Giá như ‘Thái hậu Dương Vân Nga’ được diễn liên tục 10 suất, bản dựng mới này sẽ khác lắm. Biết đâu vở diễn có thể sẽ làm nên chuyện và là một dấu ấn khó quên của SK cải lương dịp Kỷ niệm 100 năm…
“Đừng ai bắt dân ta phải cúi đầu khuất phục vì Tổ Quốc ta không chịu nhục bao giờ” – Khí thế hừng hực chống giặc Tống xâm lăng của Thái hậu Dương Vân Nga và đất nước Đại Cồ Việt cách đây hơn 1000 năm một lần nữa được kể lại, vẫn đầy ắp hào khí trong bản dựng Thái hậu Dương Vân Nga mới nhất của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ.
Cách đây gần 40 năm, có đến 7 bản dựng của vở Thái hậu Dương Vân Nga được đồng loạt công diễn, trở thành một sự kiện văn hoá đặc biệt ở thời điểm bấy giờ. Thái hậu Dương Vân Nga khi ấy là lời khẳng định: “Đất này có chủ, nước này có vua” và trong dòng máu của mỗi người Việt Nam luôn luôn cháy bỏng ý chí kiên cường, bất khuất.
Dẫu “Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!”
Ở buổi ra mắt vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (bản dựng mới của ĐD NSƯT Hoa Hạ tối 6-5), rất nhiều lần những tràng pháo tay đã vang lên sau những câu thoại như nói thay suy nghĩ, tinh thần của người Việt Nam: “Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt – Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vang mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!”
Bao đời nay, người Việt Nam vẫn vậy, không khuất phục và không lùi bước trước kẻ thù, bởi như lời tướng quân Lê Hoàn: “Nếu hôm nay ta nộp Long bào, ngày mai giặc sẽ đòi ta nộp sơn hà xã tắc. Chừng đó giang sơn Đại Cồ Việt sẽ bị chà đạp dưới gót giặc ngoại xâm. Rồi ngày kia dân của ta sẽ phải lên rừng thẳm tìm trầm, xuống biểm sâu mò ngọc”.
Giao nộp Long bào để đối lấy sự yên bình hay quyết một lòng chiến đấu, đánh đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dường như không còn là việc riêng của Thái hậu và các đại thần ở bối cảnh cách đây hơn 1.000 năm, đang được kể lại trên sân khấu, mà cũng là suy nghĩ của người Việt hôm nay, của những khán giả đang ngồi dưới khán phòng. Những tiếng vỗ tay không dứt khi Thái hậu quyết định không giao nộp Long bào- bởi “Long bào tuy là gấm lụa mong manh nhưng là uy quyền của xã tắc”.
“Giang sơn là của chung trăm họ! Người anh hùng hào kiệt không thể dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện muôn nhà” – Những câu thoại không bao giờ xưa cũ với thời gian, luôn đầy ắp những bài học “hãy sống tử tế” cho mọi đối tượng, thành phần trong xã hội ngày hôm nay.
Có lẽ đã lâu lắm khán giả mới được xem lại một vở diễn với câu thoại, lời ca như chính tâm can của mình muốn gửi đến những kẻ đang lăm le dòm ngó vùng biển Việt Nam.
Nỗ lực và quyết tâm của ê-kíp mới
Vẫn bám sát kịch bản gốc của tác giả Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân (phỏng theo kịch bản chèo của tác giả Trúc Đường) nhưng bản dựng mới của ĐD NSƯT Hoa Hạ gọn gàng và có tiết tấu nhanh hơn, phù hợp với tâm lý và nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay.
Khác biệt lớn nhất của 2 nhân vật Đinh Điền, Nguyễn Bặc so với một số bản dựng trước đây là mọi kế hoạch, sự phản kháng của Đinh Điền, Nguyễn Bặc với Thái hậu Dương Vân Nga đều xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân và quyết tâm bảo vệ ngôi vị cho dòng họ Đinh. Đều là những bậc công thần, những người có công với nước, nhưng sự đối nghịch của Đinh Điền, Nguyễn Bặc chỉ là sự khác biệt trong quan điểm về cách đối đầu với giặc Tống xâm lược và quan niệm về sự trung quân, ái quốc.
Lần đầu tiên đảm nhận một vai diễn khá nặng ở sân khấu cải lương, diễn viên Đại Nghĩa đã không làm người xem thất vọng. Không sở hữu một giọng ca hay, nhưng đổi lại, Đại Nghĩa có đầy đủ nội lực để thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của Đinh Điền. Bắt cóc Ấu chúa để ép Thái hậu trao Long bào cho giặc, Đinh Điền cũng có nỗi niềm riêng.
Câu thoại: “Ta có làm gì thì âu cũng chỉ vì cơ nghiệp của dòng họ Đinh” của Đinh Điền nghe chất chứa nỗi niềm. Vì vậy, trong tình thế khi Thái hậu và muôn lòng dân “quyết chiến”, dẫu Đinh Điền chỉ muốn “hoà” thì khán giả vẫn cứ yêu thương các bậc công thần đó, bởi họ cũng vì nước, vì dân mà quên mình, mà dám phạm trọng tội có thể bị bêu đầu.
Xuân Trang, con trai kép độc Minh Châu, trở lại với cải lương với vai Nguyễn Bặc – vai diễn phức tạp hơn nhiều so với vai Phạm Hạp của cha anh trước kia. Lên sân khấu cải lương cùng cha và mẹ (NS Thanh Xuân) từ khi mới mới tuổi, hiện lại là gương mặt chuyên đảm nhận những vai diễn tính cách ở sân khấu Hồng Vân, Xuân Trang không quá khó khăn để trở thành Nguyễn Bặc.
Cùng với Đinh Điền – Đại Nghĩa, Nguyễn Bặc – Xuân Trang đã mang lại nhiều thú vị cho khán giả cả về khả năng thể hiện của những “người lạ” ở sân khấu cải lương và góc nhìn, cách xây dựng nhân vật của đạo diễn.
Trong tiết tấu chung, những lớp diễn cảm xúc của Thái hậu Dương Vân Nga cũng được đẩy nhanh hơn, nhưng không vì vậy mà nỗi đau trước chuyện nhà, vận nước của Thái hậu bị xoá mờ. Đây là một trong những thách thức không nhỏ với NS đảm nhận vai Thái hậu Dương Vân Nga, và NSƯT Phượng Loan đã vượt qua được thử thách đó.
Trong khẩu lệnh xuất binh, có cả thần thái của người đứng đầu muôn dân, vừa có cả nỗi đau của một người mẹ phải tạm quên nỗi đau mất con để đau với nỗi đau của bậc mẫu nghi thiên hạ trước vận mệnh của dân tộc, nước nhà: “Ta nguyện không thể để thương đau làm thành tiếng khóc, mà trái lại ta sẽ biến hận thương đau thành lửa căm hờn tiêu diệt kẻ thù, mang lại thái bình, an vui cho trăm họ. Đừng ai nhân danh tình riêng nhốt trái tim vào bể đông nước mắt và ai kia cũng đừng mong bắt con ta là có thể làm nhục được ta”.
“Thái hậu” Kim Ngân – nỗi lo được giải toả
Những lo lắng về Thái hậu Dương Vân Nga ở hai màn sau ít nhiều đã được giải toả. Chưa phải là một vai diễn xuất sắc, nhưng Thái Hậu Dương Vân Nga cho thấy nỗ lực vượt bậc của NS Kim Ngân- cô đào mang trong mình dòng máu của nghệ sĩ Kim Ngọc và anh kép Hoàng Long. Vì điều kiện riêng, Kim Ngân đã có một khoảng dừng khá lâu, nhưng khi cuộc sống ổn định, chị đã quay trở lại với đam mê của mình.
Ước mơ làm một vở diễn cải lương nghiêm túc, NS Kim Ngân bàn bạc với đạo diễn NSƯT Hoa Hạ chọn Thái hậu Dương Vân Nga. Dù bỏ tiền túi làm vở, nhưng Kim Ngân chỉ “nhắm” Kỳ Hoa- vai diễn mẹ chị đã diễn cách đây gần bốn mươi năm trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang. Nhưng, được sự khuyến khích của đạo diễn Hoa Hạ, chị đã chấp nhận thử thách.
Theo dõi NS Kim Ngân từ sàn tập, rồi buổi phúc khảo và đêm công diễn sẽ thấy nỗ lực, đam mê và thái độ làm nghề nghiêm túc của cô đào không buông bỏ ước mơ. Có những ánh mắt thất vọng với Dương Vân Nga – Kim Ngân ở buổi phúc khảo, bởi cô thiếu những khoảng lặng, thiếu uy quyền cần có cuả một Thái hậu nhiếp chính.
Sẵn sàng đón nhận những ý kiến góp ý, chỉ có chưa đầy 2 ngày để điều chỉnh, nhưng Thái hậu Dương Vân Nga – Kim Ngân đã có một diện mạo mới, đủ để khán giả tin vào thần thái và những nỗi niềm của một bậc mẫu nghi thiên hạ trong bối cảnh rối ren của đất nước thời điểm bấy giờ. Lần đầu tiên thử thách với vai diễn rất khó, nhưng NS Kim Ngân đã được đón nhận.
Xem Thái hậu Dương Vân Nga, chợt chạnh lòng với những người làm cải lương xã hội hoá hiện nay. Không chỉ nặng gánh chuyện cơm áo, gạo tiền, việc quy tụ được các diễn viên cho vở diễn cũng không đơn giản. “Gánh hát” xã hội hoá không nuôi được nghệ sĩ, tập luyện cả tháng chỉ để diễn hai suất, vở diễn, vai diễn có hay cũng khó có sức hấp dẫn nghệ sĩ. Không phải chỉ là chuyện tiền cát-sê mà còn là áp lực từ khán giả khi xem lại những vở cải lương kinh điển.
Thời gian tập luyện ngắn, giờ tập, ráp với sân khấu biểu diễn không nhiều. Rồi sau 1, 2 suất diễn, NS chưa kịp ổn định, chưa kịp điều chỉnh nhân vật… thì vở diễn đã khép lại, cất kho. Ngay cả nghệ sĩ tài năng, việc khẳng định mình với vai diễn mới, chỉ sau vài suất diễn cũng là điều không đơn giản.
Giá như Thái hậu Dương Vân Nga được diễn liên tục 10 suất, bản dựng mới này sẽ khác lắm. Biết đâu chừng vở diễn này có thể sẽ làm nên chuyện và sẽ là một dấu ấn khó quên của SK cải lương xã hội hoá dịp Kỷ niệm 100 năm…
Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ:
Khi dựng những vở tuồng lịch sử, tôi luôn quan tâm đến “diện mạo quốc gia” và văn hoá dân tộc trên những bộ phục trang của các nhân vật lịch sử. Khi Đinh Tiên Hoàng đã xưng đế, Đại Cồ Việt đã trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ và khi đó đã tự do giao thương với các nước, do vậy, trang phục của người Đại Cồ Việt chắc chắn sẽ không thua kém so với các quốc gia khác.
Hơn nữa, Thái hậu nhiếp chính vẫn phải thiết trều, vẫn phải gặp các tướng lĩnh, giao hảo với các nước, tôi cho rằng trong các trường hợp này Thái hậu không thể chỉ mặc 1 bộ đồ tang vì vua Đinh đã mất 8-9 tháng và nghi thức, hình ảnh của Thái hậu cũng là bộ mặt của quốc gia, đất nước.
Về mặt hiệu quả sân khấu, tôi mong muốn khán giả, nhất là những khán giả trẻ đến xem cải lương có thể thoả mãn cả phần nghe lẫn phần nhìn. Nhưng không có nghĩa phần trang phục sẽ được thực hiện theo cảm tính. Những bộ phụng bào của Thái hậu Dương Vân Nga được bộ phận thiết kế nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên các tài liệu lịch sử, với mong muốn có thể đạt được độ chân thật và phù hợp nhất với bối cảnh lịch sử của vở diễn.