Nhiều trường hợp, khi cuộc hôn nhân có nguy cơ thất bại, người trong cuộc (nam/nữ) cố gắng duy trì với câu biện minh: “Gắng không tan đàn xẻ nghé là vì con”.
Lý do rất chính đáng, vì con cái họ sẵn sàng hy sinh cảm xúc riêng tư để sao cho người ngoài nhìn vào vẫn thấy đội hình đẹp. Sống trong chăn mới biết, để (gọi là) giữ lấy một gia đình lắm khi người trong cuộc cảm giác quá nhiều cay đắng, tâm lý bị cầm tù, chỉ muốn thoát ra…
Hai bạn trẻ yêu và sống cùng nhau nhưng không tổ chức đám cưới vì họ không muốn ràng buộc hôn nhân. Đến khi có con, chàng muốn đám cưới nhưng nàng cứ lần khân. Không phải nàng “cao giá” mà quan niệm rằng quan trọng là yêu nhau thật lòng chứ tấm giấy chứng nhận hôn ước chẳng qua chỉ mang tính pháp lý không có ý nghĩa ràng buộc khi tình yêu đã hết.
- Xem thêm: Cãi nhau trước mặt con: Cần đúng cách
Cô nói, tình yêu không còn thì níu giữ cũng vô ích, khổ cho cả ba người: chàng, nàng và con gái, biết đâu làm khổ thêm một kẻ thứ tư (tình nguyện) nữa. Giải pháp chia tay lúc này là hợp lý. Không nên lấy chiêu bài “vì con” để áp dụng trong trường hợp này mà hãy vì mình. Mình vui thì con mới vui, mình ổn thì con mới ổn.
Duy trì tình trạng “vì con” không chắc đã vì con mà vì cái tôi của hai người nhiều hơn. Chiến tranh lạnh hay cãi vã triền miên, ai cũng cho cái tôi của mình to đùng, trên sàn diễn đó cha mẹ là những diễn viên, con cái là khán giả của vở diễn chỉ có bi kịch như thế tất nhiên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng sau này lớn lên.
Chuyện một gia đình có điều kiện khác. Trong gia đình và cả dòng họ đều công nhận bà mẹ này quá giỏi. Là giảng viên đại học nhưng một tay bà gây dựng cơ đồ trong bối cảnh ông chồng hiền lành, củ mỉ cù mì với công việc hành chính, đưa đón con cái, dạy dỗ con học.
Ba căn nhà mặt tiền cho thuê hai. Hai con đều du học ở Mỹ. Một người trở về nước làm việc. Bà còn một số công việc đầu tư hái ra tiền nữa. Tưởng không có gì phàn nàn bỗng một hôm xảy ra tranh cãi khi bà mẹ đưa ra phương án góp vốn đầu tư vào trường học cùng vài người bạn. Bà dự định bán bớt một căn nhà để đầu tư.
Thêm nữa, bà vừa mua một căn nhà với giá 4 tỉ đồng cho vợ chồng con trai, còn nợ một ít sẽ tiếp tục trả sau. Phương án này còn mở ra cánh cửa là vợ chồng con trai sẽ có thêm một nơi dạy ngoài giờ. Ông chồng không đồng ý với lý do, vợ chồng đều lớn tuổi, đã đến lúc cần nghỉ ngơi.
Ông còn mẹ già cần phải chăm sóc thay phiên với các anh em, dự định của ông sau khi nghỉ hưu, ông sẽ có nhiều thời gian về nhà mẹ ở ngoại thành hằng tuần để chăm sóc bà. Con trai đồng ý với ý kiến của bố và thêm quan điểm mẹ cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Nếu góp vốn vào trường học bà sẽ càng bận rộn hơn nữa.
Bà mẹ bực tức mới nói, lo ở đây là bà lo cho con, vì con. Còn một khoản tiền nợ khi con trai đi du học chưa trả xong nữa. Anh con trai quyết, vợ chồng anh sẽ cố gắng cày trả nợ khoản tiền đi học và ở căn nhà chung cư hiện nay, dứt khoát không chuyển đến căn nhà 4 tỉ mà mẹ vừa mua.
Với một bà mẹ cương quyết và độc tài như thế, ý kiến của chồng và con trai khiến bà bực bội. Lo cho chúng nó chứ bà có ham chi? Chồng và con trai thở dài ngao ngán. Biết là khó thuyết phục một người cả đời háo thắng, thích thử thách, việc nghe lời chồng con thu gọn lại bớt để hưởng nhàn quả là chỉ có trời mới thuyết phục được.
- Xem thêm: Làm cha mẹ, hãy đừng…
Mỗi người mỗi tính, không ai giống ai hay có thể áp đặt ai theo ý muốn của mình. Bà mẹ này thuộc dạng người không bao giờ muốn ngồi yên, cả đời bà như vậy rồi, bà quên mất đi việc nhìn lại mình và số tuổi của mình. Chồng con mới là lực cản.
Nghĩ thế, được thể bà bắt đầu trách móc thời ông còn trẻ có những chuyện không nghe lời bà. Nếu hồi đó làm vậy thì bây giờ chẳng những không nợ nần mà dư tiền hưởng già chẳng phải đau đầu, nổ não. Lúc này ông chồng mới đẩy ghế đứng dậy, to tiếng: “Bà tham vừa thôi, bán bớt nhà trả nợ cho con là xong, già rồi ăn bao nhiêu mà cố, nằm xuống lại tiếc chưa được hưởng”.
Khi nói về quan niệm vì con, một bà mẹ đơn thân thành đạt dứt khoát, hãy vì mình trước rồi vì con sau. Mình có hạnh phúc thì con mới hạnh phúc.
Có phải như vậy không thì câu trả lời xem ra còn bỏ ngỏ vì không phải lúc nào người tính cũng đúng. Có người lại nói, vì con cũng có giá của vì con đấy!