Cũng như Utopia viễn tưởng, Utopia-Ivrea tại Ý vào thế kỷ XX là thiên đường đối với người lao động. Mọi công nhân đều được trả lương cao và hưởng trọn gói phúc lợi hoàn hảo. Phụ nữ không chỉ được nghỉ thai sản 10 tháng, mà còn được miễn phí trông trẻ khi quay trở lại làm việc. Đến cả chỗ làm cũng phải có tầm nhìn đẹp để công nhân viên thư giãn đầu óc, hưng phấn tinh thần.
Utopia: Thế giới lý tưởng
Ngày nay, mọi người có thể mơ hồ về khái niệm Utopia, nhưng trong thời đại bùng nổ công nghiệp hóa và chủ nghĩa tư bản thế kỷ XX, nó là lý thuyết ai cũng biết. Utopia là một thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa là “phi thực”. Vào năm 1516, nhà văn Thomas More (1478-1535, Anh) xuất bản một tác phẩm hư cấu có nhan đề Utopia, lấy bối cảnh là hòn đảo trong mơ Utopia. Trên hòn đảo này, tất cả cư dân chung sống bình đẳng. Mọi thành phẩm lao động, của cải vật chất đều là của chung. Mọi người cùng nhau làm việc, chia sẻ đói no và vui hưởng hạnh phúc. Có điều, cuốn sách này không mấy tiếng vang. Ít độc giả cùng thời hứng thú thế giới lý tưởng xa vời trong nó.
Vào thế kỷ XVIII, châu Âu mở màn thời kỳ bùng nổ công nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Các chủ lao động tàn nhẫn bóc lột người làm. Sang thế kỷ XIX, sự áp bức còn nặng nề hơn. Công ty khai thác, sản xuất nào cũng chèn ép, vắt kiệt sức người lao động, đẩy họ vào tình trạng sống phụ thuộc. Không thể nhẫn nại, nhiều nhà hoạt động xã hội mới lấy Utopia làm lý tưởng, thức tỉnh giai cấp công-nông. Tại Ý, có một người đàn ông siêu nhiệt tình với Utopia là Adriano Olivetti (1901-1960).
Thành hiện thực giữa đời thường
Adriano là con trai của kỹ sư điện Camillo Olivetti (1868-1943), người sáng lập công ty sản xuất máy đánh chữ Olivetti tại thị trấn công nghiệp Ivrea của Ý. Sau 25 năm điều hành công ty, Camillo chuyển giao vị trí cho con trai tiếp quản. Adriano sớm bộc lộ tài năng lãnh đạo. Song khác với các nhà tư bản cùng thời, ông ôm ấp khát vọng biến Olivetti thành nơi làm việc thân thiện với công nhân.
Vừa nhậm chức, Adriano tuyên bố: “Các công nhân mới là nòng cốt của Olivetti”. Ông bắt tay ngay vào việc thuê kiến trúc sư thiết kế nhà ở, tiến hành xây dựng khu phố của công nhân. Các căn hộ từ 4 tầng trở xuống, đầy đủ phòng ốc cơ bản, có sân trước và vườn tược thoáng mát, trồng hoa cỏ, cây cảnh lần lượt mọc lên. Công nhân viên Olivetti chia nhau mỗi người/hộ gia đình một nhà. Sau những giờ làm việc vất vả, họ chỉ việc về nghỉ ngơi, đánh một giấc thật ngon.
Nhà máy Olivetti cũng được Adriano mạnh tay sửa sang. Ông cho dỡ bỏ tường cũ, lắp tấm kính thay thế. Từ trong phòng làm việc, công nhân viên Olivetti có thể phóng tầm mắt ngắm khung cảnh núi non Ivrea tươi đẹp. Adriano tin rằng, cảnh sắc thiên nhiên có thể giúp giảm căng thẳng. Người lao động của nếu thấy chán, mệt trong giờ làm việc, được phép tạm ngừng tay, ngắm nghía thế giới xung quanh, khôi phục tinh thần.
Sau đó, Adriano rộng rãi chi tiền xây dựng và vận hành hệ thống nhà ăn, sân chơi, thư viện, phòng chiếu phim, góc trò chuyện. Đến cả người nhà của công nhân viên, ông cũng quan tâm chu đáo. Trong Olivetti có hẳn một mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trẻ em, người già tận tình. Nữ công nhân viên có con nhỏ chỉ việc gửi con vào phòng trông trẻ miễn phí, rảnh rang làm việc. Họ cũng được nghỉ sản có lương 10 tháng. Lao động về hưu thì thoải mái tận hưởng các ưu đãi ăn, ở, giải trí trong khuôn viên công ty.
Đặc biệt, Adriano ưu ái trả lương cao hơn các công ty khác. Tiếng lành đồn xa, người người lũ lượt đổ về Ivrea, đăng ký xin vào Olivetti làm việc. Nếu trong thời của Camillo, Olivetti chỉ làng nhàng 30 nhân công, thì dưới sự quản lý của Adriano đã đông đến hàng chục ngàn người. Chớp mắt một cái, thị trấn vốn bình lặng biến thành khu công nghiệp sầm uất. Tổng dân số Ivrea tăng vùn vụt, từ 15.000 người (năm 1930) lên đến hẳn 30.000 người (năm 1960).
Báo chí toàn châu Âu đua nhau đưa tin về một “Utopia trong đời thực”. Cả thế giới biết đến Ivrea, ca ngợi thị trấn này như một “hiện tượng toàn cầu”. Các đô thị thi nhau học tập, làm theo mô hình “Utopia- Ivrea”. Không có bất cứ nơi nào trên trái đất, sự hài hòa giữa đời sống riêng tư và công cộng, công việc và gia đình lại tuyệt vời hơn ở Ivrea. Từ già đến trẻ, ai cũng mãn nguyện, hạnh phúc. Biết ơn Olivetti, người lao động càng tận tình, tận sức. Quy mô và tầm ảnh hưởng của nhà máy mỗi lúc một mở rộng, vươn xa.
Bài học thực tế buồn
Song song với việc lãnh đạo Olivetti, Adriano còn thành lập và dẫn dắt một đảng phái chính trị mới, Phong trào Cộng đồng (Movimento Comunità, 1946). Ông lập luận thuyết, tập hợp các khu tự trị nhỏ giàu mạnh sẽ hình thành nhà nước hùng cường. Theo Adriano, nước Ý nên chia nhỏ thành các “cộng đồng” như Ivrea. Mỗi “cộng đồng” lại phải được quy hoạch không gian hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn môi trường. Các “cộng đồng” trong một khu vực liên kết với nhau, hình thành “liên đoàn đô thị”. Các “liên đoàn đô thị” lại kết nối với nhau, tạo ra nhà nước.
Từ khi thành lập Phong trào Cộng đồng, Adriano nhiệt tình giới thiệu, phổ biến tư tưởng của mình ra khắp nước Ý. Ông bước chân vào trường chính trị, trở thành thị trưởng của Ivrea vào năm 1956. Sau 2 năm hoạt động, Adriano tiến thẳng vào nhà quốc hội, nỗ lực thuyết phục chính phủ Ý hãy “Utopia hóa” toàn quốc.
Nhưng chưa kịp lay động nước Ý, Adriano đã qua đời. Ngày 27.2.1960, toàn thể Ivrea rơi nước mắt tiễn đưa nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất. Olivetti nén đau thương, tiếp tục phát triển và mở rộng công ty. Những năm 1970, lực lượng công nhân viên tăng lên đến 73.283 người. Ban lãnh đạo nhà máy phải xây dựng thêm một khu nhà ở mới, đặt tên là Tal Talononia. Thừa kế ý tưởng vì công nhân của Adriano, họ thiết kế khu phức hợp La Serra, phục vụ từ phòng đọc sách, rạp chiếu phim đến nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Dù nổi tiếng toàn cầu là công ty phát triển nhờ ưu ái người lao động, không thể phủ nhận nguyên nhân chính mang đến sự thành công của Olivetti là gần như độc quyền sản xuất máy đánh chữ. Nó nhận đơn hàng từ khắp châu Âu và các châu lục khác. Tiếc rằng, lịch sử phát triển của Olivetti lại cùng thời điểm với máy tính. Khi công nghệ máy tính ngày càng hoàn thiện và nâng cấp, máy đánh chữ trở lên lỗi thời. Những năm 1990, các nhà máy phân phối linh kiện máy tính giá rẻ lũ lượt mọc lên khắp thế giới. Olivetti cũng đổi mặt hàng sản xuất, nhưng thất bại trong việc cạnh tranh giá cả. Nguyên do cũng vì nó bị mắc kẹt giữa lý tưởng và hiện thực, cố giữ vững truyền thống vì công nhân viên.
Khi tiền trả lương và vận hành hệ thống phúc lợi không đủ, tổng công ty Olivetti buộc phải bán dần các chi nhánh. Dần dà, nó rơi vào phá sản, phải sáp nhập vào Tập đoàn Viễn thông Ý (Telecom Italia). Sự thịnh vượng của Ivrea vốn do Olivetti quyết định nên khi nhà máy bị đóng cửa, thị trấn này cũng tàn tạ. Hàng chục ngàn lao động mất công ăn việc làm lũ lượt bỏ đi. Các công trình phục vụ họ bị bỏ hoang, mặc thời gian hủy hoại và rêu, cỏ xâm nhập.
Năm 2018, UNESCO tuyên bố công nhận Ivrea là Di sản Thế giới. Từ đó đến nay, thị trấn công nghiệp bị bỏ rơi này cũng chẳng có gì đổi khác. Không mấy người quan tâm tại sao nó được vinh danh. Cũng không mấy ai bỏ thời gian ghé thăm, chiêm ngưỡng các vết tích của “dự án xã hội lý tưởng, tiến bộ, thành phố công nghiệp kiểu mẫu” một thời. Cái danh “Di sản Thế giới” dường như chỉ khắc sâu thêm nỗi tiếc nuối, nhắc nhở về một thời hoàng kim đã mất.