Mừng tuổi bằng phong bao lì xì có tiền mặt là phong tục năm mới phổ biến ở các quốc gia đón Tết âm lịch, dành cho trẻ em và người già. Nó mang ý nghĩa chúc may mắn, sức khỏe. Tuy nhiên, đằng sau nét văn hóa đẹp đẽ này cũng ẩn không ít nỗi éo le. Tại Trung Quốc, nó thậm chí dấy lên trận chiến pháp lý khiến pháp luật phải ra mặt, đưa ra thông cáo chính thức về việc ai mới là người có quyền với tiền mừng tuổi.
Nỗi lo ngày Tết
Có thể nói tiền lì xì là khoản lo “đến hẹn lại lên” mỗi dịp tết đến xuân về. Mặc dù không quốc gia châu Á nào quy định phải tặng tiền lì xì, nhưng đây là phong tục ngàn năm, cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần người dân.
Tùy vào từng đất nước, tục lệ mừng tuổi có các tên gọi khác nhau. Người Việt gọi đó là “lì xì đầu xuân”. Chúng ta có tập quán bỏ tiền vào phong bao, tặng cho người già và trẻ em nhân dịp Tết đến. Người Trung Quốc thì tặng tiền mừng tuổi cho cả các thanh niên chưa kết hôn với ý nghĩa chúc họ sớm gặp nhân duyên. Văn hóa Trung Hoa gọi bao lì xì là hồng bao vì chỉ dùng một màu sắc làm túi lì xì: màu đỏ. Phong bao lì xì của người Nhật Bản thì cực kỳ đa sắc, đa kiểu dạng. Họ gọi tập tục mừng tuổi đầu xuân là otoshidama, giới hạn đối tượng được nhận là trẻ con…
“Ngày xưa, khi người Việt còn nghèo, số tiền có trong phong bao lì xì thường ít lắm”, Phạm Kim Dung – giáo sư gốc Việt làm việc tại Trường UC Riverside (Mỹ) cho biết. “Nhưng bây giờ, các gia đình thường hào phóng hơn”. Điều này cũng tương tự ở các quốc gia châu Á đón Tết âm lịch khác. Nỗi âu lo thường thấy mỗi khi Tết đến là nên mừng tuổi cho những ai và mừng bao nhiêu?
“Mừng tuổi đầu xuân là truyền thống. Tôi không muốn bỏ qua, nhưng cũng vẫn phải tính toán, tiết kiệm”, Judy Liao, người Trung Quốc, giải thích. Sau nhiều đắn đo, Liao quyết định trích riêng 3000 dollar cho khoản lì xì (tương đương 70 triệu VNĐ). Cô dự định sẽ biếu cha mẹ chồng và cha mẹ đẻ tổng cộng 500 USD (tương đương 11,6 triệu VNĐ), còn lại thì chia đều vào các phong bao, mừng tuổi trẻ con.
Nghĩa vụ bắt buộc
Riêng ở Nhật Bản, mừng tuổi không chỉ là truyền thống, mà còn là lệ bắt buộc. Người dân ở đây thậm chí lập luôn quy tắc ngầm cho việc lì xì, quy định rõ từng lứa tuổi và số tiền mừng tuổi.
Đầu tiên, người Nhật phân chia đối tượng được nhận otoshidama ra làm 2 lớp: lớp tiểu học và lớp trung học. Lớp tiểu học bao gồm các trẻ em chưa tốt nghiệp cấp 1, được tặng phong bao otoshidama với số tiền 3000 yen (tương đương 635.000 VNĐ). Nhóm trung học bao gồm trẻ vị thành niên đang theo học cấp 2, 3, được tặng phong bao otoshidama với số tiền lớn hơn: 5000 yen (tương đương 1.050.000 VNĐ).
Tiếp theo, người Nhật phân chia đối tượng mừng tuổi theo mức độ mối quan hệ. Đó là con em ruột thịt, con em của thân nhân, họ hàng, con em của đồng nghiệp… Người Nhật Bản cực kỳ sòng phẳng trong việc cho và nhận otoshidama. Nếu con cái bất ngờ nhận được phong bao lì xì từ người ngoài dự liệu, họ sẽ thẳng thắn hỏi người này số tiền vừa mừng là bao nhiêu, để đáp lễ tương đương.
Mỗi dịp xuân về, các gia đình Nhật Bản lại lo lên danh sách otoshidama. Vì mức tài chính đã được quy định sẵn, họ dễ dàng tính toán gần như chính xác số tiền mừng tuổi phải chi. Đó là một khoản không hề nhỏ. Với phần đông các gia đình Nhật Bản, otoshidama là một gánh nặng đầu xuân. Theo báo cáo khảo sát từ Meikô Network Japan – mạng lưới các trường luyện thi ở Nhật Bản, thực hiện trên các phụ huynh khắp cả nước: 77,2% thấy áp lực vì otoshidama.
Kiện tụng hồng bao
Chúng ta đồng thuận tiền mừng tuổi là của riêng của trẻ con. Có điều, không phải tất cả các bậc phụ mẫu đều cho phép con cái toàn quyền nắm giữ và chi tiêu tiền mừng tuổi. Tại Nhật Bản, chỉ 20% phụ huynh để con em tùy ý sử dụng tiền otoshidama. 80% khác “giữ giùm” tất cả hoặc một phần.
Có 2 nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh quyết định “cầm hộ” tiền mừng tuổi: lo lắng con em không biết cách quản lý và tiêu pha có ích, hoặc “hồi vốn tiền lì xì”. Thường thì đám trẻ có thể ấm ức nhưng không dám phản kháng. Nhiều em còn hết sức tâm lý, hiểu rằng cha mẹ chỉ vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mới phải “tịch thu” tiền mừng tuổi của mình. Tuy nhiên vào năm 2012, Trung Quốc đã khiến mọi người ngỡ ngàng vì vụ kiện không ngờ nhất. Nó diễn ra ở tỉnh Chiết Giang, do tòa án thành phố Nhạc Thanh thụ lý.
Người khởi kiện là 3 anh chị em tuổi vị thành niên, dưới sự bảo hộ và thay mặt của cha ruột. 4 cha con tố cáo mẹ ruột (đã ly hôn) “nẫng tay trên” 560.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ VNĐ) tiền mừng tuổi mà bà nội mừng trong nhiều năm. Tòa án thành phố Nhạc Thanh đưa ra phán quyết: người mẹ phạm tội “biển thủ” tiền của con cái, yêu cầu chị trả lại toàn bộ, bao gồm luôn tiền lãi.
Vào năm 2018, Trung Quốc tiếp tục gây chấn động bằng một vụ kiện hồng bao tiếp theo. Người khởi kiện lần này là Juan, sinh viên đại học ở tỉnh Vân Nam. Từ 2 năm trước (2016), cô đã đâm đơn lên tòa án ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, kiện cha mẹ ruột “cướp trắng” tổng cộng 58.000 nhân dân tệ (khoảng 207 triệu VNĐ) tiền mừng tuổi. Tòa án Tế Nam cũng xử Juan thắng kiện, yêu cầu cha mẹ cô phải “trả góp” cho con gái 1.500 nhân dân tệ/tháng (tương đương 5,3 triệu vnđ).
Vụ kiện tiền hồng bao của Juan đã mở ra một cuộc tranh cãi lớn trên phạm vi mạng xã hội toàn cầu. Dân mạng của tất cả các nền văn hóa có phong tục mừng tuổi đầu xuân bị cuốn vào, bình luận rôm rả. Nguyên nhân chính khiến Juan bất mãn, kiện đòi tiền lì xì là vì cha mẹ cô đã ly hôn và không ai chịu chu cấp học phí cho con gái. Một nửa người quan tâm bày tỏ sự đồng tình với Juan, một nửa phản đối kịch liệt. Tòa án Tế Nam giải quyết bằng cách đưa ra thông cáo mang tính chất pháp lý. Họ tuyên bố: Mừng tuổi đầu xuân là hành vi cho và nhận hợp pháp. Trẻ em là người nhận, nên toàn bộ số tiền sẽ thuộc quyền sở hữu của chúng. Nếu cha mẹ muốn giữ hộ, họ phải giải thích rõ ràng với con cái, có trách nhiệm và nghĩa vụ trả lại đầy đủ khi chúng đòi.