếc ampli khuếch đại tiếng nói ra xa đến hàng ngàn mét. Hai là phát ra âm thanh kinh hoàng có thể làm cho điếc tai vĩnh viễn.
Giai đoạn đầu của vũ khí âm thanh
Hệ thống LRAD đầu tiên được chế tạo để làm vũ khí đáp trả cuộc đánh bom chiếc tàu chiến Mỹ USS Cole ở ngoài khơi Yemen vào năm 2.000. Các sĩ quan yêu cầu công ty LRAD (bây giờ là Genesys) chế tạo một thiết bị có hai chức năng: phát loa cảnh báo từ xa và xua đuổi đối phương bằng một âm thanh không thể chịu nổi. Chẳng bao lâu sau, nó đã lọt vào tay cảnh sát! Người biểu tình đã bị LRAD tấn công vào năm 2017, trong ngày Phụ nữ đi bộ đến Washington tại Standing Rock và hàng chục thành phố khác trên toàn thế giới.
Trong suốt nhiều tuần lễ, khi cả thế giới vùng lên biểu tình chống cái chết của George Floydd do cảnh sát Minneapolis gây ra vào ngày 25.5.2020, nhiều lời tố giác tràn lan trên mạng xã hội là cảnh sát đã dùng đến LRAD. Kỹ sư Marisa Ewing-Moody cảnh báo trên Twitter: “Nó thực sự là đại bác âm thanh có thể làm cho con người bị điếc vĩnh viễn. Bất kỳ âm thanh nào vượt quá 85 décibel (dB) đều có thể gây ra tổn hại thính giác tùy theo thời lượng bị tấn công. Nói chuyện thông thường nằm trong khoảng 60-70 dB. Cổ động thể thao vào khoảng 94-110 dB. Một máy bay phản lực cất cánh nằm trong khoảng 120-140 dB. Nhưng LRAD có thể tạo ra âm thanh lên đến 160 dB!
Kỹ sư âm thanh Robert Auld, cảnh báo: “Đó là vũ khí khủng bố, tương tự như lựu đạn cay và súng bắn đạn cao su. Từ xa, âm thanh của LRAD nghe chỉ như tiếng còi báo động. Nhưng đó chỉ là trò chơi trẻ con dành cho người biểu tình”. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nghi mình bị vũ khí âm thanh tấn công, với những triệu chứng bất thường. Cao cấp hơn nữa là thiết bị bắn hạ máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Nó đã được bắt đầu triển khai tại các sân bay để bảo vệ an ninh.
Xua đuổi những người khách không mời
Từ năm 2016, các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã mắc phải một chứng bệnh thần kinh bất thường: chóng mặt, mất phương hướng, nhức đầu, giảm trí nhớ. Họ đều nói mình nghe trong đầu tiếng vi vu kỳ lạ. Một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật & Y học Quốc gia nói rằng có thể đó là do tác dụng của bom vi sóng. Một báo cáo khác của Bộ Ngoại giao tiết lộ đó là một âm mưu tấn công thực sự bằng vũ khí loại mới.
Năm 2016, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ trú đóng tại Tòa đại sứ ở Havana, Cuba, bắt đầu bị những triệu chứng bất thường từ khi họ nghe được những âm thanh lạ. Báo cáo của Bộ Ngoại giao viết, có đoạn: “Với một số nạn nhân, bệnh khởi phát từ khi nghe một tiếng ồn rất lớn, có thể biết rõ được hướng đến. Tiếp theo là đau một hay hai bên tai hay xuyên qua trán. Trong một số trường hợp, có cảm giác nặng đầu, lảo đảo, chóng mặt. Một số trường hợp bị hoa mắt, choáng váng, khó cảm nhận. Sau đó một năm, những người làm việc tại Lãnh sự quán Hoa kỳ ở Quảng Châu, Trung Quốc cũng bị những triệu chứng tương tự, với những mức độ khác nhau”.
Mặc dù nhiều triệu chứng sau đó biến mất, một số người lại báo mắc bệnh kinh niên như nôn mửa, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, mất nhận thức, suy giảm trí nhớ. 19 chuyên gia trong các lĩnh vực thần kinh, sinh lý, điện tâm đồ và nhiều lĩnh vực khác đang viết báo cáo mang tên Mắc bệnh của nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ và gia đình họ tại Các tòa đại sứ ở nước ngoài. Ủy ban cảm thấy nhiều hiện tượng rõ ràng và sắc bén, các triệu chứng và quan sát do các nhân viên Bộ Ngoại giao báo lại là phù hợp với tác động trực tiếp của năng lượng tần số vô tuyến – RF.
Báo cáo nói đến Alan Frey, người vào năm 1961 đã khám phá ra cái gọi là “Tác động Frey”. Ông phát hiện ra một vài tần số vô tuyến có thể dẫn đến tác động sinh lý nơi đối tượng được thử nghiệm. Thay đổi năng lượng RF có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau bao gồm: cảm giác bị đấm vào đầu hay đè nén lên mặt/đầu mà không gây ra chóng mặt hay nôn mửa, cảm giác kim châm, và âm thanh được mô tả là: kêu vo vo, lẻng xẻng, xèo xèo, hay như đập vào đầu.
Các triệu chứng này rất đúng với những kẻ bị tấn công lần đầu tiên.Báo cáo nói tiếp. Ai có thể thực hiện những tấn công này? Báo cáo được yêu cầu nói rõ nguyên nhân của triệu chứng, đã không nêu tên kẻ bị tình nghi. Nhưng một điều khả dĩ là người Nga!
Tấn công diễn ra một thời gian ngắn sau khi Chính quyền Obama tái lập quan hệ với Cuba năm 2016. Lịch sử cho thấy quốc gia này đã từng chịu ảnh hưởng nặng của Liên Xô, và sau này là Nga. Moscow kiên trì bảo vệ di sản lịch sử, từng can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria, vốn là đồng minh lâu đời của mình. Có thể là tình báo Nga lo sợ Cuba sẽ rơi vào quỹ đạo của Mỹ nên gây rối các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại La Havana. Chắc chắc Nga đã nghiên cứu kỹ thuật này và người ta ước đoán: họ đã có loại vũ khí không chết người cầm tay, được ngụy trang để khai thác tác động Frey.
Moscow đã từng quấy rối các nhà ngoại giao châu Âu bằng vũ khí RF trong năm 2016, sử dụng độc chất để thanh trừng các nhà đối lập chính trị vào năm 2018, trong đó có một người đã đào tẩu sang Anh cùng với đứa con gái của ông ta và đầu độc một thủ lĩnh đối lập vào năm 2020. Dù rằng Nga có động lực và phương tiện để làm những điều này, nhưng vẫn không có bằng chứng xác thực để kết án họ.
Không quân Mỹ đang sử dụng vũ khí siêu âm và laser ở nước ngoài
Không quân Hoa kỳ (USAF) đã gởi 3 Hệ thống Vũ khí Năng lượng Trực tiếp khác nhau để bảo vệ các căn cứ không quân ở nước ngoài. Các vũ khí HELWS, PHASER và THOR sẽ bảo vệ các căn cứ không quân chống lại tấn công của máy bay không người lái (drone), bắn hạ bất cứ chiếc nào rơi vào tầm sát thương của vi sóng hay tia laser. Nhằm đáp lại mối đe dọa trang bị vũ khí của các drone và những bầy đàn drones tấn công ngoài chiến trường.
3 loại đó là: Tia laser năng lượng cao (HELWS), Vi sóng năng lượng cao (PHASER) và Đáp trả tấn công chiến thuật năng lượng cao (THOR).
HELWS do công ty Quốc phòng Raytheon sản xuất, là hệ thống vũ khí tia laser gắn trên xe mọi địa hình Polaris MRZR. Tia laser được ghép chung với bộ cảm ứng hồng ngoại-quang học điện tử hiện đại nhằm dò tìm, phát hiện và theo dõi drone. Khi mệnh lệnh ban ra, tia laser nhắm vào mục tiêu, bắn hạ nó. Raytheon quảng cáo hệ thống có thể vận hành bằng dòng điện tiêu chuẩn 220 volt và bắn ra được hàng chục phát mới cần nạp điện trở lại. Hệ thống Multi-Spectral Targeting cũng có khả năng giám sát và theo dõi tương tự, được lắp đặt trên những chiếc drone MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper.
Vũ khí tiếp theo là năng lượng vi sóng PHASER. Cũng do công ty Raytheon chế tạo, đó là một radar vi sóng lắp đặt trên nóc thùng container tàu biển. Đó là khẩu súng pháo vi sóng năng lượng cao phát ra tần số vô tuyến sóng hình nón. Nó không đốt cháy drone bằng nhiệt, mà phá hủy mạch điện tử của nó bằng một luồng năng lượng bùng phát cực mạnh. PHASER chỉ cần một phần triệu giây để hủy diệt mạch điện của drone, làm cho nó rơi xuống đất. Bản chất hình nón của tia sáng có nghĩa là chỉ cần một xung điện duy nhất có thể đánh trúng rất nhiều drone cùng lúc ở giữa trời. PHASER rất tuyệt vời để tiêu diệt drone bay từng bầy!
Vũ khí thứ ba là Đáp trả tấn công chiến thuật năng lượng cao (THOR). Nó được phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân chế tạo để chống biển người. Thor cũng được lắp đặt trên container và chỉ mất khoảng 3 giờ chuẩn bị. Nó cũng vận hành bằng vi sóng năng lượng cao và chỉ tốn mất 19 triệu dollar để chế tạo.
Bị drone trang bị vũ khí tấn công, nhất là khi chúng bay thành bầy, là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của mọi lực lượng không quân trên toàn thế giới. Viễn ảnh một chiếc drone giá 300 USD bắn hạ một phản lực cơ chiến đấu giá 80 triệu USD là rất thật. Tháng 1-2018, quân nổi dậy Syria thả một bầy drone “rẻ bèo” tràn vào một căn cứ không quân Nga chủ chốt. Tất cả các drone này đều bị bắn hạ bằng sóng điện từ.
Không phát hiện kịp một bầy drone, tai họa dẫn đến là không nhỏ. Không quân Mỹ chưa từng bị drone tấn công theo bầy, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi, và họ muốn mình phải sẵn sàng khi nó xảy ra. 3 hệ thống vũ khí này sẽ phục vụ ở nước ngoài trong vòng 1 năm, và hồi hương vào năm 2021.