Một ông bố thấy cậu con trai 14 tuổi của mình đã lớn, một hôm gọi đến bảo: “Hôm nay bố muốn trao đổi với con về vấn đề giới tính”. “Dạ, bố có gì thắc mắc cứ hỏi đi ạ !”, cậu con trai nói. Dĩ nhiên đó là một chuyện cười!
Nhưng quả thật “trẻ con” bây giờ biết nhiều chuyện hơn là chúng ta tưởng. Trẻ bây giờ được tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều phía, nào bạn bè đồng lứa, nào báo đài, nào phim ảnh… nào internet, điện thoại di động… các thứ.
Nhiều phụ huynh cảm thấy mình… lỗi thời, chỉ còn biết lo kiếm tiền cho con ăn học để “theo kịp người ta”!
Thực tế những điều trẻ biết thường là không chính xác và không đầy đủ. Biết “lõm bõm”, biết “tào lao”, rất nguy hiểm.
Và người lớn chúng ta thì không muốn nghe trẻ, không có thì giờ để nghe và lúc nào cũng nghĩ trẻ hãy còn… trẻ!
“… Chúng tôi đang học lớp 10 của một trường phổ thông trung học. Tôi và Tuấn quen nhau mấy năm nay. Tôi cũng không biết chúng tôi đã “yêu nhau” từ khi nào.
Quả thật khi tình yêu đến đối với tôi, cuộc đời đẹp thật. Thời gian trôi đi, mối quan hệ của chúng tôi càng nồng thắm và một hôm…
Những ngày sau đó tôi luôn sống trong lo lắng, không biết mình có bị sao không và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ tái diễn lại chuyện đó nữa.
Quyết định tốt nhất của tôi là tìm biện pháp bảo vệ cho mình. Tôi quyết định hỏi cô giáo chủ nhiệm về biện pháp tránh thai, cô giáo nghiêm khắc nói: “các em đang còn đi học, biết sâu về vấn đề này để làm gì?”.
Mặc dù tôi rất xấu hổ nhưng tôi vẫn muốn hỏi cho rõ. Tôi đến một trạm y tế xin gặp bác sĩ. Nhưng bác sĩ sau khi hỏi tôi mấy câu đã nói rằng tôi đang còn đi học cần tập trung vào việc học, chuyện đó sau này nhà trường sẽ dạy.
Tôi vô cùng thất vọng. Về nhà, tôi không dám hỏi mẹ. Tôi quyết định nói chuyện với chị gái. “Mày nói gì?” – chị hét lên – “Mày chưa cần biết biện pháp tránh thai. Tao không muốn mày gặp thằng bạn ấy nữa”.
Tôi rất hoang mang. Tôi nghĩ lẽ ra chị gái phải hiểu tôi. Sau nhiều đêm buồn phiền lo lắng, tôi quyết định hỏi mẹ, có thể mẹ sẽ hiểu.
Trong bữa ăn tối, tôi ngập ngừng mãi, muốn thổ lộ nhưng cổ họng tôi như tắc lại, tôi bỏ chạy ra ngoài. Mấy tháng sau tôi có thai. Cuộc đời tôi bước sang một trang mới đầy bất hạnh…”.
- Xem thêm: Thầy trò Đường Tăng…
Đó là lời của em Phan LH, quận Lê Chân, Hải Phòng, được in trong tập tài liệu “Hãy nghe chúng tôi nói”, nêu lên một nhu cầu khẩn thiết của tuổi vị thành niên hiện nay: được lắng nghe và được giải thích thấu đáo.
Vị thành niên – lứa tuổi từ 10 đến 19 – là một giai đoạn chuyển tiếp có rất nhiều thay đổi lớn và đột ngột về thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội.
Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta nhổ giò, trổ mã, cao vọt lên, lêu khêu, lọng cọng, lông râu tua tủa, giọng vịt đực, xuất tinh, ngực nhô lên, rồi kinh nguyệt, rồi mụn trứng cá…
Tất cả đều kỳ lạ, kỳ cục, không kể đầu óc bay bổng, không kể phát triển tình yêu, tình dục dưới ảnh hưởng của kích thích tố…
Vị thành niên, một giai đoạn đầy khó khăn, nhiều nguy cơ, bất trắc nhưng cũng đầy tiềm năng và triển vọng nếu được giúp đỡ một cách đúng đắn và tích cực vì đó cũng là tuổi nhiều sáng tạo, nhiều lý tưởng…
Người lớn thường vẫn nghĩ tuổi mới lớn là tuổi khỏe mạnh, không có gì đáng lo, mọi chuyện “hãy đợi đấy”.
Nhưng tình hình đã khác xưa! Trước kia làm gì có AIDS, làm gì có xe máy xịn để đua, có xì ke để hút chích, làm gì có hộp đêm, thuốc lắc, nhạc kích động phổ biến như bây giờ!
Hiện nay mỗi phút có 5 người trẻ tuổi bị nhiễm HIV trên thế giới, và hằng năm có gần hai triệu trẻ vị thành niên bị lao phổi mà không biết để được chữa trị sớm và đúng. Thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên… liên tục phát triển!
Có 4 nhóm nhu cầu bức thiết cần phải được đáp ứng để giúp trẻ vượt qua những khó khăn và nguy cơ của lứa tuổi này: Đó là được tiếp cận với các thông tin cần thiết một cách chính xác và đầy đủ; được trang bị những kỹ năng sống; được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện và được sống trong một môi trường an toàn và thuận lợi.
- Xem thêm: Hỏi không đáp, bèn…
Trẻ cần được thông tin gì? Trước hết cần được biết rõ về sự phát triển thể chất và tâm sinh lý của lứa tuổi mình, nhờ đó các em sẽ yên tâm hơn, tự tin hơn, để có thể tự chăm sóc tốt bản thân, giảm thiểu những lo lắng sợ hãi vô ích; biết chấp nhận mỗi người phát triển theo nhịp điệu sinh học của riêng mình, theo di truyền của gia đình mình, nòi giống mình, và môi trường văn hóa của mình.
Điều này không chỉ giúp trẻ tự tin mà còn biết hãnh diện, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mình… Cung cấp thông tin chính thức và đầy đủ – một cách khoa học – sẽ tránh được những ngộ nhận, giúp trẻ miễn nhiễm được với những thông tin ngoài luồng, giật gân, nửa vời, gây hoang mang, sợ hãi.
Thầy cô giáo ở trường được tập huấn kỹ lưỡng, phối hợp với các thầy thuốc trong mạng lưới y tế học đường thực hiện là tốt nhất.
Ngoài ra, các em cần được hiểu biết những vấn đề sức khỏe thường gặp ở lứa tuổi mình, những nguy cơ rình rập để phòng tránh.
Chẳng hạn biết về dinh dưỡng để không bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì, để không phải mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch… về sau.
Giáo dục ở nhà trường hiện nay dạy cho các em nặng về kiến thức từ chương, sách vở, mà quên dành thời gian dạy cách sống, cách thành người lớn khỏe mạnh, hạnh phúc.
Điều quan trọng là thông tin như thế nào để các em chịu nghe và tin cậy, chấp nhận và duy trì những hành vi tốt cho sức khỏe.
Chuyện tưởng dễ mà không dễ chút nào. Nói cái gì, nói cách nào… cho các em chịu nghe, chịu nhớ và chịu làm theo… là cả một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
Ngày nay giữa thời đại truyền thông cực kỳ tiến bộ, quảng cáo, tiếp thị được đẩy mạnh nhằm khuyến khích một nền văn hóa tiêu thụ, đua đòi, thì vấn đề lựa chọn thông điệp, cách diễn đạt, chất lượng thông tin và cường độ, quy mô đưa thông tin đến các em cần được nghiên cứu sao cho phù hợp và thích đáng.
Bên cạnh nhà trường thì phụ huynh cũng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết và nhất là dành thời giờ để gần gũi với trẻ, cải thiện mối “quan hệ” với trẻ, vì dù sao, không thể một sớm một chiều mà dạy cho trẻ cách nghĩ, cách làm đúng.
Vả lại cũng chỉ có cha mẹ mới có thể truyền đạt cho con những ý thức, những hành vi qua tấm gương là lối sống của chính bản thân mình.
Người “bận rộn” cũng thường đang ở độ tuổi trung niên và con cái thì đang bước vào tuổi mới lớn. Phải chăng còn đó những nỗi canh cánh bên lòng?
Hẹn thư sau. Thân mến.