Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu từ sáng 11-8 và trong chiều 14-8, cơ quan này sẽ cho ý kiến xoay quanh dự thảo mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại điều 5 của Nghị quyết 35/2012/QH13. Điều 5 của nghị quyết trên quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, bao gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống…, nhưng mẫu báo cáo với những yêu cầu nội dung cụ thể lại chưa được quy định rõ.
Do vậy, ở lần lấy phiếu đầu tiên hồi giữa năm 2013, có bản báo cáo được viết dài gần ba chục trang, nhưng có bản ngắn chỉ chưa đầy hai trang, chưa kể một số báo cáo khá giống một phần báo cáo của Chính phủ trước mỗi kỳ họp Quốc hội, mà không đi sâu vào việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, còn tồn tại, hạn chế dù được nêu ra nhưng rất chung chung. Việc sửa đổi Nghị quyết 35 đã không thể hoàn thành tại kỳ họp giữa năm 2014 như dự kiến, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải lấy ý kiến của các thành viên trong phiên họp thứ 30 nhằm đảm bảo cho việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện trong kỳ họp cuối năm nay theo đúng quy định và chương trình làm việc của Quốc hội. Mẫu báo cáo cùng những hướng dẫn cụ thể được Trưởng ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Trong quá trình góp ý sửa đổi Nghị quyết 35, đã có những ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nội dung báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, ví dụ người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm viết bổ sung phần tự đánh giá về hạn chế, thiếu sót của bản thân và phương hướng khắc phục hoặc phải có hướng dẫn cụ thể thời hạn gửi báo cáo và thêm mẫu báo cáo dành cho người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đối với từng chức vụ. Một số đại biểu còn đề nghị báo cáo này cần có nhận xét của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua vì việc này có thể sẽảnh hưởng đến việc đánh giá của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Nguyễn Thắng