Sinh tố Y là sinh tố gì thế? Có phải là một thứ sinh tố mới vừa phát hiện ra, sao chưa bao giờ nghe nói đến? Thưa không! Đó chỉ là một cách gọi tên cho dễ nhớ. Y ấy là Yêu, ở đây là yêu thương.
Đã từ lâu lắm người ta biết giá trị của yêu thương, nhưng chỉ gần đây thôi người ta mới thấy rõ ảnh hưởng của yêu thương trên sự phát triển của trẻ thơ như thế nào. Dù bé đã được cho bú mớm đầy đủ, đã cho bổ sung các loại sinh tố A, B, C, D, E, F… bé vẫn có thể đau ốm rề rề, biếng ăn, biếng chơi, lớn không nổi, kém thông minh và trong tương lai có thể trở thành một kẻ lãnh đạm, lạnh lùng, hiếu chiến, phạm pháp…chỉ vì thiếu sinh tố Y.
Có thể nói một cách chắc chắn rằng bé không chỉ sống bằng sữa mà còn bằng tình yêu nữa. Một bé dù được nuôi dưỡng đúng phép vệ sinh dinh dưỡng mà thiếu tình thương của mẹ – hay của một người cũng yêu thương bé như mẹ – và một không khí gia đình đầm ấm, cũng không thể phát triển trọn vẹn, bình thường được: bé chậm lớn, khờ khạo, dễ đau ốm và khi đau ốm thì lâu lành mà dễ tử vong nếu bệnh hơi nặng. Hình như kinh tế càng phát triển thì trẻ thiếu sinh tố Y càng nhiều hơn.
- Xem thêm: Cái rún của vũ trụ…
Nhiều gia đình khá giả nhưng quá bận rộn chuyện làm ăn, không có thì giờ dành cho trẻ, giao trẻ từ lúc còn đỏ hỏn cho người khác nuôi, lấy phát triển “cân nặng” làm tiêu chuẩn nên bé bị ép ăn đủ kiểu, đến nỗi trẻ sợ hãi bữa ăn, bị nôn thốc tháo ra và được… chẩn đoán là hội chứng trào ngược! Đúng là “trào ngược” thật vì trẻ không sao chịu nổi sự đền bù sinh tố Y bằng thức ăn, kể cả chất làm cho sớm “thông minh” nhân tạo!
Số trẻ bị béo phì, bị lãnh cảm, vô cảm, hung hăng… ngày càng được báo động nhưng hình như không có cách nào khác, vì sinh tố Y ngày càng hiếm hoi, có tiền cũng khó mà mua được!
Hồi tôi còn làm ở Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn, hơn ba mươi năm trước, đã thấy các trẻ mồ côi được điều trị trong một phòng riêng, cách ly, vô trùng, được các sơ hoặc ni cô ở các cô nhi viện chăm sóc một cách khoa học, ăn uống được tính toán calorie chính xác, vậy mà bệnh rất lâu lành, dễ tái phát, bệnh này chưa bớt đã sanh bệnh kia và tỷ lệ tử vong rất cao.
Trong khi đó, ở các phòng khác, vệ sinh kém cỏi, bê bối, hỗn độn nhưng trẻ được chính người mẹ hay người thân chăm sóc lại mau lành bệnh và tỷ lệ tử vong cũng ít hơn.
Ashley Montagu, nhà nhân chủng học, trong bài “Năng lực kỳ diệu của yêu thương” đã viết: Không có yêu thương, bé không sống nổi, mà dù có sống thì cũng trở thành một người bất thường, một bệnh nhân tâm trí, thần kinh, phạm pháp, bất lương, oán thù xã hội”.
Ông thuật chuyện ở nhà thương Nhi đồng Dusseldorf thời xưa – khi nhi khoa chưa tiến bộ như bây giờ – số trẻ dưới một tuổi mắc bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao thì các bác sĩ chấp thuận cho một bà già – bà Anna – được phép nâng niu bồng bế các trẻ sắp chết. Vậy mà kỳ diệu thay, một số trẻ sống sót.
Chuyện có vẻ thiếu khoa học. Nhưng thực nghiệm của bác sĩ René Spitz ở New York thời đó đã chứng minh hùng hồn năng lực kỳ diệu của sinh tố Y: Ông lập hai trại nuôi trẻ hoàn toàn giống nhau về mọi phương diện, từ cách săn sóc, tắm rửa, ăn uống đến dạy dỗ, chỉ khác một điều duy nhất là một trại do các nhân viên chuyên môn trông nom (một cô trông 8-10 trẻ), còn trại kia do chính mẹ các em chăm sóc lấy. Hai nhóm trẻ cùng một lứa tuổi, khoảng 3 tháng.
- Xem thêm: Quả đất tròn…
Sau một thời gian, người ta đo kết quả dựa trên các chỉ số phát triển, khả năng nhận thức, lãnh hội, khả năng xã hội hóa, hoạt động sinh lý, ký ức, tài bắt chước, sự khéo tay và óc thông minh. Kết quả: nhóm trẻ do bà mẹ chăm sóc lúc đầu có các chỉ số phát triển trung bình 101,5; sau một năm tăng lên 105 trong khi nhóm kia lúc đầu là 124, sau một năm còn 72 và đến năm thứ hai còn 45. Bác sĩ Spitz ghi nhận trẻ thiếu tình thương còn chậm biết đi, chậm nói, nhiều trẻ không biết tự ăn lấy một mình.
Trong 5 năm quan sát, 239 trẻ do chính bà mẹ nuôi nấng không có trường hợp nào tử vong trong khi nhóm kia trong hai năm đầu đã có một số trẻ tử vong. Từ đó nhiều nơi bắt đầu ý thức vai trò sinh tố Y và trong một nhà bảo sanh kiểu mẫu nọ ở Mỹ, người ta thấy ghi y lệnh trên một tấm bảng: “Mỗi ngày phải âu yếm trẻ 1 giờ!”.
Các cô nhân viên phải bồng bế, hôn hít, nựng nịu, chuyện trò, chơi giỡn với trẻ. Kết quả khả quan: trẻ tinh anh hơn, hoạt bát hơn, bú tốt hơn. Thế nhưng… cách yêu thương “thuốc men” này không mang lại kết quả dài lâu. Tưởng tượng coi, yêu thương mà cũng kế hoạch, cũng chương trình hóa thì chỉ mang lại “hội chứng trào ngược”!
Tình thương của mẹ bàng bạc trong mọi cử chỉ, dáng điệu của bà mẹ, trong cái nhìn, giọng nói và cả trong sự im lặng nữa. Trẻ hiểu hết. Trẻ sẽ uống hết những tình yêu đó, nhưng không thể phân chất, không thể đếm đo.
Cũng như những thứ sinh tố khác, thừa sinh tố Y cũng tai hại không kém. Trẻ dễ thành một đứa con hư. Thế nhưng, hình như, không phải chỉ có trẻ con mới cần sinh tố Y mà cả người lớn chúng ta nữa cũng còn cần sinh tố Y lắm. Bạn có đồng ý không?
Hẹn thư sau. Thân mến.