Chuyện chẳng có gì đáng kể nếu lần đó tôi không có dịp may được làm việc với ba vị bác sĩ, là giảng viên của Trường Trung học Y tế tỉnh Phú Thọ, lần đầu tiên vào TP. Hồ Chí Minh và miền Nam.
Trong lúc trao đổi, bác sĩ Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu (nay đã chuyển về làm Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM) tình cờ nhắc tới bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” của tôi từ hồi năm 1965 thì thầy Nguyễn Hồng Hải, một trong ba vị bác sĩ của Phú Thọ bỗng chồm lên, ôm lấy tôi, mừng rỡ: “Thế ra anh chính là tác giả bài thơ đó ư?”.
Rồi thầy đọc liền một mạch. Thầy nói gần 20 năm nay, năm nào dạy lớp nữ hộ sinh ở Trường Trung học Y tế Phú Thọ, thầy đều đọc cho họ nghe bài thơ mà thầy không biết tác giả là ai, chỉ nói của “khuyết danh” thôi.
Hồi đó, đầu thập niên 1960, phải học đến năm thứ ba Y khoa chúng tôi mới được thực tập đỡ đẻ trên người. Mỗi sinh viên phải đỡ ít nhất 20 “ca” sanh thường, không bệnh lý, tại Bệnh viện Từ Dũ. Tối tối, chúng tôi túc trực ở phòng nhận bệnh để “bắt ca”.
- Xem thêm: Cái rún của vũ trụ…
Một hôm, đợi đã khuya, chưa bắt được ca nào, tôi đã hơi nản thì một cô nữ hộ sinh bỗng kêu: “Có ca 4cm, ông thầy nhận không này?”. Thời đó, các cô gọi chúng tôi là “ông thầy” thân mật dù chúng tôi chỉ là sinh viên y khoa.
“Ca 4cm” là ca mà cổ tử cung đã nở gần trọn, sắp sanh. Tôi mừng quá, nhận lời ngay. Tôi đưa sản phụ lên phòng sanh, thăm khám, làm vệ sinh các thứ, theo dõi cơn co tử cung, ghi chép cẩn thận vào bệnh án rồi còn ngồi bên trò chuyện cho sản phụ quên đau.
Tôi nghĩ đến mẹ mình, đến những giọt mồ hôi của biết bao bà mẹ chờ sanh khác. Đến gần sáng thì cơn đau đã rột. “Lúng túng” một cách lành nghề, tôi cũng đã đỡ được ca đầu tiên mẹ tròn con vuông! Lòng lâng lâng, tôi đẩy xe cho hai mẹ con về phòng, rồi viết bản “phúc trình”.
Trời đã hửng sáng. Bên ngoài khung kính cửa phòng sanh, Sài Gòn vẫn tấp nập và hừng hực không khí ngột ngạt những ngày tháng của năm 1965.
Đột nhiên, một cảm xúc trào dâng trong lòng. Tôi viết liền một mạch ngay sau phần bệnh án một bài thơ nhỏ:
Thư cho bé sơ sinh
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em!
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen!
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến!
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu!
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận… Con người…
Đỗ Hồng Ngọc (Bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn 1965)
Sáng hôm sau, giáo sư Hoàng Ngọc Minh đọc bản tường trình của tôi, gọi tôi vào rầy: “Đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ!”.
Tôi biết thầy không giận vì tuy rầy mà giọng thầy ấm áp. Mấy ngày sau, chẳng ngờ bài thơ viết vội trong đêm trực đó đã được phổ biến nhanh chóng trong giới sinh viên và nữ hộ sinh. Ai đó đã viết bài thơ lên bảng!
Bài thơ sau đó được đăng trên báo Tình thương – một tờ báo của sinh viên y khoa Sài Gòn và in lại trong tập thơ đầu tay của tôi, “Tình người”, năm 1967, do Thân Trọng Minh người bạn cùng khóa, sau này là một bác sĩ kiêm họa sĩ trình bày bìa, với tranh vẽ của Cocteau.
- Xem thêm: Sinh tố Y
Bác sĩ Lương Phán cũng đã chọn đăng “Thư cho bé sơ sinh” vào một tạp chí y học do ông phụ trách thời đó, khoảng năm 1973, và đã trả nhuận bút rất cao cho bài thơ mà ông nói ông rất thích.
Điều cảm động là sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu chống nạng đến thăm tôi – trước đó chúng tôi chưa từng quen biết nhau – nói chỉ để tặng cho tác giả thơ bài hát “Thư cho bé sơ sinh” mà anh đã phổ nhạc từ trong nhà tù nhờ đọc được cuốn tạp chí y học của bác sĩ Lương Phán.
Anh nói anh viết bài này là để dành riêng cho ca sĩ Thái Thanh hát! Còn chú bé – hay cô bé? – sơ sinh của tôi lúc đó thì nay đã gần 40 rồi còn gì! Biết đâu cũng đang là một người “bận rộn”, chẳng có thì giờ để đọc những dòng chữ này. Dầu vậy, tôi vẫn rất muốn nói cảm ơn em!
Hẹn thư sau. Thân mến.