Những gì diễn ra trong tuần trước cho thấy giá dầu không còn là “hàn thử biểu” của căng thẳng ở Trung Đông như đã từng. Trong khi đó, những mối lo về tiêu thụ dầu toàn cầu và sản lượng dầu ngày càng lớn của Mỹ mới đang là những nhân tố chính chi phối giá năng lượng – hãng tin CNBC nhận định.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư dầu lửa toàn cầu thời gian gần đây là một cuộc xung đột ở Vùng Vịnh có thể gây gián đoạn dòng dầu di chuyển qua eo biển Hormuz – một đoạn đường huyết mạch chiếm khoảng 1/5 tổng lượng dầu được vận tải biển trên toàn cầu. Căng thẳng ở khu vực này đã không ngừng leo thang trong hơn một năm qua, kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo lên Tehran.
Tuy nhiên, sau khi Iran bắt con tàu chở dầu Stena Impero của Anh ở eo Hormuz vào hôm thứ Sáu tuần trước và chặn một tàu Anh khác, giá dầu thế giới chỉ tăng nhẹ thay vì tăng vọt như có thể xảy ra sau những diễn biến “nóng” ở Vùng Vịnh trước đây.
Lúc hơn 6g sáng ngày thứ Hai theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại thị trường New York tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,9% so với đóng cửa cuối tuần trước, đứng ở 56,11 USD/thùng. Tại thị trường London cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 0,78 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,3%, đứng ở 63,25 USD/thùng.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên là dầu đã trở thành một hàn thử biểu bị hỏng của xung đột ở Trung Đông. Vài năm trước, có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của một khủng hoảng an ninh thông qua diễn biến giá dầu”, bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC, nhận xét.
Hôm thứ Ba tuần trước, giá dầu sụt mạnh sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Iran sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Iran sau đó lên tiếng phủ nhận phát biểu của ông Pompeo, nhưng giá dầu cũng không hồi phục lại được phần giá đã mất.
“Giá dầu rớt 4,5% sau khi ông Pompeo nói Iran sẵn sàng đàm phán. Ngay sau đó, Iran bác bỏ tuyên bố của Mỹ, nhưng giá dầu không hề tăng trở lại. Từ hôm thứ Ba trở đi, căng thẳng chỉ có leo thang, nhưng giá dầu gần như không chịu tác động”, bà Croft nhấn mạnh.
“Điều này không có nghĩa là tình hình an ninh ở Vùng Vịnh không tệ… mà giá dầu không còn là một chỉ số hàng đầu phản ánh mức độ khủng hoảng nữa”, bà Croft phát biểu. Vị chuyên gia nói điều mà các nhà giao dịch dầu lửa quan tâm nhiều hơn ở thời điểm này là chiến tranh thương mại, chứ không phải nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột bằng súng đạn ở Vùng Vịnh.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác khiến giá dầu khó tăng là sản lượng dầu ngày càng “khủng” của Mỹ. Nước này đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
“Mức sản lượng vượt 12 triệu thùng dầu mỗi ngày đã tạo ra một bức tường lửa bảo vệ nước Mỹ trước những rủi ro đối với nguồn cung dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nói. “Iran có bắt tàu chở dầu, thì nguồn cung dầu của Mỹ vẫn được đảm bảo. Công suất khai thác dự trữ của Saudi Arabia cũng rất lớn. Tôi nghĩ, đó là lý do làm cho giá dầu bị ghìm lại”.
Tuy nhiên, ông Kilduff cũng cho rằng nếu tình hình Vùng Vịnh tiếp tục có những diễn biến xấu mới, giá dầu vẫn có thể tăng.
Ngoài ra, giá năng lượng này sẽ được hỗ trợ một khi các ngân hàng trung ương toàn cầu đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 30 và 31-7.
Ông Kilduff nhấn mạnh rằng trong những cuộc khủng hoảng an ninh lớn xảy ra trong quá khứ, giá dầu tăng nhanh nhưng không kéo dài lâu. Còn khi giá dầu thế giới lập đỉnh cao mọi thời đại, nguyên nhân không phải là khủng hoảng an ninh.
“Giá dầu lên 147 USD/thùng vào năm 2008 không phải do chiến tranh, mà là do nguồn cung thắt chặt và nền kinh tế đang ở vào phần cuối của một giai đoạn tăng trưởng mạnh”, ông nói.
Trong tuần trước, giá dầu Brent giảm 6,4%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12-2008. Giá dầu WTI giảm 7,6%, mạnh nhất kể từ tháng 5.