Từ đầu năm nay, thời tiết lạnh kèm theo những cơn mưa trái mùa làm cho nhiều người bị ho dai dẳng, có khi cả tháng trời.
Một số người đã đi chụp X quang phổi. Kết quả là bình thường nhưng điều trị nhiều nơi mà không thấy bớt.
Vậy một người không hút thuốc, phim chụp phổi cho thấy không có gì đáng lo ngại mà lại ho kéo dài nhiều tuần (từ ba đến tám tuần) là do bệnh gì?
Ho là một trong những triệu chứng thường gặp nhất tại các phòng khám. Nó là triệu chứng báo động có chuyện không ổn của hệ hô hấp.
Thông thường, ho là một phản xạ giúp cơ thể tống ra một số chất tiết từ phổi và một số chất gây kích ứng (bụi và khói) nhằm làm sạch phổi và ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Một cơn ho bất thường có thể do mũi, thanh quản, khí quản, cuống phổi, xoang, tai, màng nhĩ, màng phổi… bị kích thích, làm co thắt cuống phổi hay thanh quản, gây khó thở, gia tăng chất tiết.
Ho thường gây nhiều phiền toái, chẳng hạn khó ngủ, khan tiếng, đau ngực, làm són nước tiểu (nhất là ở phụ nữ). Tùy theo thời gian ho kéo dài, có thể phân ra hai loại ho là ho cấp tính và ho kinh niên.
Ho cấp tính xảy ra trong vòng hai, ba tuần, còn ho kinh niên hay ho dai dẳng thì kéo dài từ ba tuần đến tám tuần.
Có ba nguyên nhân chính gây ra ho dai dẳng là chảy nước mũi sau, hen phế quản và trào ngược dạ dày thực quản.
Chảy nước mũi sau (đờm chảy xuống họng) là nguyên nhân gây ho nhiều nhất trong những trường hợp ho dai dẳng (trên 50% trường hợp).
Hiện tượng này xảy ra khi các chất tiết từ mũi chảy xuống thành sau của họng về ban đêm khi người bệnh nằm trên giường, qua hai dây thanh, kích thích và viêm đường dẫn khí và vùng họng nên gây ho.
Chảy nước mũi sau thường xảy ra khi chúng ta bị dị ứng, cảm, viêm mũi hay viêm xoang. Những người nhạy cảm dễ bị ho khi nước mũi chảy xuống cổ họng, kích thích những trung khu tiếp nhận phản xạ ho.
Các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, sổ mũi, cảm giác có dịch chảy xuống họng mên muốn khạc nhổ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không có triệu chứng nào ngoài ho.
Để điều trị, bác sĩ thường phối hợp thuốc chống sung huyết và chống dị ứng và thêm thuốc kháng sinh nếu thấy bệnh nhân bị viêm xoang
Hen phế quản thường gặp ở người lớn và cả trẻ em. Nó là nguyên nhân của 15 – 30% các trường hợp ho dai dẳng tùy theo tuổi.
Một số người bị hen phế quản trong giai đoạn đầu thường chỉ có triệu chứng ho kéo dài, chưa xảy ra những triệu chứng nặng khác như khò khè, khó thở nên thường không được định bệnh chính xác, vì thế cứ ho lai rai nhiều tháng.
Những người ấy thường ho về đêm và ho nhiều hơn khi gần sáng, ho khi tiếp xúc với một số loại hóa chất, thức ăn, mùi vị (chẳng hạn mùi thuốc xịt dán, nước hoa…).
Nếu bị như vậy thì phải nghĩ đến khả năng bị hen phế quản. Cách tốt nhất để xác định bị hen phế quản hay không là dùng thuốc giãn phế quản (uống hay hít). Nếu dùng mà ho giảm thì đúng là bị hen phế quản và cần kiên trì dùng thuốc ít nhất trong hai tuần.
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi cơ vòng thực quản bất thường, không khép kín hẳn sau khi thức ăn đã xuống dạ dày và làm nước chứa acid chảy ngược từ dạ dày lên trên thực quản, đi đến họng, gây kích thích phản xạ thực quản – khí quản – phế quản và gây ho.
Điều đáng chú ý là 75% bệnh nhân bị ho dai dẳng do cơ chế này thường chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho, ít có triệu chứng khác về thực quản hay dạ dày (ví dụ ợ chua, đau thượng vị…) nên việc định bệnh thường không dễ dàng.
Đặc điểm của bệnh là ho nhiều hơn sau khi ăn no, ho nhiều về đêm và nằm xuống lại càng ho. Người bệnh cảm thấy khó chịu ở vùng họng, bị khàn tiếng và khạc ra nhiều đờm vào đầu buổi sáng.
Để chữa chứng ho dai dẳng do bệnh lý này, bác sĩ thường cho những thuốc ngăn chặn việc tiết ra acid như Prevacid, Nexium…
Tuy nhiên, người bệnh phải dùng lượng thuốc cao, có thể phải là gấp đôi liều thuốc vẫn dùng để chữa viêm thực quản hay bệnh loét dạ dày và phải chữa kéo dài (đôi khi đến hai, ba tháng) mới thấy hiệu quả.
Ngoài ra, bác sĩ còn khuyên nên nằm cao đầu khi ngủ (chèn thêm gỗ, vật cứng dưới gối), ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, ăn xong không nên nằm nghỉ ngay, mà đi bộ chậm rãi khoảng 15-20 phút để thức ăn trong dạ dày nhanh xuống ruột non và tránh hút thuốc lá, không nên ăn các thực phẩm có nhiều mỡ, chất cay, chất chua.
- Xem thêm: Vì sao cơn ho khó dứt?
Một nguyên nhân khác ít gặp hơn là ho do thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển (Captopril, Zestril…) hay thuốc ức chế beta.
Chứng ho có thể xảy ra sau vài ngày, vài tuần hay cả tháng sau khi uống nên bệnh nhân không biết là do các thuốc trên gây ra.
Chỉ khi ngưng dùng thuốc mới thì hết ho, nhưng cũng phải mất vài tuần mới hết hẳn. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ cho đổi thuốc khác. Ngoài ra, có nhiều trường hợp ho dai dẳng là do nhiều nguyên nhân xảy ra cùng một lúc.