Khi còn ở trong bụng mẹ, người ta không thở bằng phổi mà thở bằng rún. Người ta cũng không cần ăn: các chất dinh dưỡng đều từ nhau thai đi qua cuống rún để nuôi thai. Thai nhi chỉ có việc… ngủ, cười (y học mới phát hiện gần đây là thai nhi cũng cười!) và lớn như thổi, để đợi ngày chào đời! Khi chào đời, bé không chào một cách lịch sự như ta mà khóc thét lên một tiếng, càng to càng tốt.
Chẳng phải vì đau khổ, sợ hãi hay oán trách cuộc đời chi đâu, chẳng qua là một phản xạ giúp làm nở bung hai buồng phổi để rồi bắt đầu một cuộc sống mới bên ngoài địa đàng – lòng mẹ; bởi vì người ta đã phải hít thở, phải… bú mớm, phải cực nhọc với bao nhiêu thứ chuyện lỉnh kỉnh trên đời như… tiêu, tiểu các thứ! Việc làm đầu tiên của người thầy thuốc đỡ đẻ là cắt rún cho bé, tách bé ra khỏi bà mẹ – như người ta bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, để rồi từ đó phải đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm, phải mệt mỏi vì lo lắng, yêu thương, hờn giận…
Nói chung là phải vất vả, và rồi trở thành… người bận rộn lúc nào không hay! Tội nghiệp cái rún! Người ta đã nhanh chóng quên nó, cái gốc của sự sống, coi nó như không cần thiết nữa, chỉ dùng để thỉnh thoảng thoa dầu cù là! Rất thú vị là ở phương Đông ta, từ xưa người ta đã biết giá trị của… rún nên khi rún rụng, người ta phơi khô, để dành, nếu trẻ có bị đau ốm sau này thì đem ra mà mài rồi cho uống!
Chuyện tưởng dị đoan mê tín, ai dè y học hiện đại đã chứng minh máu cuống rún là những tế bào gốc rất quan trọng dùng để chữa các loại bệnh nặng như ung thư máu, suy tủy v.v… Các nước tiên tiến hiện nay đã thành lập những ngân hàng “máu cuống rún” để lưu trữ một khúc cuống rún của trẻ sơ sinh phòng sau này có khi cần đến. Dĩ nhiên là rất tốn kém.
Tại Trung tâm Truyền máu và Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu cấy ghép máu cuống rún cho một số bệnh nhân. Cũng ở phương Đông, người ta thường nhắc đến nơi “chôn nhau cắt rún” như là một nơi chốn thiêng liêng mà mọi người luôn tưởng nhớ tìm về dù bôn ba chân trời góc biển. Không chỉ vậy, người ta còn phát hiện ra rằng rún là… một trung tâm của sự sống, như não là của kiến thức và tim là của yêu thương.
Người xưa đã biết rất rõ điều này qua phương pháp dưỡng sinh, khí công. Vận khí đưa hơi xuống huyệt đan điền là một huyệt nằm ngay bên dưới rún. Cái tên “đan điền” – thửa ruộng chứa linh đan diệu dược – đủ nói lên tính chất quan trọng của vùng rún… Thở sâu, đưa hơi đến tận huyệt đan điền là một phương pháp dưỡng sinh của những người tu tiên, tìm sự trường sanh bất lão.
Về mặt sinh lý học, cơ hoành – là cơ hô hấp chính, nằm vắt ngang giữa ngực và bụng – chịu trách nhiệm về chất lượng của hô hấp. Khi ta thở, cơ hoành như cái pit-tông chạy lên chạy xuống để “bơm” khí. Khi ta thở bụng – thở cơ hoành – một cách êm, chậm, sâu, đều thì sự thông khí, trao đổi khí sẽ hiệu quả gấp đôi cách thở ngực, nhanh mà cạn… Khi ta nổi giận, bực mình, lo sợ thì cần tập trung vào hơi thở bụng chừng năm bảy lượt sẽ giúp ta bình tĩnh trở lại, quyết định đúng đắn và sáng suốt hơn; nói khác đi, hiệu quả và năng suất làm việc sẽ tăng lên.
Các trung tâm chữa bệnh suy nhược thần kinh, trầm cảm, stress… đều hướng dẫn cách thở này để trị liệu. Người càng bận rộn, bị nhiều căng thẳng thì càng cần… thở cơ hoành, thở bụng, càng phải quan tâm đến cái rún của mình nhiều hơn. Không phải vô lý mà người ta nói mỗi chúng ta là một… “cái rún của vũ trụ”!
Tóm lại, đừng quên cái… rún, đừng nghĩ cái rún là vô tích sự! Các ca sĩ, người mẫu thời trang gần đây hay mặc áo hở rún chắc cũng chỉ để nhắc mọi người phải quan tâm đến cái rún… của mình hơn, thế thôi!
Hẹn thư sau. Thân mến.