Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày cao trên thế giới. Ước tính hằng năm có khoảng 15 ngàn trường hợp ung thư dạ dày được chẩn đoán, trong đó có đến 11 ngàn ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày ở nước ta cũng được xếp hạng cao trên thế giới do có hơn 75% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng của ung thư dạ dày
Nói đến ung thư dạ dày, chúng ta thường nghĩ đến nhiều yếu tố nguy cơ như: chế độ ăn nhiều muối, thịt nướng và các loại thịt hun khói, hút thuốc lá nhiều, yếu tố di truyền. Ngoài ra còn một số nguyên nhân nguy cơ khác có thể kể đến như: người từng phẫu thuật dạ dày, bệnh nhân thiếu máu ác tính, bệnh béo phì, các vi-rút Epstein-Barr có thể được liên kết bất thường, phơi nhiễm phóng xạ… Tuy nhiên, y học chứng minh rằng tình trạng nhiễm trùng mãn tính do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) mới là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày cao nhất. Bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày kéo dài có nguy cơ phát triển ung thư dạ dày gấp sáu lần người bình thường.
Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu chỉ có một số triệu chứng khó chịu như: ăn không tiêu và không ngon miệng, nóng rát vùng thượng vị… Ở giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân hay có những biểu hiện: mệt mỏi, đầy bụng sau ăn. Có thể thấy rằng ở cả hai giai đoạn này, triệu chứng của ung thư dạ dày thường khá mơ hồ và thường nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Vì vậy, người bệnh thường có tâm lý chủ quan, là một tình trạng phổ biến. Chỉ đến khi ở giai đoạn muộn, bệnh mới có những triệu chứng rõ rệt như: thường xuyên đau bụng, buồn nôn đi kèm với rối loạn tiêu hóa, sút cân, nuốt nghẹn, đại tiện ra phân đen (do xuất huyết tiêu hóa)…
Việc phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Vì chỉ cần cắt “hớt” niêm mạc dạ dày (không nhất thiết phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày) ở giai đoạn sớm thì cơ hội khỏi bệnh lên đến hơn 90% (trong khi việc chữa trị ở giai đoạn muộn mang lại cơ hội sống năm năm chỉ khoảng 5%). Nhưng thực tế thì không nhiều người chúng ta quan tâm đến việc thăm khám định kỳ để phát hiện ung thư dạ dày. Hơn nữa, nội soi dạ dày – phương pháp chủ yếu chẩn đoán ung thư dạ dày trong giai đoạn sớm – lại là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đây cũng là nguyên nhân vì sao phần lớn các trường hợp ung thư dạ dày ở nước ta đều được phát hiện khi đã quá muộn.
Ung thư dạ dày – nguy cơ có thể tránh được
Giải thưởng Nobel về Y học năm 2005 phát hiện vi trùng Helicobacter Pylori như là một tác nhân chính gây ung thư dạ dày, đã mở ra một con đường mới đầy hy vọng trong việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh ác tính này. Từ phát hiện này, y học khẳng định rằng ung thư dạ dày là nguy cơ có thể phòng tránh được và việc phát hiện sớm để điều trị cho kết quả khả quan.
Làm thế nào để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm? Đơn giản nhất là đi khám định kỳ hằng năm, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi, nội soi định kỳ hai năm một lần, đặc biệt có những triệu chứng tiêu hóa dù mơ hồ. Ở Nhật hiện có chương trình tầm soát ung thư dạ dày sau 35 tuổi và Hàn Quốc là sau 40 tuổi, chúng ta cũng nên học hỏi họ. Khám sức khỏe định kỳ có thể tầm soát các bệnh lý thông thường và một số bệnh lý chuyên sâu phổ biến (như ung thư, tim mạch) ngay từ giai đoạn khởi phát bệnh. Việc phát hiện và điều trị các bệnh lý ở giai đoạn sớm mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn là cho bác sĩ. Vì điều này không chỉ giúp bệnh nhân đạt tỷ lệ điều trị thành công cao, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí điều trị mà còn giảm thiểu các đau đớn, hao tổn về sức khỏe đối với bệnh lý ung thư.
Chúng ta có thể phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ như: điều trị nhiễm trùng do Helicobacter Pylory, không hút thuốc lá, tránh ăn các thức ăn nhiều muối, nhiều gia vị. Khẩu phần ăn hằng ngày nên có nhiều rau cải, cam, chanh nhiều vitamin C… vì các loại thực phẩm này không chỉ phòng ngừa ung thư dạ dày mà còn bảo vệ cơ thể khỏi các loại ung thư khác. Và nhất thiết không thể bỏ qua việc khám bệnh định kỳ để phát hiện tổn thương dạ dày nếu có.
Nội soi dạ dày về phương diện kỹ thuật là một thủ thuật an toàn và đơn giản. Các máy nội soi ngày càng được thiết kế nhỏ gọn, tạo sự dễ chịu cho bệnh nhân. Chúng ta có thể lựa chọn nội soi qua đường mũi, một kỹ thuật mà máy soi chỉ bằng khoảng một phần tư so với dây soi tiêu chuẩn và do đi bằng đường mũi nên bệnh nhân hoàn toàn có thể trò chuyện vui vẻ trong lúc thực hiện thủ thuật. Trong trường hợp nội soi vẫn là nỗi ám ảnh quá lớn thì phương pháp nội soi dạ dày gây mê là một lựa chọn tốt. Với thủ thuật này, nhiều người còn không biết mình vừa trải qua cuộc nội soi.