…Vậy mà không ngờ. Đó là hai câu chúng ta thường nghe. Nhiều ông chồng có gia đình khác, có cả con khác rồi mà bà vợ không hề hay biết. Thì vợ chồng phải tin tưởng lẫn nhau là đúng chứ còn gì. Tại ông kia tài ba giấu giếm, sống đa nhân cách, khéo ngụy trang, hay tại bà vợ bị “liệt giác quan”?
Trong cuộc sống người ta vẫn nghe chuyện kiểu như ông kia sống yên ấm với vợ con, là người có uy tín và danh tiếng, chỉ đến khi ông chết thì bà vợ mới ngã ngửa khi thấy có bà khác dẫn đứa con tới xin chịu tang. Vì thế, đừng có bắt lỗi kiểu văn minh rằng: “Ai cho cô được kiểm soát tôi? Sao cô xâm phạm sự riêng tư?”.
Bà thì thuê thám tử, bà thì xâm nhập vào email. Có bà lấy từ trong chứng từ công ty điện thoại gửi để biết ông chồng có bao nhiêu cuộc gọi, vào số máy nào, lúc mấy giờ. Chỉ có nội dung cuộc gọi là không biết được mà thôi, tiếc thật. Nhiều ông bắt lỗi người đang đi phát hiện lỗi của ông, thế là từ phải thành trái.
- Xem thêm: Ráng mà… yêu nhau
Đó là câu chuyện bà xã mới đem về kể cho nghe. Cô ấy phê phán: “Đàn bà chết vì cả tin. Cứ nghĩ mình hết lòng chu toàn lo việc nhà, nuôi dạy con cái, cho chồng ra ngoài thành đạt, thế mới là vợ đúng nghĩa. Nhưng thường ông chồng khi có bồ thường lấy ngay cái mà bà vợ đinh ninh rằng đó là ưu điểm của mình để làm lý do chinh phục cô bồ.
“Vợ anh chẳng biết làm gì, chỉ ở nhà cũng không xong”. Đó là chưa kể các lý do khác. Ra ngoài, giao tiếp xã hội, gặp nhiều phụ nữ có học vị, chuyên môn cao, lanh lợi, hiểu đời, biết cách ăn mặc. Lại ngọt ngào, tâm lý, trò chuyện online, mạng xã hội sành điệu, chứ đâu có càm ràm chuyện tiền bạc hay con cái phiền nhiễu.
Nhưng các ông ấy quên mất một điều là các cô sành điệu đó có thành vợ chính thức đi nữa thì rồi cũng… trở thành giống y chang bà vợ hiện tại của ông ta thôi. Là vì, bà vợ mà ông chê đó, ngày xưa cũng “ngon” lắm chứ, hút hồn các ông, nhiều khi phải theo đuổi khó khăn lắm mới cưới được người ta. Lấy về rồi, sanh con, vất vả mới “biến dạng” thành cái bà vợ ông hết lời chê bai hôm nay”.
“Nhưng em ơi, tôi nói, ngày nay làm sao “quản lý” được nhau. Có ai biết ai đang làm gì đâu. Buôn bán, làm nghề phải đi đến các công trình, đến các địa phương chẳng hạn, giờ giấc cũng linh tinh.
Em không thấy sao, giờ làm việc mà ngoài đường đông nghẹt, kẹt xe, chứng tỏ đâu phải ai cũng đi làm công sở, trường học, bệnh viện cần phải đúng giờ đâu. Người làm ăn công ty tư nhân, buôn bán gia đình, chạy khắp nơi giao dịch chứ đâu ngồi một chỗ, không tuyệt đối tin tưởng ở nhau thì sao mà sống!”.
Bà xã tôi lập tức đáp lại: “Tin những kẻ đáng tin cho xứng đáng chứ cái đám trăng hoa sao dám gửi trứng cho ác?”. “Vậy làm sao biết kẻ nào đáng tin, kẻ nào không?”. “Theo em thì vợ chồng phải thường xuyên trao đổi với nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, chuyện cơ quan công sở, biết đang làm ăn thuận lợi hay khó khăn. Có những người còn biết được chồng mình thân với ai, thích đi ăn ở đâu, các thói quen là gì.
Một khi hiểu được mọi điều trong cuộc sống của chồng, sẽ biết diễn biến tình cảm của nhau. Nhiều bà vợ gửi lòng tin tưởng một cách không có cơ sở nào. Ông chồng cứ lù lù đi về. Về nhà là ôm cái máy tính, hoặc đi nhậu khuya mới về, hỏi thì gắt gỏng. Chẳng biết anh ta nghĩ gì, muốn gì. Hình như lý tưởng của anh ta lúc này mới trỗi dậy, thèm tự do”.
Rồi bà xã nói như đe tôi: “Em thì em biết hết, đừng có hòng mà đánh lừa. Sách báo nước ngoài thì dạy phụ nữ cách quan sát, phát hiện, nào là vết son môi trên áo, nào là dạo này hay sắm đồ mới, nhất là đồ lót, đi đâu cũng xức dầu thơm…
- Xem thêm: “Ngồi”… sáu mươi năm
Còn ở Việt Nam, các bà có thể bổ sung thêm nhiều dấu hiệu: Ngày xưa, chiếc điện thoại quăng khắp nhà. Có hôm tìm mãi không được, phải dùng điện thoại bàn gọi xem thì thấy nó đang ở dưới chồng sách để trên bàn. Còn bây giờ thì vào toilet cũng đem theo. Ban đêm khuya khoắt không nằm giường cùng vợ mà ra salon nằm nhắn tin liên tục.
Còn bày đặt khóa mật mã. Có ông đang ở bên vợ thì cô bồ nhớ quá liều gọi đến. Thấy vợ đang lắng nghe, anh chồng giả vờ quát lên “lộn số rồi nha”, bên kia nhận ra ám hiệu nguy hiểm mới “em nhớ anh lắm” rồi chịu thôi. Cứ như hoạt động gián điệp, tình báo”.
“Đó, anh thấy không, chỉ có những bà tai ngơ mắt điếc mới không nhạy cảm nhận ra những thay đổi vừa lộ liễu vừa nhố nhăng của những ông chồng lừa dối”. Cái đó gọi là mù giác quan mà lại gặp được ông chồng đại bịp. Về mặt nào đó, nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng chính xác là đôi lứa xứng đôi.