Câu chuyện sau đây kể về một tình huống trong cuộc phỏng vấn để tuyển dụng nhân viên mới. Hôm đó có hai ứng viên được phỏng vấn cho một vị trí công việc. Người phỏng vấn vốn là một nhà quản trị có kinh nghiệm đã nêu yêu cầu cho ứng viên đầu tiên như sau: “Hãy kể cho tôi nghe về đặc tính chung của những người ở doanh nghiệp mà bạn vừa rời bỏ để đến đây”.
Ứng viên ấy trả lời: “Họ thất học và lười biếng. Tôi đã phải luôn canh chừng họ vì họ thường muốn chuồn ra khỏi công ty. Họ thường lớn tiếng trao đổi với nhau, luôn chống lại mọi thay đổi và chỉ chú tâm lo cho chính bản thân mà thôi”.
Người phỏng vấn lên tiếng: “Thật là quá tệ rồi còn gì! Nhưng tôi xin lỗi là bạn sẽ gặp ở doanh nghiệp này những con người y như bạn đã mô tả. Nói như vậy thì có thể là bạn sẽ không cảm thấy thú vị gì với công việc đang chờ đợi bạn ở đây, phải không?”.
Ứng viên tiếp theo là một cô gái. Cũng nhận được đúng câu hỏi dành cho người đã vào trước, cô gái trả lời: “Ồ, những con người ở đó rất tuyệt vời. Mặc dù một số người còn gặp khó khăn trong giao tiếp nhưng họ vươn tới thành công rất nhanh. Một khi đã hiểu nhau thì họ giúp đỡ nhau rất tận tình”. Người phỏng vấn nói: “Bạn sẽ gặp cùng những con người như vậy ở đây. Họ rất tuyệt vời và cũng đang chờ bạn đấy”.
- Xem thêm: Câu chuyện về ứng viên
Có đủ nghìn lẻ một lý do để giải thích vì sao người ta ra khỏi một công ty để tìm đến một nơi khác, nhưng cái nhìn về con người là một yếu tố quyết định cho thành công ở nơi làm việc mới.
Nếu mang theo cái nhìn luôn có màu xám về mọi người xung quanh thì dù đi đến đâu, màu xám ấy vẫn cứ đeo đuổi. Chuyển từ góc nhìn này sang một góc nhìn sáng sủa hơn là điều mà nơi tiếp nhận người mới trông đợi ở các ứng viên, hay ít ra là thái độ sẵn sàng nhìn nhận sáng sủa hơn về con người trong môi trường làm việc.
Người mới đến có thể nghĩ rằng nên quên đi môi trường mình vừa rời bỏ. Chuỗi những ngày trên hành trình tìm nơi làm việc “lý tưởng” sẽ không có điểm dừng trừ phi người tìm việc dừng lại để suy nghĩ tìm cách góp phần làm cho môi trường nơi mình sắp hòa nhập được tốt hơn. Sẽ không có sẵn những môi trường làm việc “lý tưởng”, mà chỉ có những môi trường làm việc đang chờ đón người mới đến góp sức làm cho chốn ấy trở thành “lý tưởng”.
Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với các vị trí quản lý, tức là không hề có sẵn một đội ngũ nhân viên “lý tưởng”, mà chỉ có những nhân viên đang làm việc bình thường và chờ đón nhà quản trị mới. Trách nhiệm của nhà quản trị là giúp họ trở thành một đội ngũ nhân viên “lý tưởng”.
Thực tế đó luôn là một thách thức lớn đối với nhà quản trị mới nhận việc. Anh ta không cần thể hiện nhiều về chuyên môn, cũng không phải mất toàn bộ thời gian cho việc thu phục nhân tâm, mà điều quan trọng hơn khiến anh ta phải tốn nhiều công sức và thời gian nhất chính là làm sao cho đội ngũ nhân viên dưới quyền trở thành “lý tưởng”.
- Xem thêm: Tìm ứng viên có niềm đam mê công việc
Nhân viên tại doanh nghiệp mà anh ta vừa đến luôn biết những giá trị đóng góp của người mới đến và họ cũng biết phải làm gì để cùng với người mới đến giải quyết thành công hơn những công việc đã rất đỗi quen thuộc của họ.