VPBank đặt mục tiêu giúp 50.000 tiểu thương chuyển đổi từ mô hình bán hàng truyền thống (offline) sang trực tuyến (online), để cùng duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp.
VPBank mới đây cho biết sẽ triển khai chương trình “Học viện Tiểu thương” trên toàn quốc từ ngày 14-4. Đây là khóa học miễn phí dành cho các tiểu thương, bao gồm khóa đào tạo trực tuyến và nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh.
Đối tượng tiểu thương bao gồm các cá nhân kinh doanh, nhà sản xuất nhỏ, các hộ gia đình,… Nội dung bao gồm những kỹ năng về kinh doanh online và kỹ năng quản lý kinh doanh, nhằm giúp các tiểu thương thích nghi với thói quen mua sắm thay đổi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời điểm cách ly xã hội hiện nay.
Còn đối với những tiểu thương đã có kinh nghiệm hoạt động trên môi trường online, “Học viện Tiểu thương” sẽ cung cấp các khóa học nâng cao với sự hỗ trợ của chuyên gia giúp nâng cấp khả năng vận hành chuyên nghiệp hơn.
Mục tiêu mà ngân hàng đặt ra là đưa được ít nhất 50.000 tiểu thương khắp cả nước chuyển đổi tập quán kinh doanh từ “offline lên online”.
Khảo của VPBank cho thấy có 100% tiểu thương sử dụng điện thoại thông minh và 80% tham gia mạng xã hội nhưng hầu hết chỉ dùng để giao tiếp và giải trí. Có đến 70% hộ kinh doanh cá thể chưa hề kinh doanh trên mạng chủ yếu do quá quen với cách bán hàng truyền thống, với lý do phổ biến là còn e ngại vì chưa được hướng dẫn kinh doanh online.
“Điều này lý giải tại sao đa số tiểu thương rất chật vật trong thời gian cách ly xã hội diện rộng diễn ra. Thậm chí, nhiều hộ thua lỗ nặng và đứng trước thách thức đóng cửa. Chúng tôi sẽ giúp họ trở thành những tiểu thương 4.0”, đại diện VPBank cho biết.
Trên thực tế, phân khúc nhóm khách hàng tiểu thương là phân khúc tiềm năng được nhiều ngân hàng nhắm đến. Theo báo cáo thường niên năm 2019, trong năm ngoái, VPBank đã sáp nhập Khối tín dụng Tiểu thương vào khối Khách hàng Cá nhân, hiệu chỉnh quy trình nội bộ, trong đó cắt giảm 65% nhân lực và tối ưu các chi phí hoạt động trực tiếp khác.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của ngân hàng vào đầu năm nay thì tỷ trọng tín dụng khối khách hàng cá nhân và tiểu thương trong năm ngoái chiếm khoảng 41%, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thì chiếm khoảng 17%.
Trong một khảo sát về tác động của Covid-19 lên hành vi người tiêu dùng Việt Nam vào cuối tháng 2, Nielsen cho biết đã có 45% người dân được hỏi nói rằng họ dự trữ thực phẩm nhiều hơn tại nhà và 50% giảm tần suất ghé thăm siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay chợ. Ngoài ra, có khoảng 25% số người được hỏi nói rằng họ đã tăng mua sắm trực tuyến và giảm các tiêu dùng ở ngoài đường. “Người Việt Nam hiện đang dành nhiều thời gian trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn”, đại diện Nielsen nhận định.