O livier de Ladoucette trong cuốn “Bien Vieillir” viết một chương với tựa là A la recherche du bonheur (Đi tìm hạnh phúc), làm ta nhớ đến Marcel Proust với A la recherche du temps perdu: (Đi tìm thời gian đã mất) như là một cách chơi chữ để nói về một thứ “bonheur perdu”, thứ hạnh phúc đã mất nào đó!
Có lẽ hạnh phúc là một cái gì đó mà khi ta đang có thì ta không biết, cũng như sức khỏe là gì thì khó biết nhưng mất sức khỏe thì biết ngay!
Người ta không thể cân đong, đo đếm hạnh phúc. Bàn về hạnh phúc giống như người mù sờ voi. Có người bảo đó là khi nhu cầu được thỏa mãn, có người cho rằng chờ đợi một niềm vui còn hạnh phúc hơn khi nó đến; người khác nói hoàn thành một nhiệm vụ được giao chính là hạnh phúc; có người cho rằng hạnh phúc là làm cho người khác… hạnh phúc. Cũng có người lại bảo hạnh phúc rất đơn giản, chỉ cần thấy mình hơn ông hàng xóm!
- Xem thêm: Cà kê dê ngỗng
Các nhà nghiên cứu đã thử tìm một vài biến số để “đo đếm” hạnh phúc của người già xem sao, chẳng hạn như sự nhiệt tình, lòng quả cảm, khả năng hoàn thành mục tiêu, sự đánh giá về chính mình, óc hài hước…
Kết quả cho thấy đa số “người già hạnh phúc” là những người bao giờ cũng tự đánh giá mình cao hơn người khác đánh giá về họ.
Một nghiên cứu ở những người trên dưới 65 tuổi cho thấy trong khi họ tự cho điểm về tính thân thiện và lòng nhiệt tình là 72, thì những người chung quanh chỉ cho 65 điểm (cũng khá); về sự thông minh và nhanh nhẹn thì tự cho 68 điểm, trong khi những người khác cho 28 (chứng tỏ chẳng thông minh, nhanh nhẹn mấy chút!); về tính cởi mở và thích nghi, tự cho 64 điểm, trong khi người khác cho có 22 điểm (tội nghiệp!); về sự hoàn thiện công việc được giao, tự cho 55 trong khi người khác cho 35 điểm (hơn một nửa!).
Tựu trung người ta đồng ý nên dựa vào bốn yếu tố căn bản để xác định hạnh phúc ở người cao tuổi, đó là sức khỏe, nơi ăn chốn ở, thu nhập và hoạt động, đó là những yếu tố có thể “đo đạc” được.
Thế nhưng ngay cả với sức khỏe, có vẻ như có thể đo đạc dễ dàng bằng máy móc khách quan nhưng thực ra cái cảm xúc chủ quan về sức khỏe, sự sảng khoái trong tâm hồn và thể chất mới thật sự là quan trọng, sự cảm nhận về tình trạng sức khỏe của chính mình nhiều khi vượt ra ngoài sự đánh giá của các chuyên gia y tế.
Nơi ăn chốn ở cũng vậy, cũng rất chủ quan. Một bà cụ “nhà quê” quanh năm quen ở lều tranh vách đất, quen cá kho rau luộc, đang thảnh thơi sung sướng thì được các con rước về thành phố cho sống trong phòng máy lạnh, cung phụng các bữa ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, chẳng mấy chốc, bà cụ phải trốn về quê!
Nhưng về thu nhập lại khác, người già cần có một thu nhập tương đối ổn định, đủ để không bị lệ thuộc vào con cháu. Cay đắng nhất ở tuổi già chính là sự lệ thuộc vào con cháu về kinh tế. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày…”.
Về hoạt động thì do cá tính của mỗi người, có người trời sinh hướng ngoại, ham hoạt động, năng nổ, dễ hòa mình, dễ hợp tác, quan tâm đến những vấn đề xã hội, đó là những người dễ có được hạnh phúc.
Ngược lại, một số người khác lại co cụm, ích kỷ, hay than phiền, hay phóng đại về tình trạng khó khăn của mình, hay nhắc dĩ vãng, nhắc quá khứ làm cho những người chung quanh khó chịu, lánh xa, nên ngày càng cô độc.
- Xem thêm: “…Khúc khích trên lưng…”
Duy trì các mối quan hệ xã hội là yếu tố rất quan trọng. Một khi còn giữ được mối quan hệ tốt thì họ sẽ tránh được nỗi bơ vơ. Ở đây “chất lượng” quan trọng hơn là số lượng.
Có một người bạn hiểu mình như Bá Nha với Tử Kỳ, như triết gia Bertrand Russel với nàng ca sĩ người Pháp Edith Piaf thì tốt hơn có cả một lô bạn… chỉ gặp nhau khi cần nhậu! Cho nên người già có khuynh hướng tìm đến các bạn cũ thuở thiếu thời của mình là vậy.
Người có óc hài hước có khả năng thích nghi tốt hơn, có thể biến một sự khó chịu thành một niềm vui, hưởng được những hạnh phúc nhẹ nhàng, đơn sơ mà sâu lắng…
Kim Thánh Thán ngày xưa đã từng liệt kê 33 cái “sướng khoái” của mình như: Ngày hè, cầm dao bén cắt một trái dưa hấu vỏ xanh, bày trên một cái bàn đỏ, chẳng cũng khoái ư? – Có ba bốn mảng phong lở ở một chỗ kín thỉnh thoảng đóng cửa lấy thuốc nóng rửa, chẳng cũng khoái ư? – Mở rương ra vô tình được bức thư của cố nhân, chẳng cũng khoái ư? – Mở cửa sổ cho con ong bị kẹt bay ra chẳng cũng khoái ư?… (Sống Đẹp, Lâm Ngữ Đường, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Tưởng gì chớ chỉ có thế thì ngày nay ta cũng có thể bắt chước liệt kê không ít những “khoái ư” như vậy! Chẳng hạn “Hằng tuần có một tờ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tới đúng hẹn, chẳng cũng khoái ư?”. Bạn đồng ý không?
Hẹn thư sau. Thân mến.