Tính đến thời điểm này, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đã đi đến những bước thủ tục quan trọng.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được đồng ý chủ trương đầu tư (cuộc họp chiều 12-5-2022). Theo kế hoạch, dự án này sẽ trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 23-5-2022.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km đi qua 4 tỉnh, thành gồm: TP.HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Trong đó, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và TP.HCM – Trung Lương tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Quy mô dự án: 4 làn xe cao tốc hạn chế với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m, 6 nút giao liên thông hoàn chỉnh và 4 chỗ ra vào cao tốc giao cắt với đường hiện hữu; đầu tư xây dựng phần đường song hành hai bên (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên 2-3 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 75.378 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương 38.741 tỷ đồng, ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng).
Nghiên cứu tiền khả thi được TP.HCM chủ trì, phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An lập báo cáo cho biết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM cùng 7 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính phủ xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò đầu tàu bởi GDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách; trong đó 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương thuộc nhóm cao nhất (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương).
Mặc dầu vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có điểm nghẽn do sự phát triển của hệ thống giao thông tại các đô thị, đặc biệt là tại TP.HCM. Hiện nay các tuyến cao tốc hiện hữu: TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, các tuyến quốc lộ (QL) hướng tâm (QL22, QL1, QL13) đều quá tải. Thời gian tới, khi đưa vào sử dụng cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành… kết hợp với sự gia tăng cơ học, sẽ tiếp tục gây khó cho hạ tầng giao thông.
Dự án hoàn thành sẽ tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh của TP.HCM và các tỉnh, có vai trò kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và hành lang xuyên Á.