Một vị khách khó tính đang ngồi ăn tối trong một nhà hàng. Ông gọi người phục vụ lại, kêu nóng quá và đòi tăng độ lạnh của máy điều hòa lên. Người phục vụ lễ phép: “Vâng, thưa ông, tôi đi làm ngay đây ạ!”.
Vài phút sau, ông lại kêu người phục vụ lại, nói lạnh quá và đòi phải vặn nhỏ máy điều hòa lại. Người phục vụ vẫn lễ phép: “Vâng, tôi đi làm ngay đây ạ!”. Cứ như thế hơn nửa giờ đồng hồ, ông khách khó tính cứ hết kêu nóng lại kêu lạnh và người phục vụ cứ lễ phép chiều ý ông.
Một người khách thấy vậy nói với người phục vụ: “Anh giỏi chịu đựng thật, sao anh vẫn giữ được bình tĩnh thế?”. “Dạ không sao đâu ạ! Nhà hàng chúng tôi làm gì có máy điều hòa ạ!” – người phục vụ nhỏ nhẹ trả lời!
Cái đó trong Y học gọi là hiệu ứng Placebo, giả dược, hoặc nôm na là thuốc vờ! Thuốc vờ là thuốc như thật mà không phải thật, thế nhưng vẫn có “effect” (hiệu quả) mới là lạ! Nhiều khi bệnh nhân chê một thứ thuốc này thuốc nọ mà đòi thứ thuốc khác, cùng đặc tính, cùng hàm lượng, chỉ khác cái tên, khác nhãn hiệu và giá tiền, thì nhiều khi bác sĩ cũng “bấm bụng” mà làm theo yêu cầu như anh chàng phục vụ nhà hàng nọ. Có khi bệnh không cần đến thuốc mà bác sĩ cũng phải chiều lòng (!) cho một vài thứ “Placebo” cho vui vẻ cả làng! Nếu không thì sẽ mất “khách”!
- Xem thêm: Người ta trở thành… thầy thuốc cách nào?
Placebo có đủ loại: thuốc uống, thuốc thoa và cả thuốc chích. Từ Placebo đã có từ xưa. Trong Kinh thánh của người Hebrew đã thấy có, với ý nghĩa là “Tôi sẽ thỏa lòng”. Đến năm 1785, Placebo đã có tên trong Tự điển Y học với nghĩa “Thuốc gây niềm tin” (make – believe medicine). Đó là một chất trơ, không gây dị ứng, hoàn toàn vô hại, thế nhưng lại có tác dụng đặc biệt trên một số bệnh nhân, cả tốt lẫn xấu, gọi chung là hiệu ứng Placebo. Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp chẳng qua là sự trùng hợp tình cờ.
Thí dụ như khi bệnh sắp khỏi, hoặc trường hợp bệnh tự khỏi, mà dùng Placebo có thể tưởng là nhờ Placebo mà khỏi; ngược lại, bệnh sắp nặng, uống Placebo dễ đổ thừa tại thuốc mà nặng! Các nghiên cứu cho thấy Placebo có hiệu ứng với một số người nhạy cảm với nó. Những người này có một trạng thái tâm lý khá đặc biệt, dễ tin, dễ cảm xúc và dễ bị thuyết phục hoặc tự kỷ ám thị.
Chuyện không lạ trong y học, thí dụ “Hội chứng áo choàng trắng”, gặp ở một số người khi được bác sĩ đo huyết áp, huyết áp thường tăng vọt. Ở trẻ con có hội chứng “Đau bụng sáng thứ hai” do sợ đi học và một số thí sinh mắc tiểu liên tục khi bước vào phòng thi! Đây là lĩnh vực y khoa tâm – thể (Médecine psycho – somatique) ngày càng được để ý nghiên cứu.
Sau này người ta nghiên cứu sâu hơn, phân chia ra nhiều tuýp hành vi, và người thuộc nhóm hành vi này có thể sẽ dễ mắc một số bệnh mà tuýp khác không bị. Hai chị em cùng đi chơi lễ Thanh Minh mà Thúy Vân khác hẳn với Thúy Kiều là vậy!
Trở lại hiệu ứng Placebo, người ta thấy Placebo có thể chữa được các thứ “bệnh” như lo âu, căng thẳng, buồn bã, âu sầu, rối nhiễu tâm lý, các chứng đau, nhức đầu, ho, mất ngủ, say sóng, cảm, đau bao tử, nôn ói, cao huyết áp…
Người ta ngạc nhiên thấy Placebo cũng gây “tác dụng phụ” (phản ứng thuốc) dù đó chỉ là thuốc vờ, không phải thuốc thật: cũng nôn ói, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mất ngủ, uể oải, trầm cảm, ảo giác, hồi hộp, tiêu chảy, nổi ban…
Dĩ nhiên tất cả đều do một sự “tự phản ứng” của cơ thể chớ không phải do thuốc. Sợ quá đến nỗi ruột thắt lại, gây tiêu chảy; lo quá đến chóng mặt, trầm cảm, hồi hộp vẫn là chuyện thường thấy.
Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người ta thấy trong những trường hợp mối quan hệ này tốt đẹp, lời nói của bác sĩ đã làm cho bệnh nhân tin tưởng, hy vọng, tạo cho bệnh nhân sự an tâm, hài lòng, cảm thấy nhẹ nhõm thì hiệu ứng Placebo từ đó mà sinh ra.
Giải thích cơ chế tác dụng này, người ta cho rằng chính bệnh nhân đã có sự tự tin hơn ở năng lực khỏi bệnh của mình, có động cơ tốt cho sự hồi phục, từ đó hợp tác tốt với bác sĩ, theo đúng y lệnh, có hành vi sống lành mạnh hơn, nhờ đó mà khỏe ra. Tóm lại, Placebo không chỉ là thuốc mà cả mối quan hệ, cách truyền thông hiệu quả.
- Xem thêm: Những ngày xưa thân ái…
Placebo còn đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu đối chứng tác dụng của thuốc trên lâm sàng (gọi là thử thuốc). Chúng ta biết rằng để cho ra được một thứ thuốc mới, có hiệu quả chữa bệnh, được phép lưu hành trên thị trường phải trải qua rất nhiều khâu thử nghiệm và kiểm chứng, kể cả giai đoạn nghiên cứu trên súc vật, trên nhiều thế hệ của súc vật để loại trừ tác hại về di truyền rồi mới thử trên con người (người tình nguyện) sau đó mới được đưa vào lâm sàng dùng cho bệnh nhân.
Ở giai đoạn này, để loại trừ hiệu ứng Placebo, người ta chia bệnh nhân làm hai lô, hoàn toàn giống nhau, có tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác, có tiêu chuẩn khỏi bệnh đầy đủ, được chọn một cách ngẫu nhiên dựa trên thống kê, sau đó cho một lô uống thuốc cần thử, còn lô kia uống Placebo.
Để cho bảo đảm, thuốc thử và thuốc vờ hoàn toàn giống nhau đến nỗi cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không biết (gọi là mù đôi: double – blind), có như vậy mới loại trừ hiệu ứng Placebo do mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân như đã nói.
Sau đó, theo dõi diễn tiến của bệnh và so sánh kết quả bằng phương pháp thống kê y học để biết chắc có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai lô hay không. Nếu có sự khác biệt thật sự, hiệu quả rõ ràng thuốc mới được cho sản xuất, đưa ra thị trường.
Dĩ nhiên, trong quá trình nghiên cứu phải đảm bảo sao cho không gây nguy hiểm cho người bệnh – do sự chậm trễ điều trị chẳng hạn – và những người tình nguyện thử thuốc phải được thông báo rõ ràng. Những quy định về y đức phải hết sức chặt chẽ.
Hẹn thư sau. Thân mến.