Hầu như tất cả những bậc làm cha mẹ đều muốn con mình được an toàn, muốn chủ động vì cuộc sống tốt đẹp của con cái và sắp xếp cho tương lai thành công của con.
Tuy nhiên, có một ranh giới mong manh giữa việc tuân thủ các giới hạn phù hợp, hình thành những đề xướng mang tính xây dựng và việc chăm sóc hay bảo vệ con một cách thái quá. Những đứa trẻ ngột ngạt với quá nhiều nguyên tắc và sự mong đợi có thể sẽ bị giảm đi sự tự tin và khả năng sáng tạo.
Sau đây là những điều mà bạn cần từ bỏ để bảo đảm rằng con bạn có thể lớn lên lành mạnh, hạnh phúc và tự do để là chính mình chứ không mệt mỏi về mặt tinh thần và thể chất, cố gượng sống theo những mong đợi mà bạn đã sắp đặt cho chúng.
1. Đừng nói trẻ phải làm gì
Dĩ nhiên trẻ cần được hướng dẫn khi mà chúng đang học hỏi về thế giới chung quanh, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cần được chỉ bảo phải làm gì trong mọi khía cạnh của cuộc sống! Thay vào đó, bạn nên hỏi con về những hành động mà trẻ tự chọn lựa cho chính mình. “Dội bom” con trẻ bằng những chỉ dẫn không cần thiết nhằm hướng dẫn cách trẻ nên sống cuộc đời của chính mình có thể tạo nên sự oán giận và cản trở năng lực sáng tạo vì bạn luôn nghĩ thay cho con!
Lời khuyên này có thể được áp dụng từ việc chọn game, chọn quần áo cho đến chọn nghề nghiệp. Một cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sociological Spectrum cho thấy những trẻ được cha mẹ dành cho nhiều quyền tự do hơn thì ít có khả năng trở thành nạn nhân của sự lo âu, trầm cảm hay cảm giác thất bại trong những năm đại học so với trẻ bị “soi” quá kỹ hay là “sở hữu” của các phụ huynh bảo vệ con thái quá.
2. Từ bỏ những mong đợi phi thực tế
Đã là con người thì không ai hoàn hảo, con của bạn cũng thế. Sẽ là cực kỳ căng thẳng cho một đứa trẻ khi tin rằng chúng phải là “người giỏi nhất” trong một chuyện nào đó (hay thậm chí là với tất cả mọi chuyện) để được công nhận như một người xứng đáng. Chúng ta ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Hãy truyền đạt cho con của bạn, một cách rõ ràng hoặc ẩn ý, rằng bạn đón nhận tất cả những khả năng của riêng con.
3. Từ bỏ sự bảo vệ thái quá
Nếu bạn là người có xu hướng lo lắng về mọi kết quả hay thảm họa có thể xảy ra, hãy lưu tâm đừng để thái độ này thể hiện trong cách làm cha làm mẹ của bạn. Trẻ cần được tự do trải nghiệm và phạm lỗi lầm. Nếu bạn giữ chặt trẻ xa khỏi những cơ hội hay hoạt động mới vì sợ trẻ gặp nguy hiểm, trẻ sẽ “hiểu” rằng thế giới này là nơi không an toàn. Hệ quả là trẻ sẽ ít khả năng “mạo hiểm một cách tích cực” trong tương lai.
4. Từ bỏ việc “quyết định thay cho con”
Một kỹ năng quan trọng mà tất cả người trưởng thành cần phải học là làm thế nào để có những quyết định lành mạnh. Kỹ năng này cần được phát triển từ lúc trẻ thơ. Hãy giúp trẻ thực hiện những quyết định của cuộc đời, chẳng hạn như chọn sở thích hay môn chuyên ngành ở đại học, nhưng bạn cần làm rõ rằng trẻ là người chịu trách nhiệm cho những quyết định của chính mình. Không nên cố nói chúng cách viết sơ yếu lý lịch hay hoạch định sẵn con đường đi vì điều này có thể làm tổn hại những thành quả, làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu hay sợ thất bại.
5. Từ bỏ việc trách móc những lỗi lầm của trẻ
Trừ phi lỗi lầm đến từ một quyết định “rõ ràng là không khôn ngoan”, cố gắng đừng trách móc trẻ một cách không cần thiết. Phạm sai lầm thường là cách có giá trị để học hỏi kiến thức mới. Hãy ngồi xuống và trò chuyện để trẻ có thể học hỏi từ sai lầm của mình và có những sự lựa chọn tốt hơn những lần sau đó.
6. Đừng ca ngợi sự thông minh của trẻ
Khi trẻ được khen ngợi về những nỗ lực thay vì là sự thông minh, trẻ sẽ có xu hướng cố gắng hơn nữa trong tương lai. Còn khi khen trẻ về sự thông minh của chúng, bạn mang lại ấn tượng rằng bạn đang khen ngợi về một tính cách hiển nhiên và không có tác dụng thúc đẩy trẻ tự cải thiện chính mình.
7. Ít nguyên tắc thôi…
Một số nguyên tắc gia đình là cần thiết. Trẻ cần một số giới hạn và cần được dạy để phân biệt giữa đúng với sai. Tuy nhiên, khuôn mẫu cứng nhắc có thể làm trẻ lo lắng không cần thiết, luôn lo sợ sẽ phá vỡ quy tắc nào đó. Điều này cũng có thể kìm nén khả năng sáng tạo của trẻ nếu chúng cảm thấy mình chỉ là một chiếc răng cưa trong cỗ máy gia đình, phải luôn có cùng một cách cư xử như nhau. Hãy chuẩn bị thay đổi hoặc tống khứ bớt nếu những nguyên tắc này không có lợi ích rõ ràng.
Bạn cần có thời gian để thay đổi cách nghĩ và cách tiếp cận, đặc biệt là khi bạn được nuôi dạy bởi những người cha người mẹ quá bảo vệ hoặc thường can thiệp sâu. Nhưng nên nhớ rằng, các cuộc nghiên cứu tâm lý nói chung đều ủng hộ cách nuôi con cẩn trọng nhưng tự do – được xem là cách tốt nhất để khuyến khích trẻ thật sự trở nên xuất sắc, đồng thời cảm nhận niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Bảo vệ và lo lắng thái quá cho con, về lâu về dài, có thể làm suy yếu các kỹ năng thích ứng của trẻ. Các phụ huynh có thể nghĩ rằng mình đang “thắng trận” nhưng thật ra họ đang “thua cuộc chiến”.
Những dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một phụ huynh giám sát và bảo vệ con thái quá
– Với bạn, nghĩa vụ hàng đầu của một người làm cha làm mẹ là hạn chế tối thiểu nỗi đau trong cuộc đời của đứa con.
– Bạn thật sự tin rằng con của bạn sẽ lớn lên hạnh phúc nếu mọi thứ suôn sẻ trong cuộc sống của chúng.
– Bạn không thể chịu đựng được ý nghĩ rằng con bạn đang bị đau hoặc gặp phải trở ngại nào.
– Bạn can thiệp vào đời sống xã hội của con – lắng nghe các vấn đề mà con gặp phải và hướng dẫn chúng là điều có thể chấp nhận nhưng liên tục can thiệp thì không nên.
– Gọi điện thoại cho con quá nhiều trong một ngày, cho đến khi sự lo âu của bạn “nhồi nhét” vào trẻ.