Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Đây là một đề xuất đáng quan tâm, vì có quá nhiều lợi ích đối với một quốc gia mà người dân sử dụng thành thạo tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Khả năng kết nối sâu và rộng với thế giới, khả năng mang những giá trị của mình ra thế giới cũng như đón nhận những giá trị của thế giới vào đất nước mình rất cần thiết cho Việt Nam.
Tiếng Anh có làm “lu mờ” tiếng mẹ đẻ?
Trong hệ thống ngôn ngữ nhà trường và xã hội, tiếng Việt vẫn giữ địa vị chính thống. Sử dụng thêm tiếng Anh chỉ mang lại giá trị cộng thêm chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt ngôn ngữ hay văn hóa. Chúng ta có động lực để sử dụng tiếng Anh thành thạo hơn, học tập được nhiều điều của thế giới tiến bộ hơn, đi nhanh hơn về nhận thức. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia song ngữ hay đa ngôn ngữ vẫn giữ gìn được nền văn hóa truyền thống một cách hài hòa, tốt đẹp.
Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý, việc người dân sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai không đảm bảo sự phồn thịnh về kinh tế. Chúng ta hay dùng sự phát triển ngoạn mục của Singapore để minh chứng cho việc dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Nhưng xét ra, có rất nhiều nguyên nhân để tạo nên một “con rồng châu Á”, mà một yếu tố quan trọng là Singapore có nhà chiến lược quốc gia xuất sắc Lý Quang Diệu. Không quá xa chúng ta là Philippines có 90 triệu dân thành thạo tiếng Anh nhưng vẫn là nước đang phát triển. Nhìn xa nữa, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chưa sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhưng với quyết tâm và văn hóa hành động, họ đã trở thành quốc gia giàu có từ rất lâu rồi.
- Xem thêm: Có phải học tiếng Anh càng sớm càng tốt?
Tôi rất ủng hộ Việt Nam trở thành quốc gia song ngữ, nhưng e rằng sẽ mất nhiều thời gian để điều này trở thành hiện thực. Chỉ riêng Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020-2030 đã không thực hiện được mục tiêu đề ra, và việc học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam trong 10 năm qua vẫn chưa thành công. Học sinh Việt Nam giỏi tiếng Anh chủ yếu nhờ các trung tâm ngoại ngữ hơn là hệ thống giáo dục chính quy. Thêm vào đó là sự xuất hiện và bùng nổ của hệ thống các trường quốc tế, các trường song ngữ, truyền hình cáp tiếng Anh và sự cần mẫn tự dạy tiếng Anh cho con của các bậc phụ huynh. Theo tôi, chương trình tiếng Anh chính quy của Việt Nam chưa thành công từ cấp phổ thông cho tới cấp đại học, bao gồm cả các trường đại học chuyên ngữ.
Con không nhất thiết phải du học sớm
Có thể nói, trong thời đại toàn cầu thì việc tiếp thu tiếng Anh từ các chương trình học quốc tế là điều cần thiết. Trong khi chờ đợi – sẽ còn rất lâu – để nền giáo dục Việt Nam đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính, các bậc phụ huynh vẫn phải tự tạo chính sách song ngữ trong gia đình mình, tự tìm trường cho con học tiếng Anh tốt, tự tìm nước cho con du học là chủ yếu.
- Xem thêm: Để học sinh không còn “sợ” môn tiếng Anh
Tôi từng làm việc trong lĩnh vực giáo dục, có thông tin và các mối quan hệ trong lĩnh vực này, nhưng thật không dễ dàng để đưa ra được một phương án học tập phù hợp cho con mình ở Việt Nam. Khi con tôi chuẩn bị bước vào trung học, tôi cũng bắt đầu phải tìm trường như bao phụ huynh khác. Học tiếp trường quốc tế là phương án tôi từng nghĩ đến. Một trường quốc tế mà tôi có thể tin tưởng có học phí 560 triệu cho năm học đầu tiên. Dù là một nước thuộc nhóm “thế giới thứ ba” nhưng học phí trường quốc tế ở Việt Nam không rẻ chút nào, thậm chí cao hơn các trường trong khu vực châu Á.
Trừ những phụ huynh được công ty trả tiền học phí cho con học trường quốc tế theo gói expat package, các phụ huynh Việt Nam sau khi chọn trường quốc tế cũng “toát mồ hôi” với học phí 400-600 triệu đồng/năm học, chưa kể gần chục loại phí khác. Vì mức giá này, chỉ có khoảng 5% là số học sinh thuộc nhóm tinh hoa (nhà giàu, cha mẹ có học thức và địa vị xã hội) có khả năng theo học các trường quốc tế. Đó là nghiên cứu của ISC Research, một tổ chức uy tín nhất về nghiên cứu thị trường các trường quốc tế.
Riêng tôi càng thấy học phí quá đắt khi định giá những gì con mình thu nhận được từ trường đó chỉ ở mức dưới 300 triệu đồng, bằng cách so sánh với chất lượng giáo dục của những trường tôi đã tham khảo ở Anh, Mỹ, Singapore hay thậm chí Thái Lan. Mặt khác, du học sớm là phương án tôi không muốn vì với thời gian con được ở bên cha mẹ và cha mẹ ở bên con là một tài sản quý giá với cả hai nên không muốn đánh đổi nó.
Cuối cùng, tôi tìm được một phương án hiệu quả hơn, đó là cho con học một ngôi trường tầm trung với học phí trên dưới 200 triệu đồng. Chi phí còn lại, tôi sẽ đưa con đi du lịch nước ngoài mỗi năm, hoặc cả nhà đi du lịch cùng nhau, và trải nghiệm những điều có ý nghĩa nhất ở châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, châu Phi, Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Có thể con tôi sẽ có “tư duy toàn cầu” hơn các lựa chọn khác rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn có lựa chọn khác nữa là homeschooling cho con. Đọc trên diễn đàn homeschooling ở Việt Nam, tôi thật sự ngưỡng mộ tâm huyết và sự sáng tạo của các anh chị trên diễn đàn đó.
Họ giải quyết vấn đề theo “kiểu Việt Nam” mà rất hiệu quả. Mua chương trình online của các trường có kiểm định ở Mỹ cho con học, thuê giáo viên giỏi trường quốc tế làm tutor cho con tự học, và con còn quỹ thời gian mênh mông để làm đủ mọi chuyện cháu muốn làm như học thêm ngoại ngữ 2, 3…, học làm phim, tham gia từ thiện, du lịch khám phá các nước… Nếu phụ huynh là người trọng bằng cấp thì du học sớm, hay học trường quốc tế, hoặc học từ xa thì bằng cấp là như nhau.
Là các công dân toàn cầu, con cái chúng ta không cần phải sang ở tại ký túc xá Mỹ mới có thể học chương trình Mỹ. Chúng có thể học chương trình Mỹ khi đang chơi với ông bà ở quê, đang đi làm thiện nguyện ở tỉnh, đang đi du lịch ở châu Âu… Với tôi, có nhiều cách khác để đạt được mục tiêu học tập và có những trải nghiệm sống hạnh phúc và độc đáo hơn là đi theo bất cứ một con đường nào có sẵn.