Sau gần 6 tháng hoạt động, Trại hè Lập trình (Coding Bootcamp) của STEAM for Vietnam đã tiếp cận hơn 7.000 trẻ em, tạo ra hơn 10.000 dự án trên hệ thống ngôn ngữ lập trình của Scratch. Điều đặc biệt là chương trình quy tụ hàng trăm giáo viên, tình nguyện viên là những người thành công trên thế giới, tạo ra hơn 48.000 giờ học miễn phí cho học sinh thích lập trình.
Chị Nguyễn Phương Thủy, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành STEAM for Vietnam cho biết: “Nếu “quy ra thóc” thì khoản tiền trả cho đội ngũ tình nguyện viên là rất lớn, vì họ là những người đang làm việc ở Silicon Valley cũng như các tập đoàn lớn, trường đại học danh tiếng trên thế giới. Chẳng hạn như anh Lương Thế Vinh, chuyên gia Trí tuệ Nhân tạo về Internet Vạn vật (IoT AI), mức lương của anh tại Arimo (trực thuộc tập đoàn Panasonic Bắc Mỹ) hiếm có công ty nào có thể trả nổi, anh vẫn sẵn sàng đầu tư cả trăm giờ không nhận lương, cùng làm việc với hơn một trăm tình nguyện viên khác của STEAM for Vietnam. Ngoài ra, chương trình còn được hỗ trợ bởi đội ngũ kỹ sư, vận hành, hậu kỳ, thiết kế đồ hoạ, trợ giảng… Điều đáng quý là toàn thể giảng viên, tình nguyện viên đều vui vẻ làm việc mà không nhận thêm bất cứ một khoản thù lao nào. Tất cả đều chỉ muốn đóng góp sức mình cho thành công của thế hệ Việt trong tương lai”.
___Dễ thấy rằng các tình nguyên viên đã bỏ không ít công sức, thời gian cho chương trình. Điều gì đã khiến họ làm việc “không công” một cách vui vẻ như vậy?
Vì mọi người có cùng trăn trở: Năng lực người Việt Nam không thua kém người nước ngoài, vì sao người Việt không có những tài năng xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ? Nếu được tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo kỹ năng mềm từ sớm, thì những tài năng Việt trẻ sẽ tạo nên những sản phẩm công nghệ mang tầm thế giới, đó là niềm tin của chúng tôi.
Theo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về khoa học, cao hơn cả Hoa Kỳ và Anh. Trước đó, năm 2012, học sinh Việt Nam đứng thứ 16 về Toán và 18 về đọc hiểu, vẫn dẫn trước học sinh Hoa Kỳ, Anh và nhiều nước phát triển khác. Tuy nhiên, số người Việt Nam thật sự xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ lại không nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính xuất phát từ giáo dục.
Những người xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ như: Elon Musk, Mark Zuckerberg hay Bill Gates… đều đã tiếp xúc với máy tính từ khi mới 10 tuổi. Ở Việt Nam việc học sinh tiếp xúc hay được đào tạo bài bản về công nghệ ở độ tuổi này là rất ít. Đến khi vào đại học, chương trình đào tạo cho các em lại không tập trung vào đào tạo kỹ sư làm sản phẩm, mà chủ yếu đào tạo kỹ sư gia công phần mềm để học nhanh và dễ kiếm việc làm. Bên cạnh đó, các em cũng còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, đều là những yếu tố quan trọng giúp một cá nhân có thể thành công trong môi trường làm việc toàn cầu như hiện nay.
Rất nhiều tình nguyện viên của STEAM for Vietnam đang học tập và làm việc ở nước ngoài đều cảm nhất rất rõ những hạn chế trên. Vì vậy, chúng tôi đặt cho mình sứ mệnh mang giáo dục STEAM miễn phí đến cho hàng triệu trẻ em Việt Nam và giúp đưa tài năng Việt Nam toả sáng nơi biển lớn.
Năng lực người Việt Nam không thua kém người nước ngoài, vì sao người Việt không có những tài năng xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ? Nếu được tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo kỹ năng mềm từ sớm, thì những tài năng Việt trẻ sẽ tạo nên những sản phẩm công nghệ mang tầm thế giới, đó là niềm tin của chúng tôi.
___Làm thể nào để STEAM for Vietnam có thể phục vụ hàng ngàn học sinh chỉ trong thời gian ngắn và còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid?
Đó là nhờ áp dụng hình thức giáo dục Online kết hợp Offline – OMO (Online – Merge – Offline). Theo đó, một giáo viên giỏi ở bất cứ đâu cũng có thể dạy học trực tuyến (online). Học sinh có lựa chọn ngồi học ở nhà, hoặc tập hợp thành nhóm để cùng theo dõi bài giảng livestream. Mặt khác, đội ngũ trợ giảng sẽ giải đáp các câu hỏi của học sinh ngay trong buổi học (offline). Đội ngũ trợ giảng giúp học sinh tập trung tốt hơn và hỗ trợ các em hiểu bài nhanh hơn. Mô hình OMO giúp chúng tôi mang đến chương trình giáo dục hiệu quả cho không chỉ 7.000 mà thậm chí vài chục, vài trăm ngàn học sinh trong các khoá tiếp theo.
___Các chương trình lập trình mới mẻ không dễ dàng với các em học sinh. Làm thế nào để đông đảo các bạn nhỏ học hào hứng và say mê?
Ngôn ngữ lập trình Scratch về lý thuyết thì khá khô khan, nhưng chương trình học đã được thiết kế với tiêu chí “học mà chơi, chơi mà học”, nên các em học rất vui. Sau mỗi buổi học, các em có thể thiết kế ra một game để chơi và chia sẻ với gia đình, bạn bè ngay lập tức. Nhờ đó, cho dù mỗi buổi học kéo dài gần hai tiếng đồng hồ và khối lượng bài tập về nhà và kiến thức cần tiếp thu là không nhỏ, các học sinh vẫn hăng hái chờ đến giờ để tham gia lớp học.
Thật sự, chúng tôi cảm thấy rất ngạc nhiên trước tinh thần học hỏi hăng say và sáng tạo của các em. Nhiều em có khả năng giải thích và trình bày ý tưởng cực kỳ tự tin, đặc biệt còn có những học sinh Việt Nam thuyết trình bằng tiếng Anh vô cùng lưu loát. Nhiều học sinh thức đến 1-2 giờ sáng để cố hoàn thành dự án một cách tự giác. Có những em bình thường mất cả tiếng để ăn xong một bát cơm, giờ lại ăn uống rất nhanh chóng để kịp giờ học livestream với thầy cô. Có lẽ không chỉ những người làm chương trình mà cả các bậc phụ huynh cũng phải ngạc nhiên trước khả năng kiên trì và đam mê học hỏi của con mình, dù nhiều em chỉ mới năm, sáu tuổi hay đang học chưa hết cấp hai.
___Một số phụ huynh nói rằng chỉ có ngoại ngữ mới thật sự cần thiết, còn lập trình hoặc các môn STEM thì trẻ phải có trí thông minh nổi trội mới học được?
Trái ngược với quan điểm đây là môn học chỉ dành cho những trẻ có trí thông minh nổi trội, lập trình, với bước đầu là học Tư duy Máy tính, giúp các em xây dựng và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu được học lập trình từ sớm, học sinh sẽ có cơ hội trau dồi kỹ năng tư duy logic và hiệu quả. Nhờ đó các em có thể nhìn nhận, phân tích vấn đề nhanh nhạy hơn, giải quyết vấn đề tối ưu hơn trong mọi thử thách ở môi trường học thuật cũng như cuộc sống.
Hơn thế nữa, công nghệ đang len lỏi vào từng ngõ ngách của trong cuộc sống. Từ việc mua sắm, ăn uống, giải trí hay gần gũi nhất chính là việc học tập của các bạn nhỏ, chúng ta đều sử dụng các sản phẩm công nghệ. Quá trình số hoá này yêu cầu mỗi cá nhân phải có kiến thức nền tảng về công nghệ để nắm bắt và ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn vào công việc và cuộc sống.
Ngôn ngữ của máy tính chính là ngôn ngữ của công nghệ. Do đó học lập trình để hiểu được cách máy tính làm việc như thế nào, hiểu được cách công nghệ hoạt động ra sao giúp trẻ có một nền tảng vững chắc để nắm bắt công nghệ. Trong tương lai không biết lập trình có thể bị coi là “mù chữ”.
Ngôn ngữ của máy tính chính là ngôn ngữ của công nghệ. Do đó học lập trình để hiểu được cách máy tính làm việc như thế nào, hiểu được cách công nghệ hoạt động ra sao giúp trẻ có một nền tảng vững chắc để nắm bắt công nghệ.
___Vì sao cần có thêm phần Nghệ thuật (Arts) trong chương trình, các hoạt động hay các bài giảng liên quan đến nghệ thuật sẽ được đưa vào chương trình thế nào?
Nghệ thuật là yếu tố mà ít người nghĩ đến khi nói đến các môn khoa học thuộc nhóm ngành STEM. Vậy nhưng, STEAM for Vietnam nhận thấy rằng đây là một lĩnh vực quan trọng giúp cân bằng sự phát triển trong tư duy của các em học sinh.
Không đơn thuần là tranh vẽ hay hình ảnh, các môn nghệ thuật còn bao gồm nhân văn học, ngôn ngữ học, khiêu vũ, kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, thiết kế và phương tiện truyền thông mới (new media). Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và nghệ thuật, tạo nền tảng cho sự phát triển đồng đều ở cả hai bán cầu não trái – phải của trẻ. Kỳ học mùa Xuân 2021 này, trong các lớp học của Spring Coding Bootcamp, yếu tố nghệ thuật sẽ được đưa vào các bài học một cách tự nhiên và hứng thú, thông qua các lớp học Hoạt họa sử dụng phần mềm điện tử hay xây dựng mô hình và điều khiển robot ngoài thực tế.
Bổ sung phần nghệ thuật này, trại hè cũng đã thay đổi quan niệm học lập trình là khó khăn và khô khan, các em thật sự đã được trải nghiệm một cách học hoàn toàn mới “học mà chơi, chơi mà học”, thậm chí khi khoá học đã kết thúc mà các em vẫn muốn học mãi.
Toàn thể giảng viên, tình nguyện viên đều vui vẻ làm việc mà không nhận thêm bất cứ một khoản thù lao nào. Tất cả đều chỉ muốn đóng góp sức mình cho thành công của thế hệ Việt trong tương lai
Anh Tuấn Anh – Kỹ sư Phần mềm tại Microsoft (Hoa Kỳ), Tình nguyện viên:
“Mình rất ấn tượng với toàn bộ đội ngũ của STEAM for Vietnam. Mọi người làm việc rất chuyên nghiệp và chăm chỉ, mặc dù ai cũng đều có công việc hoặc lịch học tập khác. Điều này làm mình càng cảm thấy tự hào về thế hệ trẻ Việt Nam rất giỏi, nhiệt huyết, và muốn đóng góp cho các thế hệ đi sau và cho đất nước mình”.
Chị Hoàng Phương Nga – Thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Boulder (Colorado, Hoa Kỳ), Giảng viên của Trại hè:
“Khi mà tất cả mọi người đều làm việc qua Internet, không còn khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Mỹ nữa, mình sẽ tận dụng cơ hội này để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Đó chính là phổ cập lập trình dành cho tất cả các em nhỏ ở Việt Nam”.
Chị Nguyễn Thu Thảo (cô Joy) – Quản lý đội ngũ vận hành:
“Điều quan trọng nhất mà chúng mình hướng tới là truyền tải cho các bé về Tư duy Máy tính; giúp các bé có thể nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách logic, khoa học nhất.”
Anh Nguyễn Trung Hiếu – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Kinh doanh Columbia (Hoa Kỳ), Tình nguyện viên:
“Ở STEAM for Vietnam, mình không chỉ học được từ những anh chị đi trước mà còn có cơ hội đem đến những bài giảng thú vị dành cho các bạn nhỏ ở Việt Nam. Là một người yêu thích việc truyền đạt cho các bạn trẻ, mình tin rằng những kinh nghiệm học được tại đây sẽ vô cùng quý báu đối với mình”.
Anh Nguyễn Song Hà – Kỹ sư phần mềm tại Code.org (Seattle, Hoa Kỳ), Giảng viên Trại hè Lập trình 2020:
“Điểm chung mà mình rất ấn tượng là nếu như mình có thể khơi dậy sự tò mò trong các em thì gần như các em có thể tự học và cần ít sự trợ giúp của giáo viên. Và tạo ra những kết quả luôn làm cho mình bất ngờ”.