Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ chiều 18-11 đã dành 2 giờ 45 phút để trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề nóng đang diễn ra. Trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu định nghĩa về Chính phủ kiến tạo từ chất vấn của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
Thủ tướng cho biết, về nội hàm có bốn nội dung chính:
Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.
Thứ hai là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.
Thứ ba là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.
Thứ tư là Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Như trên tôi đã nêu, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng để chủ động tốt hơn, chứ không phải rơi vào thế bị động”.
Cũng trong mạch trả lời về xây dựng Chính phủ kiến tạo và cải cách hành chính, Thủ tướng đã bày tỏ một trong những điều lo lắng của ông là việc “trên nóng dưới lạnh”, còn một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu.
Liên quan đến việc lạm dụng xã hội hóa – một chủ trương rất đúng nhưng lại phát sinh những biến tướng gây phản ứng trong xã hội hiện nay – Thủ tướng cho biết: “Phải dựa vào dân, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra thì mới thành công, nên vừa qua Chính phủ thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đồng ý là vẫn còn lạm dụng xã hội hóa làm tăng gánh nặng cho người dân. Ví dụ trẻ em đi học còn bị lạm thu, trẻ em mới sinh cũng phải đóng phí thế này thế khác. Ông nói: “Đó là điều hết sức vô lý. Chính phủ phải có thể chế minh bạch, công khai, huy động trong dân một cách hợp lý hơn, không vì xã hội hóa mà đè gánh nặng lên người dân”.
So với những lần Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội diễn ra trước đây, thời lượng đối thoại nhiều hơn và các vấn đề được giải đáp thẳng thắn với 16 nội dung và điểm nóng về kinh tế xã hội. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã có 76 phiếu chất vấn gửi đến các thành viên Chính phủ và sáu phiếu dành cho Thủ tướng.
Về tổng quát, các đại biểu đánh giá cao 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt chỉ tiêu, như tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm tăng, xuất khẩu đạt 29 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, gần 23.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, môi trường cạnh tranh được cải thiện.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chân thành cảm ơn đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đã ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người dân các vùng bị thiệt hại do 13 cơn bão gây ra thời gian qua.
Thủ tướng cũng đã trình bày các phương hướng và nhiệm vụ mới như đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức cũng như cơ chế giảm nghèo, tích cực tham gia các cơ chế đa phương, hội nhập kinh tế quốc tế với kết quả thực chất, phát triển kinh tế tư nhân, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tăng cường kỷ cương pháp luật. Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ tổ chức đối thoại với nông dân để tìm lối đi mới trong tái cơ cấu nông nghiệp, giải cứu hàng hóa bị dư thừa, tổ chức thị trường và xây dựng thương hiệu quốc gia trong nông nghiệp…
Trước đó một ngày, vấn đề mạng xã hội đang là đề tài nóng đã được một xẻ trong phiên chất vấn của Quốc hội, theo đó Chính phủ sẽ có thái độ kiên quyết hơn với hoạt động này qua lời khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông nói: “Cái gì tốt chúng ta phát huy, cái gì không tốt sẽ ngăn chặn với thái độ cương quyết hơn nữa, trên tinh thần đúng pháp luật, đúng cam kết quốc tế”.
Quản lý báo chí và mạng xã hội là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn này. Phó thủ tướng cho biết ở Việt Nam, theo số liệu mới nhất, có 67% dân số dùng internet, 60% dùng mạng xã hội, tuy nhiên gần như thị trường không thuộc về chúng ta.
Về thị phần, 95% mạng xã hội, 98% công cụ tìm kiếm, 98% thư điện tử, 80% thương mại điện tử tại Việt Nam là của nước ngoài. Trên thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam, Facebook và YouTube chiếm đến 80%, với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Chúng ta chỉ còn trò chơi điện tử có thị phần khoảng 60%.
Phó thủ tướng nhận xét nhiều nước trên thế giới đã có thái độ kiên quyết hơn và Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn với mạng xã hội.
Trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cảnh báo về mất an toàn ở Việt Nam vì sự “dễ dãi” của người dùng.
Ông nói, về ứng dụng công nghệ, Việt Nam đứng khoảng thứ 80 thế giới – mức trung bình, nhưng an toàn thì đứng vị trí trên 100 – tức là trung bình yếu.
Về những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc loại yếu nhất trên thế giới. “Cứ 1 giây, Việt Nam có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, có bốn mã độc bị phát tán, tức là tôi vừa nói xong câu này thì có cả nghìn cuộc tấn công, có mấy chục mã độc mới, mấy chục cuộc tấn công có chủ đích”, ông nói.
Có những chỉ số Việt Nam đứng cuối cùng của thế giới, như chỉ số phát tán thư rác. Cứ 100 thư rác phát đi thì Việt Nam có 11,17 chiếc, nếu tính theo tỷ lệ dân cư thì Việt Nam gấp Trung Quốc 13,4 lần và gấp Mỹ tám lần.
Ngày xưa, nói đến an toàn thông tin là chỉ nói đến máy tính, nhưng giờ là vạn vật kết nối, từ tủ lạnh, tivi, nên tỷ lệ lây nhiễm tại chỗ của Việt Nam cao nhất thế giới. Năm 2016, Việt Nam có hơn 71% thiết bị lây nhiễm.
Ngược lại với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, thì nhận thức của người dân về điều này rất thấp – khoảng 11% người nhận thức được, trong khi thế giới là khoảng 60%.
“Chúng ta có 61% máy tính cá nhân nhiễm mã độc, so với 19% trung bình trên thế giới. Ta chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn”, Phó thủ tướng cảnh báo.
“Khi chúng tôi hỏi chuyên gia quốc tế, thì họ nói dùng từ chuẩn nhất với chúng ta là dễ dãi, tức là chúng ta chưa nhận thức được nguy cơ. Chúng ta không biết mọi thông tin cá nhân đều được các công ty thu thập, về lý thuyết là phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng hoàn toàn có thể bị lợi dụng để lừa đảo, tống tiền, làm những việc có hại cho bản thân”, Phó thủ tướng nói tiếp.
“Quan điểm của Chính phủ là Việt Nam phải có chủ quyền trên không gian mạng”, Phó thủ tướng phát biểu.
- Gia Minh