Đó là một cách nói, xưa rồi, hơi sến một chút nữa, để kết thúc một bức thư, nhất là một bức thư… tình! Bỗng dưng tôi lại thích để lòng mình sên sến một chút như vậy, bởi vì tôi đang muốn nói với bạn điều đó hôm nay để tạm ngưng “Thư gởi người bận rộn” đã hơi quá dài của chúng ta.
Giấy ngắn tình dài, và như vậy bạn sẽ hiểu và thông cảm. Có khi người xưa còn xài chữ Nho, chẳng hạn “thư bất tận ngôn”… cũng là để kết thúc một bức thư nói chẳng hết lời! Tôi cũng muốn bắt chước mà viết “thư bất tận ngôn” đó vậy.
Dẫu thế nào, tôi cũng xin cảm ơn bạn, người bạn bận rộn của tôi, đã chịu khó đọc những bức thư… tình này trong bấy lâu nay. Tôi cũng cảm ơn tòa soạn đã dành cho tôi một góc nhỏ trên tờ tuần báo đẹp đẽ này hơn một năm qua! Quả thật là tôi rất ngần ngại lúc ban đầu khi mở ra cái mục “Thư gởi người bận rộn”.
Ai dám viết thư… giữa thời buổi này? Thời buổi mà người ta có thể mua những bức thư tình viết sẵn, những tấm thiếp in sẵn những câu danh ngôn, “thay lời muốn nói”! Ở vào cái thời mà người ta chỉ cần bấm nút, alô một cái, OK là xong!
- Xem thêm: Thư gởi người bận rộn
Cái thời như vậy mà ngồi rị mọ nắn nót từng dòng chữ cho một bức thư tình… gởi cho một người không quen biết thì nếu không điên nặng cũng điên vừa. Vậy mà bạn đã chịu khó đọc, lại còn động viên đôi lời, giúp cho tôi đủ sức “gồng” suốt hơn 70 số báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần vừa qua!
Trong thư ngỏ đầu tiên, tôi cũng đã từng thú nhận mình vốn là một người làm biếng, lại hành cái nghề mà tổ sư là cụ Hải Thượng Lãn Ông, một ông già lười nổi tiếng ở làng Hải Thượng, nổi tiếng đến nỗi bên trời Tây người ta cũng biết và viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về đời cụ, tựa là Monsieur le Paresseux (Ông Lười)!
Đã lười truyền kiếp như vậy mà không biết thân, tôi còn dám xông vào “múa gậy” một mình thì thật là khiếm nhã! Khổ nỗi, năm lần bảy lượt năn nỉ xin ngưng mà tòa soạn chưa cho! Chẳng mấy chốc kẻ làm biếng trở thành người bận rộn! Cho nên cuối cùng đành viết lá thư này để gọi là “thư bất tận ngôn” đó vậy!
Nhớ ngày xưa André Maurois lúc đã vào tuổi cổ lai hi mà còn cặm cụi ngồi viết những bức thư gởi cho “người đàn bà không quen” (bản dịch Nguyễn Hiến Lê), mỗi tuần một lá, liền tù tì trong 60 tuần lễ…!
Để viết dài hơi như vậy, cụ đã tưởng tượng ra một người đàn bà đẹp, một pretty woman, tuổi vào khoảng 30, có học thức, thông minh, lanh lợi, nhạy cảm.
Thế rồi một hôm, người đó bỗng xuất hiện, trở thành người đàn bà… quen biết! Thế là cụ tắc tị! Viết sao được nữa mà viết! Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!
Thì ra tôi đã bắt chước cụ mà không hay, cũng tưởng tượng ra người “bận rộn” của tôi, tuổi ngoài 40…, xấu xí vừa phải, cau có vừa phải, hay bị bón, trĩ, nhức đầu, cao huyết áp, bụng phệ, làm biếng tập thể dục, thích ăn nhà hàng, lên xe xuống ngựa, lúc nào cũng hơi kênh kiệu, ỷ giàu có…
- Xem thêm: Tiếng nước tôi…
Thế rồi đôi lần được tham dự các buổi họp mặt của tòa soạn, tôi có dịp gặp người bận rộn bằng xương bằng thịt, thì trời ơi, không phải vậy, không phải như tôi tưởng!
Họ – những người bận rộn hôm nay – ngày càng trẻ đẹp, thông minh, có học, biết làm ăn mà cũng biết hưởng nhàn, biết giữ gìn sức khỏe, không xa hoa lãng phí, không kiêu căng ngạo mạn, lại có lòng thương người, lòng giúp đời…
Hóa ra lâu nay tôi bị ám ảnh bởi những bức tranh biếm họa, những hình ảnh trong phim đã vẽ nên người bận rộn khó ưa của những ngày tháng cũ! Bạn thử nghĩ xem, tôi đã… ngượng ngùng đến thế nào! Và từ đó tôi nghĩ không có lý do gì để mà dài dòng văn tự nữa!
Vậy thì, hỡi người bận rộn yêu quý của tôi, mong bạn miễn thứ mà đừng phiền trách. Giấy ngắn tình dài. Thư bất tận ngôn.
Thân mến.