Con vọp to gấp hai, ba lần nghêu, vỏ ngoài cứng dày màu rêu, bên trong thịt dai và đầy đặn. Dọc các bãi bờ ven nhánh sông Cồn Cọc, Cồn Tròn (một nhánh Bát Xắc của dòng Cửu Long đã bị bồi lấp) thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, vọp sinh sống khá nhiều. Vọp thường tụ lại từng đàn, nằm vùi dưới lớp bùn, cát ở đáy sông, chỉ nhô lên trên một phần nhỏ.
Ở vùng quê, khi bắt vọp về người ta hay thả vào lu, mái chứa nước độ chục con để lóng nước trong, khỏi dùng phèn. Nhà có khách bất chợt thì vớt ra nướng làm mồi lai rai với vài chung rượu đế. Ăn vọp đơn giản nhất là luộc: rửa sạch vọp, cho vào nồi nước có ít lát gừng; nước sôi, vọp vừa hé miệng thì nhắc nồi xuống vì để lâu trên bếp sẽ teo thịt. Nước vọp để lắng, húp rất ngọt. Gỡ thịt vọp còn nóng chấm muối tiêu chanh. Hoặc nấu canh chua lá me non (với nước luộc vọp), nêm hành lá, rau quế, thịt vọp chấm nước mắm ớt hay mắm ruốc, ngon thơm.
Bọn trẻ con có kiểu ăn của chúng: vọp được chất lên cái mô rơm rồi đốt nướng. Dân đi rừng hay đem theo muối tiêu, chanh để ăn vọp. Họ cắm miệng vọp xuống đất san sát nhau rồi chất chà khô bên trên đốt một lúc. Vọp bị nén trong đất nên không hé miệng được, người ăn thưởng thức thêm phần nước vọp rất ngon.
Cách ăn này gọi kiểu bình dân là “vọp chông” vì cắm vọp xuống đất giống như… cắm chông. Thông thường người ta đốt lò than rồi kê vỉ, xếp vọp lên nướng. Vọp hé miệng, chế thêm tỏi mỡ phi thơm vào, có người chế nước chao, có người chế nước mắm… là có vọp nướng chao hay vọp nướng nước mắm, món nào lai rai với rượu đế cũng đã đời!