Trong một bài viết mới đây trên New York Times, cây bút nổi tiếng Nicholas Kristof đặt câu hỏi rằng vì sao người Mỹ gốc Á tỏ ra thành công về kinh tế hơn so với các nhóm sắc tộc khác tại Mỹ. Nguyên do quan trọng nhất được ông đưa ra, đó là tố chất làm việc cần mẫn và tinh thần xem trọng giáo dục. Trong quyển sách Nghịch biện về thành tựu của người Mỹ gốc Á của Jennifer Lee và Min Zhou, các tác giả cho biết người nhập cư Mỹ gốc Á trong những thập niên gần đây đều có lợi thế là đạt trình độ học vấn cao và con em của tầng lớp lao động Mỹ gốc Á luôn được gia đình khuyến khích, động viên học tập và đã giành được những thành tích đáng kể.
Rõ ràng yếu tố dẫn đến thành công về mặt kinh tế chính là tinh thần hiếu học lâu đời tại phương Đông và các bậc phụ huynh gốc Á sẵn sàng đầu tư vào việc học tập, giáo dưỡng cho con em mình, mỗi gia đình đều có một góc học tập ngăn nắp cho các em, ông Kristof cho biết. Thậm chí, một nghiên cứu mới đây do ông Kristof dẫn trên New York Times cũng cho thấy dù với điểm số IQ tương tự, trẻ em gốc châu Á thường có khuynh hướng làm việc và học tập cần cù hơn.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là theo số liệu mới nhất năm 2015, nhóm sắc tộc có trình độ học vấn bậc nhất nước Mỹ không phải đến từ các quốc gia Đông Á, mà từ châu Phi. Theo dữ liệu thống kê dân số Mỹ mới đây, có hơn 43% dân số mới nhập cư từ châu Phi (khác với người Mỹ gốc Phi da đen lâu đời tại đây) sở hữu bằng cử nhân hoặc học vị cao hơn, nhỉnh hơn đôi chút so với nhóm châu Á. Trong đó, thành phần nhập cư mới từ Nigeria tỏ ra nổi bật nhất với 2/3 số người có bằng đại học, cao hơn hẳn so với số liệu từ dân nhập cư Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Trên mọi thang đo, dân nhập cư châu Phi có thành tựu học vấn cao hơn rất nhiều so với nhóm người da trắng, tương tự như tỷ lệ người da trắng so với người Mỹ da đen. Thú vị hơn, trình độ học vấn sẽ dẫn đến mức thu nhập cao hơn. Do đó, không lấy gì làm ngạc nhiên khi người Mỹ gốc Nigeria có mức thu nhập hộ gia đình trung bình cao hơn con số trung bình của toàn nước Mỹ, thậm chí cao hơn con số của người Mỹ da trắng và một số nhóm dân tộc châu Á, cụ thể là Hàn Quốc.
Do đó, điều cốt lõi chính là mỗi dân tộc trên toàn cầu đều mang trong mình một giá trị xem trọng việc học vấn và trình độ tay nghề tương tự với giá trị hiếu học tại phương Đông. Bất kể họ đến từ đâu, những gia đình nhập cư đều muốn con em mình phải xem trọng việc học, làm việc cần cù và lên kế hoạch tương lai cho gia đình. Do đó, dư luận Mỹ cho rằng đã đến lúc đất nước này nên tính đến một chính sách di dân mới tương tự như Canada và Úc. Thay vì chỉ bảo lãnh cấp thẻ xanh thường trú nhân theo diện gia đình và người thân, chính phủ Mỹ nên cân nhắc đến việc chấm điểm cấp thẻ xanh dựa trên trình độ học vấn và các tiêu chuẩn tay nghề khác, đảm bảo công dân mới sẽ cống hiến một cách tích cực và ý nghĩa hơn cho cộng đồng và quốc gia mới.
Lâm Kiên theo Bloomberg (DNSGCT)