Vừa khám bệnh từ phòng mạch về, mặt ông chồng đầy vẻ sầu thảm. Vợ hỏi:
– Chuyện gì vậy ông?
– Bác sĩ bảo anh phải uống mỗi ngày một viên thuốc cho đến khi chết!
– Ôi! Có chuyện gì đâu! Khối người cũng phải uống thuốc như vậy cơ mà!
– Phải, anh biết! Nhưng lão bác sĩ chỉ đưa cho anh có 10 viên thôi!
Có lần tôi giới thiệu một cô em họ đến khám tim mạch ở một bác sĩ bạn. Khám xong ông cho thuốc và nói rằng: “Bệnh không thể chữa dứt được”. Rồi ông trầm ngâm: “Mạch lại chậm…”. Cô em hoảng sợ, tuy về uống thuốc theo toa nhưng không yên tâm, thấy bệnh như càng nặng thêm, xin tôi giới thiệu đến khám ở một bác sĩ khác.
Tôi xem kỹ hồ sơ các thứ, giải thích thêm cho em biết rằng kết quả cận lâm sàng đều bình thường, em chỉ đang bị tăng huyết áp và rõ ràng đây là một loại bệnh mãn tính, không thể chữa trị đôi ba tuần là dứt, mà sẽ phải uống thuốc và theo dõi suốt đời, cho đến… 80 – 90 tuổi! Ngoài ra em còn phải kiêng ăn, phải tập thể dục… cho xuống cân vì em hơi thừa cân nữa.
Còn chuyện ông nói “mạch lại chậm” là để ông chọn một thứ thuốc cho phù hợp với em. Tôi bảo mạch tôi còn chậm hơn. Thế là em… phì cười, bao nhiêu lo lắng trút đi, thấy nhẹ nhõm hẳn và sẵn sàng uống thuốc cho đến 90 tuổi! Tôi nói với em đó là một bác sĩ giỏi và tốt, thẳng thắn, chỉ vì ông không có nhiều thì giờ để giải thích kỹ, lại nữa, có thể ông nghĩ là người nhà của tôi nên dành phần giải thích cho tôi!
- Xem thêm: Những người biết quá nhiều…
Trong thực tế, nhiều trường hợp người bệnh còn có thể hiểu lầm những lời thầy thuốc dặn dò, có khi dẫn đến tác dụng ngược. Có trường hợp bác sĩ bảo về “cữ ăn mặn”, bệnh nhân bèn ăn chay, còn nhiều muối hơn! Có trường hợp trẻ tiêu chảy, thầy thuốc dặn: “Về cho uống nước cháo”. Vì không nói rõ cách nấu cháo ra sao để có “super oresol” và phải uống bao lâu nên bệnh nhi đã được cho ăn cháo muối dài dài đến nỗi bị suy dinh dưỡng nặng.
Một bà mẹ dẫn con đến một cơ sở xét nghiệm thử nước tiểu, nhân viên xét nghiệm liền trao một tấm phiếu in sẵn trong đó dặn kiêng ăn… 15 món để tránh bị sạn thận mà nếu làm đúng lời khuyên này đứa bé chưa kịp bị sạn thận đã có thể chết vì suy dinh dưỡng hoặc èo uột lớn không nổi!
Truyền thông giữa thầy thuốc với bệnh nhân là một truyền thông đặc biệt. Người bệnh đến với thầy thuốc không chỉ tìm kiếm những thông tin liên quan đến bệnh tật hoặc thuốc men mà còn mang theo cả những nỗi băn khoăn, lo lắng và sợ hãi. Lời nói của thầy thuốc do vậy không chỉ mang ý nghĩa thông tin về kiến thức mà còn chuyển tải một nội dung cảm xúc.
Người thầy thuốc không chỉ là một chuyên viên tư vấn (consultant) về y học mà còn phải là một chuyên viên tham vấn (counsellor) về sức khỏe, bởi người bệnh đến với họ vì tin tưởng rằng người thầy thuốc ngoài việc chữa bệnh còn có thể an ủi, giúp đỡ họ.
Nói khác đi, lời nói của thầy thuốc cũng là một “liệu pháp”, có khả năng chữa bệnh, đặc biệt trong một số trường hợp người bệnh quá lo âu, suy sụp, căng thẳng. Nếu thầy thuốc “hù” thêm, “vẽ vời” thêm thì bệnh sẽ càng nặng hơn.
- Xem thêm: Óc quan sát…
Người bệnh cũng rất nhạy cảm với những “truyền thông không lời” trong mối giao tiếp đặc biệt này. Chỉ cần nhìn dáng điệu, nét mặt, cử chỉ hoặc nghe giọng nói, cái vỗ vai, cái nắm tay… của người thầy thuốc cũng đủ để bệnh nhân thấu hiểu bao điều.
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nữ đặc biệt nhạy cảm với những truyền thông không lời này. Thường khi thầy thuốc quên là người bệnh đang lo sợ, đang theo dõi từng cái lắc đầu, cái tặc lưỡi, lắng nghe từng lời nói của họ. Có thầy (cả thầy Tây lẫn thầy Ta) thích dùng những danh từ bí hiểm, những từ kỹ thuật chuyên môn làm cho người bệnh càng hoảng sợ.
Nghiên cứu cũng cho thấy thầy thuốc trẻ nhiệt tình giảng giải, nhưng thường sử dụng những từ quá chuyên môn, khó hiểu, còn thầy thuốc già thường tiết kiệm lời, đôi khi quá ngắn gọn thành cộc lốc, khó ưa!
Mới đây, tôi có nhận được một bức thư của một chị quê ở miền Bắc hiện đang là công nhân ở một xưởng gỗ tại Long Thành, Đồng Nai, cho biết chị 31 tuổi, có chồng và hai con, một trai một gái, gia đình rất hạnh phúc. Chồng chị là một người hiền lành, chịu thương chịu khó.
Cách đây 2 năm, chị bị nhức đầu và đi khám ở bệnh viện tỉnh. Bác sĩ cho làm xét nghiệm máu và phát hiện chị bị viêm gan siêu vi B. Chồng chị “đã đi lấy rất nhiều thuốc nam thuốc bắc” cho chị uống cũng không khỏi. Năm rồi chị và chồng chị cùng đi xét nghiệm lại theo lời bác sĩ dặn. Kết quả chồng chị âm tính (chưa bị nhiễm) còn chị vẫn dương tính. Bác sĩ khuyên “vợ chồng phải xa nhau để tránh lây bệnh cho chồng”!
Thế là “Vợ chồng tôi đã bàn bạc với nhau và chồng tôi đã đồng ý cho tôi đi xa chồng còn chồng tôi ở nhà nuôi hai con. Hiện giờ tôi ở trong Nam còn chồng tôi ở ngoài Bắc. Tôi rất là buồn vì cảnh chồng Bắc vợ Nam, tôi rất nhớ chồng và con nhưng không biết làm cách nào khác vì tôi không muốn lây bệnh cho chồng tôi. Tôi rất muốn về nhà vì nhà tôi rất là neo đơn con tôi nó rất là nhớ mẹ…”.
- Xem thêm: PLACEBO!
Tôi thực lòng rất muốn biết người bác sĩ nào đã nỡ làm cho vợ chồng họ phải xa nhau hằng ngàn cây số như vậy để gởi lá thư này đến ông. Dĩ nhiên là ông không chủ tâm. Ông chỉ vô tình cho một lời khuyên rất khoa học và tế nhị!
Thực ra chuyện “vợ chồng phải xa nhau” ở đây, trong bệnh viêm gan siêu vi B cũng như HIV/AIDS, chỉ có nghĩa là tránh quan hệ tình dục, tránh giao hợp, hoặc nếu có giao hợp thì phải dùng bao cao su hoặc “áo mưa”, thế thôi! Dĩ nhiên cũng phải hướng dẫn cặn kẽ cách dùng vì nếu không thì có người sẽ dùng bao ny-lông hoặc áo đi mưa không chừng! Mọi chuyện không hề đơn giản vậy!
Hẹn thư sau. Thân mến.