Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh… vô duyên. Bệnh vô duyên là bệnh không đáng có mà có mới dễ giận!
Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn. Cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (Iatrogenic disorders) mà theo GS. Phạm Khuê, nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi ở Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người có tuổi là do thầy thuốc gây ra.
Những bệnh vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, do người thân trong gia đình, do bạn bè, hàng xóm… tốt bụng, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa!
Bà cô tôi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã nghe lời hàng xóm mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu “nước mát” uống. Mát đâu chẳng thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước, lại thấy nóng bức, khô miệng, lại uống thêm “nước mát”! Thì ra “rễ tranh, mía lau, mã đề” là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).
- Xem thêm: Lời nói của thầy thuốc
Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại thuốc tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng mập bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là một thứ bột mì trộn với mật ong và corticoid, một thứ thuốc uống vào lâu ngày sẽ gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp…
Ta biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày. Thuốc trị tăng huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột. Thuốc tiểu đường có thể làm hạ đường huyết gây chóng mặt, hôn mê, co giật… Cho nên sử dụng thuốc phải hết sức thận trọng là vậy!
Hiện nay trên thị trường có quá nhiều thuốc, có quá nhiều những thực phẩm trình bày dưới dạng thuốc, có quá nhiều bác sĩ sẵn sàng “tư vấn” thuốc này thuốc kia, thực phẩm này thực phẩm khác theo… yêu cầu của nhà sản xuất, có quá nhiều quảng cáo tràn lan với mục đích duy nhất là làm cho người tiêu thụ “tưởng bở”… Có bà mẹ suốt ngày cho con uống “nước tăng lực” đến nỗi ghiền, béo phì lúc nào không hay!
Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm tối tân và nhiều người cũng thường muốn xét nghiệm này nọ một cái cho biết. Một giáo sư y khoa có lần tình cờ đến thăm người bạn ở một bệnh viện, nhân tiện đã thử làm một cái siêu âm tổng quát (thời đó mới có siêu âm!) thì phát hiện có một khối u ở bụng.
Điều trị khối u một thời gian sinh ra viêm tắt tĩnh mạch hai chân nặng, phải dùng thuốc chống đông máu để điều trị. Do dùng thuốc chống đông, bị biến chứng xuất huyết não, hôn mê sâu, được mổ sọ não kịp thời mới thoát chết!
Cách đây mấy năm, báo Paris Match có thuật lại trường hợp một bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nhưng cũng gởi làm thêm vài xét nghiệm cho chắc ăn, nhất là để tránh kiện tụng về sau.
Thế rồi, bệnh nhân được tiếp tục làm thêm hằng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: nào siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo, nội soi, sinh thiết các thứ…
Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bệnh nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan.
Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! Tây gọi những người sính xét nghiệm là “examinite”. Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over – investigation, xét nghiệm, thăm dò quá mức cần thiết!
Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, làm cho một người đang bình thường khỏe mạnh bỗng biến thành một người bệnh tưởng, nơm nớp, âu lo, lệ thuộc, do cái gọi là sự “dán nhãn” (labelling) trong chẩn đoán hoặc tiên lượng. Mà sức khỏe, theo định nghĩa là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật.
Nhiều người có bệnh, có tật mà vẫn “khỏe”, vẫn sống hạnh phúc, “sảng khoái” cả về thể chất lẫn tâm thần và cả về mặt xã hội của mình. Trái lại, có những người trông “khỏe” mà luôn hoảng loạn, lo âu, nơm nớp, lúc nào cũng “muốn bệnh”, muốn được chăm sóc, nên không sao có được sự “sảng khoái”. Và như vậy không thể nói là có sức khỏe được!
- Xem thêm: PLACEBO!
Một người bạn “bận rộn”, sắp đi du lịch Singapore, hỏi nhân dịp này có nên tham gia chương trình thăm khám sức khỏe tổng quát cho du khách tại một bệnh viện bên đó không. Tôi ngần ngại không biết trả lời sao cho phải.
Khám sức khỏe tổng quát là việc cần thiết, nên thực hiện định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm bệnh, rất đáng được khuyến khích. Thế nhưng, kết hợp trong một chuyến du lịch ngắn ngày ở một xứ sở dù là rất tiến bộ về y khoa với những kỹ thuật tân kỳ đi nữa vẫn không có gì chắc chắn là có thể “sảng khoái”.
Khi thầy thuốc reo lên “À há…” rồi châm một tràng tiếng Latinh như những thầy phù thủy, rồi thông dịch viên ú ớ dịch sang tiếng… Tàu, rồi dịch sang tiếng ta chắc cũng sẽ có lắm chuyện buồn vui: Gan hơi bị nhiễm mỡ. Rối loạn chuyển hóa lipid. Rối loạn thần kinh thực vật. Hình như có một khối u… Thôi thì, sẵn có tiền, cứ tùy hỷ vậy!
Hẹn thư sau. Thân mến.