Nhà thiết kế trẻ Đặng Thị Bích Ngọc vừa đoạt giải “American Graphic Design Award 2017” tạp chí Graphic Design USA (Mỹ). Bộ poster của cô là bốn bức liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu với chất liệu giấy nghệ thuật Trúc chỉ. Đây là lần đầu tiên ở miền Trung – Đà Nẵng có bạn trẻ đoạt giải này. Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc gặp gỡ với tác giả.
Giải thưởng “American Graphic Design Award 2017” khá uy tín của tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) vừa công bố ở hạng mục Student Design cái tên mới Đặng Thị Bích Ngọc (Đà Nẵng). Cảm nghĩ của Ngọc thế nào khi đạt giải thưởng này?
NTK Đặng Thị Bích Ngọc: Là một sinh viên vừa ra trường, hơn hết là một người trẻ yêu nghệ thuật, thật vinh dự khi tác phẩm của em có cơ hội được thử sức ở đấu trường lớn như nước Mỹ, bởi đây là một trải nghiệm bổ ích nhất với em vào lúc này. May mắn tìm đến với Trúc chỉ, một loại hình nghệ thuật tiếp biến truyền thống của Việt Nam, em đã học và được trải nghiệm rất nhiều, những con người và tinh thần nghệ thuật nơi đây đã giúp em có động lực cải thiện năng lực của bản thân, và mang tinh hoa văn hóa Việt đi xa nhất có thể. Phần thưởng này là kết quả của sự nỗ lực của bản thân em, cũng là lời cảm ơn chân thành nhất đối với các thầy cô, đã đồng hành cùng em, đối với gia đình và bạn bè đã động viên ủng hộ em.
Đây cũng là một cơ hội mới cho em trong việc trải nghiệm nhiều hơn, kinh nghiệm trong ngành cũng sẽ dày dạn hơn mai này.
Để có thể đưa tác phẩm của mình dự thi trên những sân chơi quốc tế cần có đủ tự tin và thời gian thử thách. Bích Ngọc đã bắt đầu từ đâu? Phải cần chuẩn bị những gì?
Từ lúc nhỏ, em đã yêu thích môn vẽ nhiều hơn, và coi đó như sở thích, thế mạnh của mình, và khi lớn lên niềm yêu thích đó lại trở thành một động lực để em bước vào giảng đường đại học, lúc đó ý niệm về thiết kế đồ họa đơn giản chỉ là niềm yêu thích về mỹ thuật.
Trải qua 5 năm ngồi trên ghế giảng đường, những kiến thức em tích cóp được đủ để tạo thêm cho em một niềm đam mê với nghề nghiệp mà em đã chọn, và khi được tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống thì em lại càng cảm thấy gắn bó với con đường này hơn, và chắc chắn trong tương lai cũng thế.
Có khoảng cách quá lớn giữa thiết kế đồ họa trong yêu cầu, không gian sống Đà Nẵng với hai đầu đất nước là Hà Nội và Sài Gòn? Theo Bích Ngọc tại sao? Liệu có cần thay đổi cách suy nghĩ, đột phá để cân bằng?
Em chỉ biết trả lời ở mức hạn hẹp như vầy: Hà Nội, Đà Nẵng, và TP. Hồ Chí Minh là những nơi phồn hoa đô hội của cả nước, nên không ngạc nhiên khi thiết kế đồ họa là một trong những ngành trọng điểm ở những nơi này.
Tuy nhiên tùy theo từng khu vực địa lý và bối cảnh đương đại cũng như bề dài lịch sử mà những nhà thiết kế đồ họa ở từng nơi đó có lý tưởng và thế mạnh riêng. Như Sài Gòn, trung tâm về kinh tế, thiết kế đồ họa đương nhiên sẽ mang đậm tính chất thương mại, và phù hợp với nhu cầu thị trường ở đây, tuy nhiên không phải những thiết kế mang tính dân tộc không tồn tại. Ngược lại, thủ đô Hà Nội – bên cạnh những đồ họa về thương mại thì, đa phần thiết kế lại trọng tính dân tộc nhiều hơn, Đà Nẵng – xem như trung tâm miền Trung, nơi gần với cố đô Huế, có thể dung hòa cho hai mảng đồ họa truyền thống và hiện đại.
Nghệ thuật không nhất thiết phải phân định là hiện đại nhiều hơn hay truyền thống nhiều hơn thì tốt, nơi có thể dung hòa truyền thống và hiện đại có thể chính là nơi nghệ thuật được sinh ra. Bởi vậy theo em nghĩ, cho dù ở đâu, Hà Nội, Đà Nẵng hay Sài Gòn cũng vẫn tồn tại nghệ thuật hiện đại cùng truyền thống và Thiết kế Đồ họa căn cứ vào môi trường đó mà điều chỉnh và cân bằng.
Tại sao em quyết định chọn, gửi dự thi bộ thiết kề về tuồng San Hậu với “American Graphic Design Award”? Có điều gì hấp dẫn giữa sân khấu với cuộc đời hay truyền thống với hiện đại trong cách nhìn thiết kế đồ họa đương đại?
Tác phẩm của em có xuất phát điểm ban đầu là từ đồ án tốt nghiệp, lúc chọn đề tài em đã trăn trở giữa các đề tài hiện đại và truyền thống. Bản thân em là một người yêu văn hóa Việt, và mong muốn có thể khai thác tối đa vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nên em đã mạo hiểm chọn một đề tài mà nhiều người cho là khó. Đề tài tốt nghiệp của em ban đầu là “Thiết kế bộ poster quảng bá cho đêm nhạc truyền thống Nhạc của Đình” tôn vinh âm nhạc truyền thống, nên em mong muốn bộ poster được thể bằng một kỹ thuật độc đáo, để thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống Việt, nên em tìm đến nghệ thuật Trúc chỉ. Quá trình làm việc của em khi đó quả thật cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn mà bản thân không lường trước được. Khi bảo vệ đồ án, tuy đề tài của em được đánh giá cao, nhưng chắc như các bài tốt nghiệp thường thấy, là luôn còn khiếm khuyết.
Sau buổi bảo vệ tốt nghiệp hai hôm, may mắn được làm quen với nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông qua mạng xã hội, và được sự tư vấn, khích lệ, cũng như thúc đẩy của thầy, em đã chuyển đổi hướng đề tài từ quảng bá “Đêm nhạc truyền thống” chung chung, sang giới thiệu một vở tuồng cụ thể, bởi vì tuồng là loại hình ca kịch cổ, di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, vì những ngôn ngữ này mang đậm chất đồ họa, và ước lệ. Và lý do cuối, là tiếp tục với ý định bộ poster liên hoàn. Em nghiên cứu và đề xuất với thầy Đông, và có hai vở tuồng như hai phương án cuối, là Nghêu Sò Ôc Hến và San Hậu. Cuối cùng, phương án chọn là San Hậu, vì có tuyến nhân vật rõ ràng, và tính cách nhân vật khác biệt có thể bộc lộ tốt bằng ngôn ngữ Trúc chỉ.
Bộ bốn poster này là chân dung bốn nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn: Khương Linh Tá – dũng tướng, bộc trực; Tạ Ôn Đình – phản Tề, dữ dằn; Phàn Định Công – lão tướng, trung can, nghĩa khí, và Phàn Diệm – con trai tướng Phàn, là một tướng trẻ, phong cách cổ quái, phi thường.
Ý thứ hai, theo em, với những nghệ sĩ sân khấu thì sân khấu chính là cuộc đời họ, điều đó thật đẹp. Họ chính là các di sản sống động.
Nghề nghệ thuật thị giác như thiết kế đồ họa mà em biết, ngoài việc thiết kế các sản phẩm đồ họa đáp ứng nhu cầu thương mại và người tiêu dùng, còn thiết kế các tác phẩm, sản phẩm cho truyền thông và văn hóa, trong đó có sứ mạng tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản cổ truyền từng được lưu giữ nhiều thế hệ. Việc làm mới tinh thần của nghệ thuật truyền thống bằng cách hòa quyện với chất liệu tiếp biến truyền thống như giấy nghệ thuật Trúc chỉ là một ví dụ. May mắn cho em, là một thể nghiệm thành công với cá nhân em.
Và vì thế, nghệ thuật truyền thống tiếp tục hấp dẫn em.
Cảm ơn Bích Ngọc về cuộc trò chuyện này! Chúc em có những bước đi thành công hơn nữa cho thiết kế đồ họa trong tương lai.
KTS, HS Nguyễn Tri Phương Đông – họa sĩ thiết kế, người từng đoạt giải cũng tại cuộc thi GDUSA này và là cố vấn cho đồ án dự thi của Đặng Thị Bích Ngọc nhận xét:
“Thiết kế poster về đề tài sân khấu, hay điện ảnh, luôn cần có hiệu ứng ánh sáng đặc trưng. Giấy nghệ thuật Trúc chỉ – chất liệu tạo được vẻ tân cổ điển (neo-classic) giàu chất đồ họa, lại hiện hình khi xuyên sáng.
Ám ảnh với đề tài cổ truyền, nhà thiết kế đồ họa Đặng Thị Bích Ngọc đã hòa quyện chúng trong bộ poster liên hoàn – tuồng cổ San Hậu – tạo nên sắc thái dân gian văn minh. Bằng đồ họa, cô đã đem Trúc chỉ đến Mỹ và thành công”.
- Theo Nguyễn Hữu Hồng Minh / MTG