LTS. Mạng xã hội mới đây lan truyền bài viết nhắc đến cái chết trẻ của một số diễn viên, ca sĩ bị ung thư dạ dày sớm, báo động căn bệnh này đang ngày càng nguy hiểm nhưng có một số thông tin chuyên môn chưa chuẩn xác. Để bạn đọc hiểu đúng loại ung thư thường gặp và gây tử vong hàng đầu này, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của ThS-BS. Phạm Công Khánh (Phó trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) – một bác sĩ có kinh nghiệm chuyên sâu về phẫu thuật nội soi đường tiêu hóa, từng điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị ung thư sớm
Trên toàn cầu, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến ung thư. Ung thư dạ dày sớm chiếm 15-57% tổng số ung thư dạ dày được phát hiện, thay đổi tùy thuộc vùng địa lý và chiến lược tầm soát. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày sớm cũng đã được quan tâm nhiều trong khoảng 10 năm nay. Tỷ lệ phát hiện ung thư sớm cũng tăng dần (khoảng 10%) dù chưa ngang bằng các nước nhiều kinh nghiệm như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Khái niệm “ung thư dạ dày sớm” bắt nguồn từ Nhật Bản năm 1962. Khi đó, ung thư dạ dày sớm được định nghĩa là những tổn thương ác tính ở dạ dày có thể điều trị thành công bằng phẫu thuật.
Hiện nay, ung thư dạ dày sớm là những tổn thương ung thư biểu mô tuyến giới hạn ở lớp niêm mạc hay lớp dưới niêm mạc dạ dày (chưa xâm lấn vượt quá lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày), bất kể sự hiện diện hay không của hạch di căn.
Ung thư dạ dày sớm thường có triệu chứng không đặc hiệu. Người bệnh có thể có các triệu chứng như khó tiêu, đau thượng vị, buồn nôn hay chán ăn. Hầu hết ung thư dạ dày sớm được chẩn đoán qua các chương trình tầm soát và không có triệu chứng.
Những triệu chứng báo trước mơ hồ thường xuất hiện trước khi chẩn đoán ung thư sớm khoảng 6-12 tháng và 90-95% những người bệnh này không được tầm soát ung thư dạ dày. Ung thư sớm dạng loét có thể có các triệu chứng báo trước sớm hơn dạng tổn thương phẳng hay nhô cao.
Khó tiêu chức năng là triệu chứng có tần suất lưu hành cao trong cộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân ung thư dạ dày sớm được chẩn đoán tình cờ qua nội soi khi người bệnh đi khám vì đau thượng vị, ăn mau no, đầy bụng sau ăn…
Làm sao phát hiện bệnh sớm?
Có hai phương pháp chủ yếu được sử dụng trong tầm soát ung thư dạ dày là:
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: có thể quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết những tổn thương tiền ung thư như viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm chuyển sản hay loạn sản và nghi ngờ ung thư dạ dày. Mặc dù nội soi là kỹ thuật xâm lấn có chi phí cao nhưng là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao nhất trong tầm soát ung thư dạ dày.
Chụp X-quang dạ dày đối quang kép: là kỹ thuật không xâm lấn và sử dụng tia X để phát hiện những tổn thương ung thư dạ dày dạng loét, thâm nhiễm và ung thư sớm. Tuy nhiên, kỹ thuật này có tỷ lệ âm tính giả (bỏ sót tổn thương) cao, có thể lên đến 50%. Đối với ung thư dạ dày sớm, độ nhạy của phương tiện hình ảnh này chỉ 14-15%.
Hiện nay chương trình tầm soát ung thư dạ dày được thực hiện tại một số quốc gia có tần suất lưu hành cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Venezuela… Tại các quốc gia có tần suất lưu hành ung thư dạ dày thấp, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng tầm soát chỉ nên thực hiện đối với nhóm nguy cơ cao, bao gồm: polyp tuyến của dạ dày; thiếu máu ác tính; chuyển sản ruột; hội chứng đa polyp tuyến gia đình; hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng đa polyp Juvenile…
Bên cạnh nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng tầm soát ung thư dạ dày sớm, cần tầm soát nhiễm và điều trị Helicobacter pylori (H.pylori) trong cộng đồng tại các quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày cao. Tuy nhiên, những vùng có tần suất lưu hành ung thư dạ dày thấp thì tầm soát và tiệt trừ H. pylori đối với những người không có triệu chứng đã không mang lại hiệu quả giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là phương pháp hiệu quả nhất để tầm soát và chẩn đoán ung thư dạ dày sớm. Nội soi có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với chụp X-quang dạ dày đối quang kép.
Hiện nay, nội soi thực quản – dạ dày- tá tràng có độ chính xác 90-96% chẩn đoán ung thư dạ dày sớm. Qua nội soi, thầy thuốc có thể phát hiện được những hình ảnh nguy cơ cao xuất hiện ung thư dạ dày sớm như viêm teo niêm mạc dạ dày mức độ nặng hay viêm chuyển sản ruột. Với những tổn thương này, bác sĩ nội soi sẽ quan sát kỹ và tiến hành sinh thiết hệ thống để chẩn đoán và theo dõi định kỳ. Ung thư dạ dày sớm có thể có hình ảnh nhô cao, dạng phẳng, dạng lõm hay loét. Đánh giá chính xác và tỉ mỉ hình ảnh đại thể ung thư dạ dày sớm góp phần tiên lượng mức độ xâm lấn, di căn hạch và chọn phương pháp điều trị thích hợp qua nội soi hay phẫu thuật.
Biết sớm trị lành
Ung thư dạ dày sớm có tiên lượng tốt hơn (tỷ lệ sống còn sau 5 năm khoảng 90%) so với ung thư tiến triển (giai đoạn muộn). Hầu hết, ung thư dạ dày sớm thường được điều trị qua nội soi (cắt niêm mạc và cắt dưới niêm mạc). Tuy nhiên, ung thư dạ dày sớm có di căn hạch hay nguy cơ cao (tùy theo kích thước, hình dạng và mức độ xâm lấn của u) sẽ được điều trị bằng phẫu thuật cắt dạ dày kết hợp nạo hạch vùng và hóa trị.
Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày sớm được thực hiện phổ biến tại nhiều trung tâm phẫu thuật nội soi trên toàn thế giới. Các kết quả nghiên cứu cho thấy phẫu thuật nội soi mang lại khả năng phục hồi nhanh hơn, ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn và tính thẩm mỹ cao hơn. Tại Nhật Bản, phẫu thuật cắt dạ dày kèm nạo hạch là tiêu chuẩn vàng trong điều trị ung thư dạ dày cho tất cả bệnh nhân có thể phẫu thuật, kể cả ung thư dạ dày sớm. Tuy nhiên, phẫu thuật triệt để cũng có nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng, đặc biệt có thể làm giảm chất lượng cuộc sống trong thời gian dài. Ngoài ra, tiệt trừ H. pylori cần được thực hiện đối với tất cả người bệnh ung thư dạ dày sớm khi có bằng chứng nhiễm và hóa trị đối với ung thư dạ dày sớm giai đoạn II hay cao hơn.
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư dạ dày. Tuy nhiên, để phòng ngừa và giảm nguy cơ phát triển bệnh, cộng đồng cần có chế độ ăn hợp lý, lối sống lành mạnh, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học. Ăn nhiều chất xơ và rau củ quả tươi, ăn ít chất béo và thịt. Giảm số lượng thực phẩm mặn, ngâm muối, hun khói… trong chế độ ăn. Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Tăng cường vận động bằng cách chơi các môn thể thao, chạy bộ, tập thể dục… Chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ (có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày; khi có triệu chứng viêm loét dạ dày…).
Tiến bộ trong phát hiện ung thư dạ dày sớm nhờ vào sự phát triển những kỹ thuật hình ảnh mới như hình ảnh ánh sáng dải băng tần hẹp và hình ảnh phát huỳnh quang. Hiện nay, những kỹ thuật này đã được ứng dụng trong chẩn đoán ung thư sớm của toàn bộ đường tiêu hóa. Sự hiểu biết về mô bệnh học và bệnh sinh của ung thư dạ dày sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh. Phát hiện và chẩn đoán ung thư dạ dày sớm là yếu tố quan trọng nhất góp phần tăng tỷ lệ điều trị khỏi và cải thiện tiên lượng.