Unilever quyết định thay CEO Paul Polman bằng một nhân vật nội bộ để duy trì mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận hoạt động lên tới 20% vào năm 2020.
Paul Polman, 62 tuổi, quyết định rời khỏi vị trí CEO Unilever và trở thành thành viên hội đồng công ty từ ngày 31-12-2018, đến đầu tháng 7-2019 ông sẽ rời công ty. Giá trị vốn hóa của Unilever tăng từ 47 lên 128 tỉ euro, cổ phiếu tăng trưởng 172% và mức lợi suất mà cổ đông thu về (bao gồm cả cổ tức) đã tăng 274% so với khi Polman bắt đầu quản lý Unilever.
Nguyên nhân khiến vị CEO tài giỏi như Polman từ chức được cho là ý định dời trụ sở Unilever từ Anh sang Hà Lan của ông bị phản đối bởi các cổ đông tại Anh, buộc ông và Chủ tịch Unilever Marijn Dekkers phải bác bỏ kế hoạch.
Sau khi ông từ chức, hội đồng quản trị đã trải qua một quá trình lựa chọn khắt khe và quyết định chọn Alan Jope làm người kế nhiệm của Paul Polman. Việc bổ nhiệm một ứng viên nội bộ có thể đảm bảo tính liên tục để Unilever hướng đến mục tiêu năm 2020.
Alan Jope, 54 tuổi, phụ trách mảng kinh doanh chăm sóc cá nhân và sắc đẹp – lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của Unilever – từ năm 2014. Theo Bloomberg, dưới sự lãnh đạo của ông lĩnh vực này đã mang lại 3,6% tăng trưởng doanh thu tự thân và chỉ số EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) của ngành đạt 21%.
Nhận ghế nóng từ Paul Polman, Jope phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong cách mà người tiêu dùng tại các thị trường có mặt Unilever. Ngành hàng tiêu dùng đang trong thời kỳ tăng trưởng doanh thu chậm hơn. Người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ tuổi, không còn trung thành với những nhãn hiệu nổi tiếng.
Trong khi đó các nhãn hàng mới như kem Halo-Top hay bánh snack Kind nhanh chóng chiếm được thị phần của Unilever. Chưa kể đến sự trỗi dậy của mua sắm trực tuyến đã làm thay đổi cả bức tranh bán lẻ… Khi trở thành CEO vào tháng 1-2019, một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Jope là làm sao để các cổ đông đều đứng về phía ông, đặc biệt sau nỗ lực dời trụ sở thất bại của Unilever gần đây.
Năm 2017, doanh thu toàn cầu của Unilever đạt 62,62 tỉ USD. Jope có thể sẽ tiếp tục thi hành kế hoạch ba năm được vạch ra bởi Polman vào năm 2017, nhắm đến mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận hoạt động lên tới 20% vào năm 2020 trong khi tạo ra tăng trưởng doanh thu 3 – 5%. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Martin Deboo thuộc Jefferies, mục tiêu này có vẻ là quá tham vọng trong bối cảnh tăng trưởng doanh số bán của ngành hàng tiêu dùng vẫn cứ mãi ì ạch.
Tuần trước, Unilever đã cảnh báo rằng tăng trưởng doanh số trong nửa đầu năm tài chính sẽ giảm so với mục tiêu 3 – 5% trong cả năm, trong khi các cổ phiếu giảm tới 4,5%. Unilever đổ lỗi các cuộc đình công ở Brazil đã khiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến và sẽ cắt giảm doanh thu 150 triệu euro (177 triệu USD) trong quý II.
Tuy nhiên, Alan Jope đang đặt kỳ vọng vào thương vụ thâu tóm nhãn hàng chăm sóc da nổi tiếng Carver Korea với giá 2,2 tỉ euro vào năm ngoái và Dollar Shave Club với giá 1 tỉ USD. Các nhãn hàng mới này sẽ được Jope sử dụng như “thuốc kích thích tăng trưởng” của Unilever trong tương lai.
Nhiều người cho rằng dưới thời của Jope, Unilever sẽ đẩy mạnh mảng sản phẩm chăm sóc cá nhân và sắc đẹp có biên lợi nhuận cao hơn. Giới chủ ngân hàng thì đề nghị Unilever thực hiện một cuộc thâu tóm chiến lược như mua lại nhà sản xuất mỹ phẩm Estée Lauder Cos, hoặc chia tách mảng thực phẩm có biên lợi nhuận thấp hơn.
Ngoài ra, Unilever khi đưa Jope lên chiếc ghế cao nhất cũng muốn vị quản lý nhiều kinh nghiệm với số hóa này sẽ kết nối được với thế hệ khách hàng millennial, qua đó khắc phục được lỗ hổng lớn là thiếu khách hàng mới trong nhiều năm qua.