Vietjet lên sàn cuối tháng 2-2017 ghi nhận một bước phát triển mới của hãng hàng không tư nhân tăng trưởng thần tốc này.
Sự kiện Vietjet lên sàn không chỉ gây tiếng vang đối với thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao Vietjet, có gần 30 định chế tài chính và quỹ đầu tư quốc tế rót vốn vào hãng hàng không này, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Eaton Van, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital… Vietjet là trường hợp đầu tiên của Việt Nam chào bán cổ phần ra quốc tế theo các quy chuẩn toàn cầu.
Thực tế với một số quỹ đầu tư, chiến lược rót vốn chỉ chọn cổ phiếu niêm yết hoặc có lộ trình niêm yết rõ ràng. Do đó việc cổ phiếu Vietjet lên sàn HoSE đồng thời cam kết minh bạch hóa thông tin sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho hãng hàng không này trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Ông Jasper Reiser – Giám đốc điều hành khối Thị trường vốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BNP Paribas, cho biết Vietjet đã đi tiên phong trong việc IPO theo chuẩn quốc tế (Reg S), điều này góp phần phát triển tích cực cho toàn bộ thị trường vốn của Việt Nam. Thành công của sự kiện này sẽ thu hút hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa, hỗ trợ các công ty trong nước thực hiện kế hoạch thu hút vốn của họ.
Các nhà đầu tư với các mục tiêu khác nhau đều tìm được giá trị khi đầu tư vào Vietjet. Cổ phiếu Vietjet kể từ ngày giao dịch thứ ba luôn nằm trong Top 10 về giá trị giao dịch trên sàn HoSE. Tính tại thời điểm ngày
10-3-2017, cổ phiếu Vietjet đã tăng hơn 45% kể từ khi chào sàn và tăng hơn 51% so với giá chào bán cho các nhà đầu tư vào tháng 12 năm ngoái. Mã cổ phiếu Vietjet lập tức trở thành bluechip trên sàn HoSE.
Vietjet đã trở thành “câu chuyện cổ tích” trong ngành hàng không Việt Nam với mức tăng trưởng thần tốc kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12-2011. Hãng hàng không này đã mang lại cơ hội cho rất nhiều người dân Việt Nam lần đầu tiên sử dụng phương tiện máy bay và hỗ trợ cho ngành du lịch, đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Với lợi thế mô hình hàng không chi phí thấp, sử dụng nguồn vốn hiệu quả để mở rộng đội bay mới, hiện đại, đồng nhất và phương thức quảng bá thương hiệu đã tạo nên dấu ấn cho Vietjet. Hiện nay, chỉ có 0,8% dân số sử dụng máy bay làm phương tiện di chuyển trong khi tốc độ tăng trưởng khách di chuyển bằng đường hàng không trong năm 2016 đạt mức gần 30%. Do đó dư địa để phát triển của Vietjet vẫn còn rất lớn.
Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Vietjet đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành hãng hàng không lớn mạnh, tầm vóc quốc tế, là hình ảnh đẹp đẽ của đất nước Việt Nam đổi mới hội nhập, là minh chứng sống động của chính sách mở cửa thị trường, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đóng góp cho ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, du lịch cho các địa phương”.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) Vietjet được đánh giá cao dựa trên việc thị phần của hãng hàng không này đang tăng nhanh. Chỉ trong vòng năm năm thị phần của Vietjet đã tăng từ con số 0 lên 41%. BVSC cho rằng thị phần của Vietjet sẽ ngày càng mở rộng dựa trên tốc độ đầu tư đội bay của hãng này trong những năm tới.
Sự phát triển của Vietjet không dừng ở đây. Mục tiêu của Vietjet là trở thành một hãng hàng không đa quốc gia chứ không chỉ là hãng hàng không nội địa. Vietjet có tham vọng sẽ trở thành một “Emirates của châu Á”. Việc đầu tư mạnh mẽ cho đội bay mới – dự kiến đến năm 2020 đội tàu bay của Vietjet có gần 100 tàu bay mới và hiện đại nhất thế giới – giúp hãng hàng không này phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng đường bay quốc tế bao gồm cả chiến lược hợp tác với các hãng hàng không lớn trên thế giới để phát triển mạng bay đường dài. Và các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Vietjet, họ kỳ vọng hưởng lợi nhiều hơn vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng hàng không này.
- T.M