Những sự tranh chấp gần đây ở Biển Đông cho thấy tham vọng về lãnh thổ – thực chất là tham vọng về nguồn năng lượng dầu hỏa – và chính sách pháo hạm của Trung Quốc đang đe dọa thổi bùng lò lửa chiến tranh ở Biển Đông. Chiến tranh chắc hẳn là một điều chẳng lành và không ai muốn, nhưng hòa bình ở Biển Đông cũng chắc chắn không thể có được bằng sự nhượng bộ đơn phương của một bên yếu hơn. Một sự lùi bước như thế về lâu về dài sẽ trở thành điều kiện dẫn đến chiến tranh sau này, khi mọi sự tức nước vỡ bờ. Lý thuyết về cửa sổ phá vỡ cho thấy rằng bất cứ một cửa sổ vỡ nào cũng cần được vá lại ngay, trước khi cửa sổ thứ hai bị ném vỡ. Mỗi nước trong vùng cũng cần có ý chí và hành động kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đảo thuộc lãnh thổ, lãnh hải của mình, cũng là góp phần bảo vệ luật pháp, công ước quốc tế về Biển Đông. Cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay phảng phất mô hình chiến lược đối kháng Liên Hoành – Hợp Tung thời Chiến quốc giữa Tần và sáu nước Tề, Ngụy, Triệu, Hàn, Yên, Sở mà thành công của Hợp Tung phải dựa vào sự đồng tâm hiệp lực và đoàn kết nhất trí của các nước nhỏ hơn liên kết lại. ASEAN và mỗi quốc gia Biển Đông trong ASEAN có thể sẽ cùng nhau bảo vệ được hòa bình và chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của mình nếu học được kinh nghiệm đáng giá đó. Xây dựng một Biển Đông hòa bình cũng chính là xây dựng một Biển Đông thịnh vượng ở đó các công ước và luật quốc tế cần được tôn trọng và thực thi, chủ quyền và quyền chủ quyền hợp pháp chính đáng của mỗi nước cần được các nước khác tôn trọng căn cứ vào lịch sử, đạo lý chứ không phải dựa trên sức mạnh. Cuối cùng, các quốc gia có lợi ích trong khu vực sẽ cùng nhận thức một cách đúng đắn rằng nguồn năng lượng mà họ cần sẽ có được dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với đạo lý hơn với tư cách một người bạn hàng, một đối tác chứ không phải một kẻ xâm lược. Tiến hành chiến tranh để chiếm đoạt nguồn năng lượng của người khác chắn chắn sẽ tốn kém hơn rất nhiều lần chi phí mua nó một cách sòng phẳng và công bằng.
Hậu duệ của những người con vua Rồng ngày nay đang hướng về biển. Lịch sử lặp lại, nhưng với một tầm vóc mới. Ngày xưa, biển đã che chắn, ấp ủ những hạt giống văn minh đầu tiên của dân tộc Việt. Bây giờ, biển đang cung cấp những nguồn năng lượng quý giá cần thiết cho sự đâm chồi, nảy lộc của những hạt giống đó. Một bình minh công nghiệp của ViệtNam đang ló dạng từ Biển Đông. Biển Đông, đó là tương lai của chúng ta.
Huỳnh Bửu Sơn
Ảnh Ngọc Nhi