Phải chăng cảm nhận về màu sắc, việc thường dùng những màu chói, gắt trong tranh của Vincent van Gogh là hậu quả của chứng mù màu sắc (colorblindness), mà chính từ đó đã giúp ông có những sáng tạo nghệ thuật tuyệt luân?
Mới đây, Kazunori Asada, một nhà y học và cũng là nhà thơ người Nhật đã gây được sự chú ý trong cộng đồng mạng khi công bố một bài viết với nội dung cho rằng: nhà danh họa Hà Lan, người được coi là mở đường cho trào lưu hội họa Dã thú (Fauvism), thật ra chẳng làm một cuộc cách mạng ghê gớm gì về màu sắc trong tranh mà đơn giản là thị giác của ông có vấn đề! Bài viết của Asada có cơ sở từ một cuộc thí nghiệm do chính ông thực hiện trong phòng thí nghiệm về sự nhìn màu sắc ở Hokkaido (Nhật Bản), qua đó cho thấy những người bị mắc chứng mù màu sắc “nhìn” màu ra sao và thể hiện chúng như thế nào.
Theo Asada, những tác phẩm của Van Gogh đã trở nên đẹp hơn và cũng tự nhiên hơn so với nguyên mẫu thông qua một “bộ lọc” ánh sáng riêng của mắt ông. “Tuy nhiên, tính chất phi lý của màu sắc và đường nét thô ráp đã dần mất đi; từng hình ảnh trong tranh đã thay đổi để trở nên rực rỡ với những đường nét và sự chuyển màu hết sức tinh tế” – Asada viết. Nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm với một phần mềm cho phép tạo nên những sự biến đổi khác nhau của chứng mù màu sắc, từ đó thiết lập một dải quang phổ bị hạn chế mà khi so sánh rất gần với bảng màu trong các tác phẩm của Van Gogh. Có thể sự trục trặc về thị giác khiến mắt nhìn của nhà họa sĩ thiếu sự cảm thụ màu đỏ. Và theo Asada, có thể thấy rõ điều đó qua tác phẩm Cánh đồng lúa mì phía sau bệnh viện Saint-Paul của ông, ở đó những sắc cam và đỏ trong thực tế đã trở thành màu vàng của lá thu. Hay trong tác phẩm Đêm đầy sao, màu xanh cũng trở nên vàng hơn, trở thành một màu lạ lùng. Còn có thể dẫn ra những sắc màu kỳ lạ trong các bức Hoa hướng dương, Người gieo hạt…
Tất nhiên, những người hâm mộ Van Gogh đã phản ứng mạnh mẽ trước các luận điểm của Asada. Theo họ thì màu sắc trong tranh Van Gogh không bắt buộc phải giống hệt như trong thực tế cuộc sống. Và nghệ thuật thì chẳng dính dáng gì tới các phần mềm tin học! Chưa kể những bức tranh Van Gogh mà Asada chỉ được nhìn qua máy tính không trung thực về màu sắc, bản chính trong các bảo tàng trông hoàn toàn khác. Và làm sao có thể khẳng định Van Gogh là một người “mù màu”? Nếu thế thì những họa sĩ các thế hệ sau Van Gogh, theo trào lưu Hậu Ấn tượng và Dã thú chắc thị giác còn… tệ hơn nữa! Kết luận như Asada thì chắc chắn Paul Gauguin và André Derain cũng “mù màu” nốt! Dù sao thì những gì Asada công bố cũng chẳng gây hại gì cho một thiên tài hội họa, tranh của ông vẫn đứng đầu bảng về giá so với tác phẩm thuộc mọi thời đại, mọi trào lưu hội họa.